29/11/2024

Trầm Bê và các phi vụ cho vay sai phạm

Trong một số vụ án đã và đang diễn ra, mọi người đều thấy vai trò, hoặc bóng dáng của ông Trầm Bê trong những phi vụ cho vay dính dáng đến sai phạm.

 

Trầm Bê và các phi vụ cho vay sai phạm

Trong một số vụ án đã và đang diễn ra, mọi người đều thấy vai trò, hoặc bóng dáng của ông Trầm Bê trong những phi vụ cho vay dính dáng đến sai phạm.




 

Ông Trầm BêẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an ngày 1.8 vừa tiến hành bắt giữ và khám xét nơi ở của ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài hai ông Trầm Bê và Phan Huy Khang, theo thông tin mới nhất, ngày 2.8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đồng loạt chia làm nhiều tổ, tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của 23 bị can khác có liên quan, trong đó có 14 bị can bị bắt giữ.
Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng để làm gì ?
Như Thanh Niên ngày 2.8 đã thông tin, từ cuộc gặp gỡ giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh ngày 19.4.2013 về khoản vay 1.800 tỉ đồng, tiếp đó chỉ sau 7 ngày làm thủ tục chớp nhoáng, ông Trầm Bê đã ký phê duyệt ngay 2 tờ trình của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh Q.8 đồng ý chủ trương cấp tín dụng cho 6 công ty sân sau của ông Danh vay tiền với lãi suất 3%/năm. Ông Trầm Bê còn đồng ý cho giải ngân trước, còn các chứng từ sử dụng vốn đầy đủ được bổ sung sau khi giải ngân (!). Sau khi Trầm Bê ký duyệt, đầu giờ chiều 26.4.2013, Mai Hữu Khương (cấp dưới của ông Danh) tiếp tục triệu tập 6 giám đốc công ty của ông Danh đến Tập đoàn Thiên Thanh để ký hợp đồng vay tiền, hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ do Sacombank phát hành.
Vừa ký xong, cũng trong ngày 26.4, toàn bộ khoản vay được giải ngân và 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh. Một năm sau, ngày 26.4.2014, hết thời hạn hợp đồng, 6 công ty này không trả được nợ vay nên Sacombank đã thu hồi nợ gốc 1.800 tỉ đồng, lãi vay 35 tỉ đồng từ 2 tài khoản của Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) tại Sacombank.
 

Vậy Phạm Công Danh vay số tiền 1.800 tỉ để làm gì? Theo hồ sơ, ông Danh vay tiền để thanh toán khoản vay 1.700 tỉ đồng tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) trước đó từ năm 2012. Cụ thể, ngày 9.4.2012 và ngày 13.4.2012 ông Danh nhận nợ vay 1.700 tỉ đồng của BIDV, chuyển vào 5 tài khoản của 5 công ty sân sau của ông Danh mở tại BIDV. Ngày 10.4.2012 và ngày 13.4.2012, toàn bộ số tiền 1.700 tỉ đồng được ông Danh chuyển tới số tài khoản của Phạm Thị Trang (tức Trang “phố núi”, hiện đã bỏ trốn sang Mỹ).
Điều khó hiểu, sau khi Trang “phố núi” nhận được tiền thì ngay lập tức Trang tiếp tục chuyển bằng ủy nhiệm chi 650 tỉ đồng vào ngày 10.4.2012, và 1.050 tỉ đồng vào ngày 13.4.2012 vào tài khoản của Phạm Công Danh tại ACB chi nhánh Phú Thọ (!). Có được số tiền này, ông Danh chuyển 350 tỉ đồng cho Hà Văn Thắm, để ông Thắm chuyển cho Ngân hàng Đại Tín giùm Danh; tiếp tục chuyển ngược lại 135 tỉ đồng vào tài khoản của Trang “phố núi” để trả nợ vay của Phạm Công Danh trước đó…
Một tài sản đem thế chấp 2 ngân hàng
Không chỉ tiếp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỉ đồng, Trầm Bê còn được nhắc đến trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gây thất thoát cho Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh 6, TP.HCM (Agribank CN 6) gần 967 tỉ đồng do Dương Thanh Cường (50 tuổi, ngụ Q.6, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát) cùng 10 đồng phạm thực hiện, bị TAND cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm năm 2016.
Theo hồ sơ, cùng một sổ đỏ ở số 10 Âu Cơ, Q.Tân Phú (TP.HCM) và 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh (TP.HCM), Dương Thanh Cường vừa thế chấp cho Agribank CN 6, vừa thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay tiền. Năm 2007, đối với Agribank CN 6, bằng các hợp đồng thế chấp không công chứng, không giao dịch đảm bảo, ngân hàng này đã cho Cường vay gần 800 tỉ đồng. Năm 2008, Cường tiếp tục đến gặp ông Trầm Bê (thời điểm này đang là Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Phương Nam) đề nghị vay tiền nhưng Trầm Bê yêu cầu có tài sản thế chấp.
Tháng 4.2008, Cường ký văn bản gửi Agribank CN 6 với nội dung xin mượn lại sổ đỏ ở số 10 Âu Cơ, Q.Tân Phú và 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh, với lý do trình UBND TP.HCM duyệt dự án xây dựng trung tâm thương mại, khu dân cư biệt lập cao cấp. Ngay khi lấy được giấy tờ tài sản thế chấp ra, Cường đem những tài sản này tiếp tục thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay 15.846 lượng vàng SJC và 190 tỉ đồng, rồi gán nợ luôn cho Ngân hàng Phương Nam. Theo lời khai của ông Trầm Bê và Cường ở giai đoạn điều tra, thì Trầm Bê và Cường đều không bàn bạc, thỏa thuận gì với nhau về việc thủ tục cho vay như thế nào, ông Trầm Bê cũng không biết Cường chưa trả nợ vay cho Agribank CN 6!
Với tài sản thế chấp là 23 sổ đỏ, khi vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm bị đưa ra xét xử, giữa Agribank VN và Ngân hàng Phương Nam đã xảy ra tranh chấp. Theo đó, tòa tuyên huỷ bỏ biện pháp kê biên, giao trả lại tài sản cho Ngân hàng Phương Nam vì ngân hàng đã sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ cho mình. Tuy nhiên, HĐXX cũng nhận định không hạn chế quyền của Agribank CN 6 khi khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến 23 sổ đỏ này đối với Ngân hàng Phương Nam.
Về những sai phạm của cán bộ Ngân hàng Phương Nam – trong đó có ông Trầm Bê – cho công ty của Dương Thanh Cường thế chấp 23 sổ đỏ vay số tiền lớn khi tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, hợp đồng thế chấp không có công chứng, không giao dịch đảm bảo, vì Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có quyết định tách ra xử lý sau, nên HĐXX đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ.
 

 

Ngọc Lê – Phan Thương