Gian nan này ai thấu thầy cô
Ngày mai 14-8, học sinh nhiều địa phương bước vào năm học mới. Ở vùng sâu vùng xa, các thầy cô giáo đã tạm biệt gia đình, lên đường vào bản. Thật khó hình dung con đường đến trường của các thầy cô gian nan đến vậy.
Gian nan này ai thấu thầy cô
Ngày mai 14-8, học sinh nhiều địa phương bước vào năm học mới. Ở vùng sâu vùng xa, các thầy cô giáo đã tạm biệt gia đình, lên đường vào bản. Thật khó hình dung con đường đến trường của các thầy cô gian nan đến vậy.
Các thầy cùng giúp đẩy xe của cô giáo Bùi Thị Lệ vượt qua đoạn sạt lở khi vào đến bản Nậm Ngà (Mường Tè, Lai Châu) – Ảnh: Cô giáo ĐÀO THỊ PHƯỢNG |
Những hình ảnh ấn tượng đầu tiên của năm học mới đã được đưa lên Facebook và lan truyền cảm xúc mạnh. Trong ngày 12-8, Tuổi Trẻ đã liên hệ với nhiều thầy cô giáo để lắng nghe câu chuyện phía sau những hình ảnh chân thật nhất về hành trình đến lớp của họ.
Xin ghi lại tâm tình của cô giáo Đào Thị Phượng, giáo viên dạy văn Trường phổ thông dân tộc bán trú – THCS Nậm Ngà, Mường Tè, Lai Châu, trong ngày đến trường.
“Sau kỳ nghỉ hè, chúng tôi trở lại Trường phổ thông dân tộc bán trú – THCS Nậm Ngà ở bản Nậm Ngà để chuẩn bị tái giảng vào ngày 14-8. Đây là một trong những bản khó khăn nhất của xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Đầu tháng 9 trường chúng tôi sẽ bắt đầu khai giảng và học chính thức.
|
|
Cô Đào Thị Phượng |
Đã có cái chết trên đường
Ở đây tháng 7, 8 là tháng cao điểm của mùa mưa. Có những đợt mưa kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng. Đất đồi đã ngấm no nước. Con đường vào trường chúng tôi từ trung tâm xã lên bản Cô Lô Hồ có những đoạn một bên là vực sâu, một bên là đồi đất, đá. Thường những ngày nắng, đá vẫn lăn xuống. Nhưng ngày mưa mới chính là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đất, đá có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào.
Vừa rồi, đầu tháng 7 có một gia đình người Mông đi qua đường này bị đất sạt lở đè trúng. Người mẹ thoát chết. Người cha và đứa con gần 1 tuổi vĩnh viễn ra đi. Vài hôm sau chỉ tìm được thi thể người cha nhưng không nguyên vẹn. Còn đứa bé mãi mãi nằm trong đống đất đá kia. Rồi cậu thiếu niên 17 tuổi đi bè trên sông bị đất sạt xuống, tạo sóng cao 5m nhấn chìm. Nghe những tin như vậy, thú thật tôi cảm thấy sợ hãi.
Tôi quê ở Yên Bái. Trước đó mấy hôm, tôi hẹn với mấy anh chị đồng nghiệp ở huyện Mường Tè rồi cùng nhau vào trường. Sáng chị đồng nghiệp gọi dậy ăn sáng để vào trường. Cầm hộp xôi, tôi rơm rớm nước mắt: “Chị ơi, em sợ lắm chị”. Chị cũng sợ nhưng cố trấn an: “Thôi, không sao đâu. Chị cũng sợ lắm. Ăn đi rồi lấy sức vào trường”.
Cầu qua suối đã bị lũ cuốn đi mất, các thầy sang Nậm Ngà bằng bè nứa – Ảnh: ĐÀO THỊ PHƯỢNG |
Sợ. Nhưng chắc các em học sinh nơi đây đang ngóng trông các thầy cô giáo trở lại bản. Nghĩ vậy mà có thêm động lực thôi thúc chúng tôi lên đường.
Đoàn chúng tôi gồm 10 giáo viên và một người dân đi cùng. Suốt hành trình 70km chúng tôi phải vượt qua nhiều đoạn sạt lở trôi cầu, cống… Đoạn đường đất hơn 10km chúng tôi phải khiêng, đẩy xe cả chục lần và mất 3 giờ ở đó. Xuất phát từ trung tâm huyện lúc 8h, tới 15h30 mới đến bản Nậm Ngà.
Giáo viên Trường tiểu học Hoang Thèn, Phong Thổ, Lai Châu trên đường đến trường. Bánh xe phải quấn nhiều vòng xích Ảnh: NGUYỄN QUỲNH |
Các em sẽ học như thế nào đây?
Vào đến đầu bản, cảm giác như vừa vượt qua cái gì đó đáng sợ. Tự nhiên thấy mình như một đứa trẻ con. Suốt hành trình từ huyện vào trường tôi không dám gọi điện về cho gia đình. Đến nơi mới dám gọi một cuộc về nhà cho mẹ mà khóc luôn trên điện thoại: “Mẹ ơi, con đến trường rồi…”.
Sau hai tháng không có bóng giáo viên và qua cơn lũ, mọi thứ ở trường trở nên hoang tàn. Cây cầu gỗ bắc qua suối sang trường bị cuốn trôi. Khu nhà ở, khu nấu ăn của học sinh bị lũ bồi một lớp đất đỏ dày 40-50cm. Dãy nhà gỗ tập thể của giáo viên cây cỏ mọc um tùm, rêu xanh mọc đến tận cửa phòng.
Sân trường giờ trở thành một bãi đá lởm chởm, xói lở và có….dòng suối chảy qua. Rồi khai giảng, hoạt động ngoại khóa, sân chơi của các em học sinh sẽ diễn ra ở đâu? Chẳng lẽ để các em chạy xuống chơi với đất đá, cát sỏi và lòng suối? Nhà ở của học sinh ngập trong bùn đất. Cảm xúc trong tôi thật nghẹn ngào khó tả. Chỉ sau một cơn lũ mà mọi thứ thay đổi quá nhiều.
Công việc những ngày tiếp theo của giáo viên ở đây là dọn trường dọn lớp rồi lên bản đón các em xuống học. Đường đi các bản cũng bị sạt lở, bị cô lập rồi, chẳng biết các em có chịu xuống cho không nữa…”.
Sau kỳ nghỉ hè, các thầy cô từ dưới xuôi quay lại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) chuẩn bị cho năm học mới phải đi qua đoạn ngã ba suối đã bị lũ cuốn mất cống, sạt lở. Clip được cô giáo Đào thị Phượng đứng bên bờ suối quay cảnh các thầy giáo Dương Đức Anh, Bùi Văn Mạnh, Tòng Văn Thuỷ cùng với người dân kéo đẩy xe máy đi qua đoạn đường sạt lở. Nhiều thầy cô giáo phải gửi xe bên này suối và đi bộ đến trường khoảng 8-9 km trong thời gian khoảng 3 giờ. Cô giáo Đào Thị Phượng năm nay chỉ mới 23 tuổi, quê ở Yên Bái, từ nhà cô Phượng lên nơi dạy là quãng đường 500 cây số. Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Ngà hiện có 14 giáo viên, một bảo vệ, một tạp vụ và toàn trường có 234 học sinh.
Lớp tạm, nhà tạm và “bắt sóng rơi” Hầu hết cơ sở vật chất của trường đều là lớp tạm, nhà tạm và chung với Trường tiểu học Nậm Ngà. Đầu năm 2016 ở đây mới có điện lưới quốc gia. Đầu năm 2017 mới có sóng điện thoại. Những năm trước, muốn gọi điện về nhà, thầy cô giáo phải leo đồi một buổi đến đỉnh núi gần đó để “bắt sóng rơi”. Mỗi lần gọi điện thoại như vậy chúng tôi phải gói cơm, mang nước đi theo. Nhưng không phải cứ lên đỉnh núi, giơ điện thoại lên là có sóng. Điện thoại dùng để “vợt sóng” phải là loại “cục gạch” mới bắt sóng tốt. Trên điện thoại không quên móc vào một sợi dây để… treo lên cây dò sóng. Có lẽ, đây là điều ấn tượng nhất đối với tôi khi lên công tác ở đây. |
Đại úy Hoàng Trường Giang, phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân, là một người nặng lòng với sự học vùng cao. Trong gần 10 năm qua, Hoàng Trường Giang đã phát động, quyên góp và xây 12 công trình điểm trường, nhà ăn, nhà bán trú cho vùng cao.
Ngày hôm qua 12-8, Hoàng Trường Giang nhận được những tấm ảnh cô giáo về điểm trường Hoang Thèn, Phong Thổ, Lai Châu, chuẩn bị cho năm học mới. Chiếc xe lao xuống vực… Và trong niềm xúc động đó, bài thơ ra đời. |
Gửi em cô giáo vùng cao Anh viết cho em mấy dòng gửi về biên giới, Sắp khai trường đón năm học mới phải không… Đường bản cũ sống trâu bùn ngập lối Mưa trắng trời trắng cả nỗi nhớ mong. Đã qua chục mùa nương em về với núi Gieo hạt chữ cằn như củ sắn ngọn khoai. Khi đông về rét buốt tràn sương muối Cứ đến hè gió nóng giãy hai tai. Đường tới lớp leo qua trăm dốc, Dăm bảy lần lội vượt suối sâu. Ngã lấm lem phấn bảng rơi lăn lóc. Giáo án soạn rồi em quyết chẳng bỏ đâu! Tuổi thanh xuân em gửi miền biên viễn Cho ngày thằng Sùng viết được tên mình, Để hôm con Hoa khoe học sinh tiên tiến Bất chợt em cười toả nắng lung linh. Ở dưới này người ta nói về nghề giáo 3 điểm làm thầy, 10 điểm trượt công an. Phấn trắng bảng đen bây giờ hư ảo “Chuột chạy cùng sào” sao mơ nổi giàu sang. Anh chẳng có gì gửi về trên ấy. Chỉ mong em vẫn mê mải với nghề. Những nhọc nhằn hờn tủi ai nhìn thấy, Nhưng quả ngọt cho đời em giữ lấy đam mê… |