Dân sắp được xây nhà ở riêng lẻ không cần xin phép
UBND TP.HCM vừa giao UBND Q.7 cùng các sở, ngành nghiên cứu thí điểm không cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, thay bằng việc người dân đăng ký xây dựng dựa trên quy hoạch.
Dân sắp được xây nhà ở riêng lẻ không cần xin phép
UBND TP.HCM vừa giao UBND Q.7 cùng các sở, ngành nghiên cứu thí điểm không cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, thay bằng việc người dân đăng ký xây dựng dựa trên quy hoạch.
Người dân chờ làm thủ tục liên quan đến nhà đất tại UBND Q.Bình Tân (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Cụ thể, người dân sẽ đăng ký xây dựng dựa trên những chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hoặc thiết kế đô thị đã được công bố.
Vậy lãnh đạo Sở Xây dựng TP và các chuyên gia nhìn nhận mô hình thí điểm này như thế nào?
* Ông TRẦN TRỌNG TUẤN (giám đốc Sở Xây dựng TP): Cần xây dựng dữ liệu quản lý chung
Đây chỉ mới là ý tưởng, cần phải nghiên cứu kỹ. Việc không cấp giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ phải gắn liền với điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội; quy hoạch hạ tầng, dữ liệu đất đai chung toàn TP; hạ tầng công nghệ thông tin; trình độ dân trí; năng lực quản lý và ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị tư vấn.
Việc cấp giấy phép xây dựng là một thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đánh giá về pháp lý và kỹ thuật của một công trình, để xác định đủ điều kiện khởi công hay chưa.
Nói cách khác, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho một công trình nghĩa là xác định công trình đã đủ điều kiện khởi công. Như vậy có thể thực hiện việc đăng ký xây dựng nhà ở riêng lẻ thay cho thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể thực hiện khi đảm bảo các điều kiện nhất định.
Các nước họ làm được vì có quy hoạch, thiết kế đô thị ổn định và công khai. Mặt khác, đội ngũ nhà tư vấn rất chuyên nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật cao.
Khi lên hệ thống dữ liệu đất đai xem các chỉ tiêu quy hoạch, thiết kế đô thị như thế nào, phía tư vấn chỉ làm theo quy hoạch đó, không bao giờ dám làm sai. Còn chúng ta thì tính chuyên nghiệp của một số đơn vị chưa cao, còn hạn chế về năng lực chuyên môn và ý thức chấp hành pháp luật.
Do vậy để triển khai mô hình này, cơ quan quản lý phải đảm bảo các điều kiện quản lý hiện đại, xây dựng dữ liệu quản lý chung (bao gồm dữ liệu quy hoạch, đất đai…) đồng bộ, đầy đủ và minh bạch. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý bằng đội ngũ chuyên nghiệp, thích ứng với cơ chế của Chính phủ điện tử, TP thông minh.
Ngoài ra, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị tư vấn, để tư vấn cho chủ đầu tư về thiết kế phù hợp quy hoạch đã được công bố. Cuối cùng, phải có chế tài nặng đối với những vi phạm của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư.
Sắp tới, Sở Xây dựng TP sẽ làm việc với UBND Q.7 để xem xét điều kiện của quận trong việc triển khai thí điểm không cấp giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ.
* Ông PHẠM SỸ LIÊM (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam): Không cần xin giấy phép, nếu…
Ở các nước, việc đặt ra giấy phép xây dựng có nhiều mục đích, bao gồm xác nhận khu đất đó xây dựng hợp pháp, đúng quy hoạch và đảm bảo các quy chuẩn xây dựng (phòng chống cháy, cốt san nền…) hay không.
Ngoài ra, đảm bảo công trình xây dựng mới hài hoà, đẹp về mặt kiến trúc, thiết kế đô thị của toàn khu vực. Tuy nhiên trong quá trình cấp phép xây dựng ở nước ta, cán bộ cấp phép vin vào đó để nhũng nhiễu, làm khó dân nên thời gian xin giấy phép thường kéo dài, nhiêu khê.
Do vậy đối với những khu vực đã có đầy đủ các quy định về chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hoặc thiết kế đô thị thì nên cho người dân không cần phải xin giấy phép nữa.
Tuy nhiên, cơ quan cấp giấy phép cũng phải đảm bảo lực lượng kiểm tra việc tuân thủ các chỉ tiêu, quy chuẩn đã được công bố. Trong đó chú trọng đến tư cách và năng lực hành nghề của các đơn vị tư vấn, kiến trúc sư. Tránh tình trạng như hiện nay ai thiết kế, tư vấn xây dựng công trình nào cũng được (vì không phải đơn vị thiết kế được nhà 2 tầng sẽ thiết kế được tòa nhà 20 tầng).
* Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng): Phải quản lý chặt khâu hậu kiểm
Ở Canada, cơ quan quản lý công bố toàn bộ chỉ tiêu, quy chuẩn xây dựng rõ ràng từng khu vực, người dân khi xây nhà chỉ có việc làm đúng quy định. Còn việc thiết kế, kết cấu công trình… đã có các cơ quan tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm. Khi người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý biết để kiểm soát, kiểm tra trong hoặc sau khi xây dựng.
Đừng ngại chuyện bỏ giấy phép xây dựng. Vấn đề là cơ quan chức năng phải công bố công khai chỉ tiêu quy hoạch và thiết kế đô thị để người dân dựa vào đó thực hiện. Đồng thời cơ quan chức năng phải quản lý chặt ở khâu hậu kiểm để đảm bảo người dân thực hiện đúng các chỉ tiêu, quy chuẩn đề ra.
* PGS.TS NGUYỄN TRỌNG HÒA (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP): Bỏ chuyện hành dân Cấp phép xây dựng là một thủ tục hành chính, có phép mới được xây dựng. Tuy nhiên, lâu nay cá nhân, đơn vị liên quan kết hợp việc cấp giấy phép xây dựng với chuyện “hành dân”, đưa ra đủ loại hướng dẫn về chỉ tiêu, tầng cao… làm dân sợ. Do vậy không phải bỏ giấy phép, mà bỏ là bỏ quá trình “hành dân” ấy. Đừng nhầm lẫn thủ tục hành chính với việc chấp nhận quy hoạch. Nếu người dân chứng minh làm đúng quy định về diện tích, số tầng… là cấp phép xây dựng luôn. Thậm chí tiến tới người dân không cần đến sở hay phòng quản lý đô thị quận, huyện mà gửi hồ sơ qua email, rồi cơ quan quản lý xem xét nhanh chóng gửi giấy phép qua email. Làm được như vậy vừa hết tham nhũng, vừa thuận lợi cho người dân. |