11/01/2025

‘Đại gia’ và vòng lao lý

Thời gian qua, hàng loạt “đại gia” đã bị khởi tố và xét xử, trong đó có một số gương mặt đình đám từng nắm giữ các ngân hàng. Họ không chỉ sa chân vào vòng lao lý, mà còn phải chịu trách nhiệm về những thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

 

‘Đại gia’ và vòng lao lý

Thời gian qua, hàng loạt “đại gia” đã bị khởi tố và xét xử, trong đó có một số gương mặt đình đám từng nắm giữ các ngân hàng. Họ không chỉ sa chân vào vòng lao lý, mà còn phải chịu trách nhiệm về những thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

 

 

 

'Đại gia' và vòng lao lý

Ngân hàng Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa với “sở hữu chéo” nhằm tránh chuyện dòng tiền từ ngân hàng ra công ty sân sau rồi quay ngược lại ngân hàng như đã từng xảy ra.

Chuyên gia Cấn Văn Lực

Nhưng cũng 
từ các vụ việc này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết của môi trường đầu tư. Tại sao? Cần làm gì để không còn tình trạng này?

Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến phân tích về câu chuyện rất thời sự này, gợi mở một số giải pháp để góp phần tạo một môi trường kinh doanh minh bạch và nhiều cơ hội với doanh nhân.

* Thượng tá Vũ Như Hà: Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc phát sinh tội phạm ngân hàng chính là chính sách chế độ quản lý hoạt động ngân hàng còn thiếu, một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu chặt chẽ tạo ra kẽ hở cho hoạt động tội phạm, nhất là mảng cho vay cầm cố hàng hóa và cho vay kinh doanh bất động sản với tài sản đảm bảo là tài sản hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, luật quy định vốn sở hữu cổ phần đối với ngân hàng là một cổ đông không được sở hữu quá 5% hoặc nhóm cổ đông không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng. Thế nhưng hiện nay lại chưa có quy định cụ thể là một cổ đông, nhóm cổ đông có được sở hữu cổ phần tại nhiều ngân hàng hay không.

Chính vì vậy một số cổ đông, nhóm cổ đông có thể là cổ đông, có cổ phần trong nhiều ngân hàng cùng một lúc nên dễ dàng thao túng thị trường tài chính và thao túng ngân hàng nếu muốn.

Từ nguyên nhân khách quan này, dẫn đến tác động tiêu cực của sở hữu chéo, lợi ích nhóm trong hệ thống các ngân hàng dẫn đến việc cho vay phục vụ lợi ích nhóm cổ đông lớn.

Ông Đỗ Mạnh Bổng: Có rất nhiều lý do như do sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ trong việc ban hành và thực thi các văn bản pháp luật liên quan đến ngân hàng nên vi phạm trong lĩnh vực này hiện đang có chiều hướng gia tăng.

Một số ngân hàng vì sức ép lợi nhuận đã nới lỏng các điều kiện tín dụng, không tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục quy định cho vay, không có tài sản bảo đảm theo quy định hoặc tài sản bảo đảm không đủ thủ tục pháp lý. Lãnh đạo ngân hàng còn buông lỏng quản lý, chưa thực sự quan tâm và chưa có biện pháp phòng ngừa.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc phải hoàn thiện thể chế chính sách, cơ chế, hệ thống pháp luật, các cơ quan chức năng cần rà soát kỹ các văn bản pháp luật liên quan để tham mưu cho Chính phủ bổ sung và hoàn thiện.

Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại tất cả các quy chế hoạt động ngân hàng và bổ sung vào những quy định phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng, nhất là các cơ quan điều tra, cần phải áp dụng triệt để mọi biện pháp để bảo đảm việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Đồng thời cần phải có biện pháp giám sát không để đối tượng chạy trốn và tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả.

Ông Trần Đình Cường: Để ngân hàng tăng trưởng phù hợp với quy mô và trình độ quản lý, quản trị rủi ro thì trong khi mở rộng mạng lưới kinh doanh và năng lực điều hành, quản lý của các tổ chức tín dụng cần được chú trọng và nâng cao. Việc phát triển và mở rộng quy mô hoạt động luôn phải gắn liền với việc nâng cao trình độ quản lý, quản trị rủi ro.

Và để khắc phục triệt để những tồn tại và rủi ro do sở hữu chéo ngân hàng gây ra, cần đánh giá đầy đủ, thực tế tình hình này để đưa ra giải pháp phù hợp, thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng được duyệt và tôn trọng nguyên tắc tăng vốn chủ sở hữu bằng tiền mặt, bằng vốn chủ sở hữu.

Muốn vậy, các tổ chức tín dụng phải thường xuyên rà soát quy định, quy chế nội bộ của ngân hàng để phát hiện những điểm sơ hở và kịp thời sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm.

Chuyên gia 
Bùi Quang Tín: Qua các vụ án mà bị cáo là các “đại gia” ngân hàng thời gian gần đây, có thể thấy một vấn đề là dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định chặt quy trình, thủ tục cho vay nhưng các ông chủ ngân hàng có thể lách luật hoặc “chỉ đạo miệng” để cho các công ty sân sau vay.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan thanh tra giám sát có thể nắm thông tin về hoạt động của ngân hàng, cảnh báo, thậm chí áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử phạt… hoặc cao hơn nữa thì sai phạm sẽ được hạn chế.

Do vậy theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát hơn nữa. Nếu không sẽ còn nhiều các vụ bắt giam lãnh đạo ngân hàng như đã từng diễn ra thời gian qua, không chỉ ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người gửi tiền mà còn tác động xấu đến môi trường kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Bà Vũ Kim Hạnh (chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao)Họ đã làm giàu bằng “mua bán quan hệ”

Những người bị vướng vào lao lý thời gian qua đâu phải là doanh nhân. Doanh nhân đúng nghĩa họ lấy tiền thật của mình, nỗ lực dùng tài năng quản trị mà sống chết với thị trường, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, có sức mạnh cạnh tranh, đóng góp phát triển xã hội.

Còn những “đại gia”, những doanh nhân dùng con đường kinh doanh quyền lực, bán rẻ tài nguyên, mua bán các mối quan hệ để làm giàu bất chính, mà nói đó là kinh doanh thì là mạo danh doanh nhân và làm thương tổn danh xưng này.

Chúng ta cổ vũ làm ăn trung thực, coi trọng tiêu chuẩn chất lượng và người tiêu dùng, đổi mới sáng tạo nhưng trong thực tế, người ta lại nhận thấy có những doanh nghiệp phát triển nhanh, làm giàu bằng “mua bán quan hệ”, dẫn tới tình trạng phát triển tệ nạn lừa gạt lẫn nhau qua việc bán hư danh.

Các doanh nhân vẫn thường nói khi gặp khó thì hãy “lo” và “chạy”: chủ trương và luật có rồi mà văn bản hướng dẫn cứ chậm thì mình phải “chạy”. Dù có thúc đẩy giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con quyết liệt thì việc cụ thể hoá và thực thi luật vẫn cứ… chậm. Doanh nghiệp khốn khó vì sự không đồng bộ này, và điều này cũng gây ra hậu quả khôn lường cho toàn nền kinh tế.

Nếu chính sách kinh doanh không tương thích với luật pháp quốc tế và không minh bạch, công bằng thì sẽ khó mà hội nhập với thế giới. Doanh nhân “giả” thì đang mạo danh doanh nhân, còn doanh nhân thật thì đang khó tứ bề, cứ thế này thì khó mà nói chuyện cạnh tranh phát triển.

Ông Đỗ Long (tổng giám đốc BITA’S): Hãy tạo môi trường làm ăn chân chính

Phân tích sâu thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể thấy được cùng một môi trường, cùng một thể chế, cùng một ngành nghề nhưng có rất nhiều dạng doanh nghiệp khác biệt nhau và như thế cũng có nhiều kết quả khác nhau.

Doanh nghiệp thì có trăm ngàn loại. Có doanh nghiệp chỉ mơ qua một đêm là thành tỉ phú cho nên bất chấp luật lệ, bất kể rủi ro và nhất là liều mạng để được “xứng danh đại gia”. Sở dĩ có nhiều đại gia nổi lên rồi vụt tắt nhanh chóng là do họ lợi dụng các chính sách không minh bạch, họ liều nhờ có bảo đảm của một bộ phận công chức làm ngơ, che giấu họ về lâu dài.

Chính những doanh nghiệp dạng “đại gia” theo nghĩa đen này bất chấp, lũng đoạn, mua chuộc, chỉ tập trung lợi ích của họ và để lại cho đất nước những lỗ hổng kinh tế. Và trong nhiều bức tranh tối sáng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính lại chịu nhiều thiệt thòi nhất, bị kiểm soát, kiểm tra đủ kiểu, bị trói buộc trong nhiều tầng cấp quản lý.

Với đại bộ phận các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giàu căn cơ cần nhiều hơn những động lực, mà động lực lớn nhất là các cơ quan, chính quyền phải chuyên nghiệp hơn để cải thiện chính sách, giúp doanh nghiệp phát huy thế mạnh nội lực đóng góp đất nước.

Hãy tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính bằng cách:

– Chính phủ cần nỗ lực cụ thể hóa thêm các chủ trương kiến tạo phát triển đất nước bằng cách tạo thêm nhiều cơ chế, cơ hội cho doanh nghiệp phát biểu, trực tiếp chứng kiến.

– “Thông quan” các chính sách kìm hãm doanh nghiệp như giải tỏa các quy hoạch “treo” làm vướng doanh nghiệp không đầu tư phát triển được, xem xét các chính sách về lao động, BHXH, y tế, cắt giảm các chi phí ăn vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp, trừng trị những kẻ làm hàng gian hàng giả…

– Những kiến nghị hợp tình hợp lý có lợi chính đáng cho doanh nghiệp cũng như đất nước cần phải được chấp thuận, ủng hộ, không chờ xin ý kiến từng bộ ngành mà chỉ cần thông qua một đầu mối do Chính phủ chỉ định, đây là cơ chế mở để giải quyết cả việc cùng một chủ trương chung, những tỉnh thành khác nhau hiểu khác nhau, giải quyết khác nhau.

Luật sư Phùng Anh Tuấn (Hãng luật VCI Legal): Đã đến lúc “đại gia” Việt thay đổi 
tầm nhìn

Ở VN, quá trình tích luỹ tư bản và phát triển kinh tế thị trường chỉ mới bắt đầu 30 năm trở lại đây. Năng lực quản trị, xây dựng doanh nghiệp của các ông chủ VN chưa phát triển đến tầm có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp quốc tế. 

Môi trường kinh doanh của VN cũng chưa minh bạch, thiếu khả năng có thể dự đoán và sự công bằng trong tiếp cận cơ hội và nguồn lực kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tự lực phát triển bằng khả năng của mình mà không cần dựa vào những mối quan hệ không minh bạch và những khoản lại quả.

Điều này có nghĩa các điều kiện làm giàu một cách chính đáng chưa tốt, do đó để làm giàu một cách nhanh chóng, nhiều đại gia VN đã chọn con đường trục lợi bất chính bằng các mối quan hệ với người có quyền.

Hầu hết những đại gia dính đến vòng lao lý, trong số đó có người đi lên từ quan hệ, bỏ qua tuân thủ pháp luật, với cung cách làm ăn và tầm nhìn ngắn hạn của giới giàu xổi.

Muốn kinh doanh làm ăn phát triển lâu dài, doanh nghiệp phải tôn trọng pháp luật, xây dựng mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp trên nền tảng pháp luật vì dù muốn hay không, pháp luật vẫn là nền tảng duy nhất sẽ trường tồn.

Đó cũng là lý do vì sao những tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn có lịch sử phát triển lâu dài và tầm nhìn xa hơn một vài nhiệm kỳ của chính trị, rất thận trọng trong quan hệ với giới chính khách. Họ luôn duy trì cân bằng trong quan hệ với giới quan chức, tuyệt đối tránh vi phạm pháp luật và luôn luôn không lệ thuộc nhóm chính trị nào.

Các “đại gia” VN cần nhận ra điều đó, vì dù ở thể chế nào, một doanh nghiệp cũng cần phải được xây dựng trên nền tảng tuân thủ pháp luật. Đó là nền tảng vững chắc nhất để doanh nghiệp phát triển, và đó cũng là cách làm giàu chính đáng nhất.

HOÀNG ĐIỆP – GIA MINH – NHƯ BÌNH – ÁNH HỒNG ghi