Hậu quả của những trận lũ quét, lũ ống tại Sơn La, Yên Bái rất tàn khốc, nhưng các địa phương đang dốc toàn lực để bà con vùng lũ có đủ cơm ăn, áo mặc, tránh được cảnh màn trời chiếu đất.
Không để người dân vùng lũ phải màn trời chiếu đất
Hậu quả của những trận lũ quét, lũ ống tại Sơn La, Yên Bái rất tàn khốc, nhưng các địa phương đang dốc toàn lực để bà con vùng lũ có đủ cơm ăn, áo mặc, tránh được cảnh màn trời chiếu đất.
Ra viện nhưng không còn nhà để về
Trận lũ rạng sáng 3.8 quét qua 7 xã, thị trấn, nhưng xã Nặm Păm (H.Mường La, Sơn La) nằm giữa rốn lũ và gánh chịu hậu quả thảm khốc với 8/11 bản bị tàn phá. Nhà dân cùng toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp bị vùi lấp trong đất đá. Hôm qua (6.8), theo dòng người đi bộ, cõng mì tôm, gạo, nước tiến vào vùng lũ của H.Mường La, chúng tôi bắt gặp một bản Hua Nặm (xã Nặm Păm) hoang tàn. Hai bên đường nham nhở đất, đá lẫn lộn. Những chiếc xe đạp, xe máy rúm ró, nồi niêu xoong chảo bẹp dúm. Lũ quét đã giật đổ 1 phòng học, xuyên thủng tường 4 phòng còn lại và cuốn trôi sạch bàn ghế, thiết bị học tập của điểm trường Hua Nặm vốn được xây dựng kiên cố, khang trang.
Đứng trên nền đá, nơi từng là ngôi nhà mới xây, “vừa ở được mấy ngày” nhưng bị lũ cuốn trôi, anh Cà Văn Biên, Trưởng bản Hua Nặm, cho biết giờ nhà anh nằm trong danh sách những hộ “mất hết gia sản” cần được hỗ trợ. Theo anh Biên, dòng lũ quất thẳng vào con đường trung tâm dọc bản khiến 36 ngôi nhà bị cuốn phăng, biến bản Hua Nặm thành một “cánh đồng đá”.
Nặm Păm có 10 người chết và mất tích, nhiều nhất trong tổng số 7 xã, thị trấn bị lũ quét tấn công. Bác sĩ Đèo Thị Nhung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa H.Mường La, cho biết ngoài
12 người bị thương, xã Nặm Păm và các xã lân cận có bệnh nhân nằm viện trước đó nhưng đã bị lũ cuốn mất nhà. “Dù đến ngày ra viện nhưng nhiều bệnh nhân không còn nhà để về. Bệnh viện đành giữ lại, sắp xếp chỗ ở, phục vụ cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà nhằm chia sẻ với bà con lúc khó khăn, hoạn nạn”, bác sĩ Nhung nói.
Cho đến chiều 6.8, theo thông tin chúng tôi nắm được, hàng ngàn hộ dân ở các địa phương vùng ảnh hưởng lũ quét vẫn chịu cảnh mất điện, thiếu nước sinh hoạt. Lực lượng chức năng vẫn tổ chức các đoàn tiếp tế thức ăn, nước uống đến các hộ dân, không để người dân đói, khát. Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La, cho biết lũ cuốn trôi hoàn toàn 176 ngôi nhà, 191 nhà trong diện nguy hiểm phải sơ tán khẩn cấp. “Điện, đường, trường, trạm đã không còn. Người dân mất nhà cửa, đất sản xuất nông nghiệp bị đất đá vùi lấp, kế mưu sinh không còn, chắc chắn phải di dân rồi”, ông Công nói.
Trưởng bản Hua Nặm (xã Nặm Păm, H.Mường La, Sơn La) Cà Văn Biên chỉ về nơi nhà bị lũ cuốn trôi và “cánh đồng đá” ngổn ngang sau lũ quétẢNH: P.HẬU
Tìm người mất tích, dọn dẹp trường học
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Yên Bái
Ông Chu Đình Ngữ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái, cho biết đêm 5.8 và rạng sáng 6.8, tại H.Văn Yên xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất làm sập nhà khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương. Toàn tỉnh có 6 người chết, 9 người mất tích và 11 người bị thương do mưa lũ, hơn 20 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ngầm tràn trên tỉnh lộ 166 Âu Lâu – Đông An ngập sâu hơn 1 m gây tắc giao thông; tỉnh lộ 165 từ TT.Mậu A đi Tân Nguyên và nhiều tuyến đường bị sạt ta luy dương, hư hỏng nặng.
Trong ngày 6.8, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ ống ở H.Mù Cang Chải (Yên Bái), thăm hỏi và động viên người dân gặp nạn. Ông Hiển đề nghị tỉnh Yên Bái khẩn trương tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục ngay thiệt hại về trường học, giao thông và di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết tính đến hết ngày 6.8, toàn H.Mù Cang Chải có 5 người chết, 9 người còn mất tích, 9 người bị thương, 51 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, 6 công trình trường học và cơ quan bị hư hại… Tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trên 1,4 tỉ đồng, hơn 2 tấn gạo cho các gia đình gặp nạn. H.Mù Cang Chải đã tiếp nhận tiền, vật phẩm hỗ trợ của hơn 50 đoàn từ thiện với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng, trên 5,6 tấn gạo, hơn 2.600 thùng mì tôm và nhiều vật dụng khác.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn được triển khai rộng khắp địa bàn H.Mù Cang Chải và vùng lân cận. Việc tìm kiếm tập trung nhất tại tổ 8, TT.Mù Cang Chải, lòng hồ thủy điện Khao Mang Chải (xã Mồ Dề), xã Kim Nọi.
Tại khu vực tổ 8, TT.Mù Cang Chải, công tác dọn dẹp đất đá được kết hợp với tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng chức năng huy động hàng trăm bộ đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên… dọn dẹp bùn đất. Hàng chục ô tô tải cỡ lớn và một số máy xúc, máy ủi khẩn trương chuyển đất đá ra khỏi khuôn viên Trường THCS TT.Mù Cang Chải, sân vận động thị trấn và các khu vực khác. Các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316 thuộc Quân khu 2 cũng hoàn thành việc khoan phá những tảng đá lớn để máy xúc chuyển đi. Trong ngày 6.8, lực lượng chức năng đã thông đường xe máy vào đường liên xã từ trung tâm TT.Mù Cang Chải vào xã Chế Tạo và Kim Nọi, chấm dứt tình trạng cô lập 2 xã này. Theo ông Duy, dự kiến khoảng 1 tuần tới sẽ dọn dẹp cơ bản đất đá ở khu vực tổ 8, TT.Mù Cang Chải.
Tính đến chiều 6.8, toàn H.Mù Cang Chải đã phải di dời 104 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu khỏi vùng nguy hiểm. Theo ông Duy, thời gian tới sẽ tìm những nơi an toàn để xây nhà tái định cư, hiện phải bố trí tạm cho người dân ở các trường học, ở ghép với hộ khác, cơ quan nhà nước. Trước mắt tập trung lo cho bà con đủ cơm ăn, áo mặc, tránh cảnh màn trời chiếu đất, đồng thời sửa sang trường học để kịp đón năm học mới.