11/01/2025

Để hiệu trưởng không là ‘vua’

Thầy là hiệu trưởng luân chuyển công tác về trường được tròn một năm. Chỉ bấy nhiêu thời gian, nhưng giáo viên chúng tôi đã cảm nhận được ở thầy một làn gió mới chan chứa tình đồng nghiệp.

 

Để hiệu trưởng không là ‘vua’

Thầy là hiệu trưởng luân chuyển công tác về trường được tròn một năm. Chỉ bấy nhiêu thời gian, nhưng giáo viên chúng tôi đã cảm nhận được ở thầy một làn gió mới chan chứa tình đồng nghiệp.

 

 

 

Để hiệu trưởng không là 'vua'
Minh hoạ: NOP
“Mong lắm thay tất cả các thầy cô giáo là ban giám hiệu nhà trường hãy dùng cái tâm trong sáng, không vụ lợi của mình để kết nối với giáo viên, phụ huynh và học sinh. Có như vậy thì nền giáo dục nước nhà chắc chắn được khởi sắc”.
Giáo viên Thanh Anh

Năm học trước, ở TP.HCM có tình trạng học sinh sử dụng ma tuý tem giấy. Lo sợ cho học trò của mình, tôi có xin thầy hiệu trưởng cho phép tôi được báo cáo trước toàn trường chủ đề “Tác hại của ma tuý tem giấy”.

Để bài báo cáo thêm phần sinh động, tôi có in thêm những hình ảnh khổ A3 minh hoạ. Tuy nhiên, những em học sinh ngồi phía xa khó nhìn thấy được các hình ảnh này. 

Vì vậy sau khi kết thúc buổi sinh hoạt nói trên, tôi có dán những hình ảnh, thông tin về buổi báo cáo lên bảng thông tin của trường để vào giờ ra chơi các em học sinh tiện theo dõi hơn.

Hai tấm bảng thông tin của trường được ốp sát trên bức tường, có cửa trượt bằng kính. Nhưng do lâu ngày bụi bám làm thanh ray, con lăn đều bị khô, cửa trượt rất cứng và khó kéo. Mất một thời gian loay hoay vất vả, tôi mới dán xong các thông tin trên lên bảng.

Sau đó, tôi có đem câu chuyện về “cửa trượt bảng thông tin khó kéo” trao đổi với thầy hiệu trưởng.

Bẵng đi mấy tháng, tôi không còn nhớ đến chuyện này… Thế rồi một hôm, tôi chào thầy hiệu trưởng trước khi ra về, thầy liền nói: “Em ơi, thầy đã nhờ người làm xong hai cánh cửa rồi”.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại thầy: “Dạ thưa, cửa gì ạ?”, thầy nói ngay: “Cửa kính của hai tấm bảng dán thông tin”. Lúc này tôi mới hiểu ra và khá bất ngờ khi vị hiệu trưởng đứng đầu một ngôi trường lớn lại chịu lắng nghe, chỉnh sửa từ những việc nhỏ cho trường. Tôi cảm động và thấy ấm lòng.

Qua hôm sau, trong tâm trạng cực kỳ phấn khích và xúc động, tôi lau sạch sẽ bảng thông tin, cửa kính và xin thầy hiệu trưởng mỗi khi có ý tưởng hay, hoặc hằng tháng có chủ đề (như 20-11, 8-3, 20-10, cứu trợ bão lũ, chủ quyền biển đảo…) tôi sẽ sưu tầm và dán lên bảng thông tin những hình ảnh đẹp, những bài báo hay để học sinh được cập nhật tin tức nhiều hơn…

Chính thầy hiệu trưởng đã khiến tôi có động lực để tiến hành công việc này. Thầy đồng ý ngay.

Lâu nay tại nhiều trường học, không ít vị hiệu trưởng được coi là “ông vua”, “nữ hoàng” với cách hành xử trịch thượng, thậm chí kiểu gia trưởng trong ngôi trường mình phụ trách. Nhưng tại ngôi trường của chúng tôi, thầy hiệu trưởng lại là một dạng hiệu trưởng… dị biệt!

Thầy không đặt yêu cầu, không ra mệnh lệnh, không tạo áp lực cho giáo viên, cán bộ công nhân viên, mà thầy dùng tấm lòng của mình để chinh phục mọi người.

Thầy đã đặt cái tâm của mình vào công việc và giáo viên chúng tôi cảm nhận được điều này, nên tự giác hòa mình vào công việc chung của nhà trường. Đây chính là nghệ thuật quản lý của người lãnh đạo chân chính.

Thiết nghĩ trong giai đoạn hiện nay, trước sự cuốn hút cực kỳ hấp dẫn từ trường tư (tiền lương cao, đãi ngộ tốt, cơ sở vật chất hoàn hảo…), chính tình cảm chân thành, đạo đức trong sáng, cách hành xử chuẩn mực, nhân văn của người hiệu trưởng trường công sẽ là rào chắn cuối cùng để chặn sự ra đi của không ít giáo viên giỏi…

Vì trên thực tế không ít giáo viên giỏi đã ra đi do sự bức bối trong môi trường làm việc lạm quyền, tư túi cá nhân của một số 
hiệu trưởng.

THANH ANH (giáo viên một trường THCS ở Q.3, TP.HCM)