VNEN cần câu trả lời từ bộ
Số phận VNEN ra sao khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT thông qua vào ngày 28-7?
VNEN cần câu trả lời từ bộ
Số phận VNEN ra sao khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT thông qua vào ngày 28-7?
Hơn 200 giáo viên được mời tham dự hội thảo về VNEN do Bộ GD-ĐT tổ chức tháng 11-2015 tại Đắk Lắk. Tại hội thảo này, nhiều giáo viên thẳng thắn: “Chưa thấy mô hình nào khúc mắc như VNEN” – Ảnh: LÊ HUYỀN TRANG |
Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức, tôi cảm nhận nhiều nơi ở địa phương tôi vẫn đang đối phó với VNEN |
Giáo viên LƯƠNG VĂN BÁ |
Vấn đề này cần có câu trả lời cho học sinh, thầy cô và phụ huynh một cách công khai từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Đọc bài “Chạy trốn VNEN” trên Tuổi Trẻ, là giáo viên không dạy chương trình này nhưng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác được phòng GD-ĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm dự giờ tiết dạy VNEN để học tập kinh nghiệm.
Hôm ấy cô giáo dạy tiết lịch sử lớp 7. Sau khi dự giờ xong tôi có cảm nhận học sinh không nắm được kiến thức bao nhiêu. Các em không có ý kiến phản hồi gì sau khi trao đổi trong nhóm. Có thể các em còn ngại trao đổi vì quen với cách học cũ thầy giảng trò nghe. Và cũng có thể học sinh không hiểu bài khi thiếu kỹ năng tự học, hợp tác, chia sẻ…
Nhận xét một cách khách quan là chỉ vài học sinh giỏi mới “đọc – hiểu” được nội dung bài học. Còn đa số không hiểu gì, chỉ ngồi trao đổi cho có theo yêu cầu của cô giáo. Cùng với việc dạy theo VNEN giáo viên không có kiểm tra thường xuyên. Chỉ có một bài kiểm tra định kỳ nên học sinh khi về nhà cũng không phải học bài, làm bài, xem bài.
Đây là nguyên nhân chính phụ huynh ở nhiều nơi phản đối không cho con học chương trình VNEN. Họ cho rằng không hiệu quả vì mô hình này không phù hợp với đa số học sinh Việt Nam.
Hơn nữa việc kiểm tra thi cử hiện nay còn nặng về ghi nhớ kiến thức là chính. Nên với phương pháp dạy của mô hình trường học mới thì học sinh mô hình này không tương thích. Nói cách khác, học sinh chương trình VNEN thiệt thòi khi thi cử!
Tóm lại giáo viên, phụ huynh mong các cấp quản lý giáo dục xác định mô hình nào là phù hợp với giáo dục Việt Nam. Phải có một sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc trước khi đưa ra áp dụng, đừng để phải “Chạy trốn VNEN”. Và đừng để học sinh là những chú “chuột bạch” thật đáng thương.
Giáo viên LƯƠNG VĂN BÁ (Trường THCS Nghĩa Phương, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi): Chờ câu trả lời chính thức Mong muốn của đại bộ phận giáo viên, phụ huynh là được trả lời chính thức có nên tiếp tục tổ chức mô hình VNEN đại trà hay không? Đồng thời áp dụng mô hình này như thế nào để mang lại lợi ích thiết thực nhất cho học sinh. Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức, tôi cảm nhận nhiều nơi ở địa phương tôi vẫn đang đối phó với VNEN. Từ đầu năm học 2016-2017, một trường tiểu học thuộc địa phương tôi giảng dạy thực hiện tiếp tục VNEN. Lớp học phải trang trí hình ảnh, khẩu hiệu, sắp xếp lại bàn ghế ngồi cho học sinh… Sau khi đưa vào dạy, phụ huynh đến trường phản đối và nhà trường quay lại cách xếp chỗ ngồi theo truyền thống vào tháng 10. Để đối phó với VNEN, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm theo phương pháp truyền thống. Giống như bài báo “Chạy trốn VNEN”, con cái họ học lớp 4, 5 mà toán sơ đẳng của các lớp 2, 3 không làm được. Nghĩa là cách dạy không đạt nên họ bắt buộc phải cho con họ đi học thêm. Với giáo viên, ngoài chuyện đối phó với lãnh đạo nhà trường cho việc sắp xếp chỗ ngồi và trang trí lớp học, họ còn phải đối phó với đoàn kiểm tra, với cấp trên. Tiết thao giảng hoặc tiết dạy có dự giờ báo trước, hiển nhiên giáo viên trang bị trước cho học sinh “nhóm trưởng” tận răng, cả nhóm thường được khen trong quá trình lên lớp tiết học này của giáo viên. Vô hình trung không tạo cho cấp trên hay đồng nghiệp thấy được cái “chưa tốt” của chương trình mà luôn bị bệnh thành tích che khuất. Chính các lý do tưởng chừng nhỏ nhặt ấy đã đem lại cách học theo mô hình mới không đạt kết quả như mong muốn vậy. |