10/01/2025

Nhiều đề xuất giúp đỡ ngư dân

Hỗ trợ ngư dân giám sát việc đóng tàu, cho phép ngư dân lựa chọn mua bảo hiểm… là những đề xuất tại hội nghị tổng kết chương trình đóng tàu theo nghị định 67 của Chính phủ do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì sáng 1-8.

 

Nhiều đề xuất giúp đỡ ngư dân

 Hỗ trợ ngư dân giám sát việc đóng tàu, cho phép ngư dân lựa chọn mua bảo hiểm… là những đề xuất tại hội nghị tổng kết chương trình đóng tàu theo nghị định 67 của Chính phủ do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì sáng 1-8.

 

 

 

Nhiều đề xuất giúp đỡ ngư dân
Tàu cá vỏ thép Đức Triều, số hiệu BĐ 99478-TS, của ngư dân Nông Thành Điền ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát (Bình Định) hoạt động từ tháng 10-2016. Theo chủ tàu, tàu hoạt động ổn định, mỗi chuyến ra khơi đều có lãi – Ảnh: PHẠM TIẾN SỸ

20 năm trước, các ngân hàng và ngân sách đã dành khoảng 1.500 tỉ đồng cho chương trình đánh bắt xa bờ, với chương trình đóng tàu 67, các ngân hàng đã giải ngân hơn 9.000 tỉ đồng.

Được mong đợi là cơ hội hiện đại hóa đội tàu cá và tham gia bảo vệ chủ quyền nhưng chủ trương lớn này đã bị ảnh hưởng bởi sự cố 40 tàu cá vừa đóng trong chương trình đã hỏng sau vài chuyến đi biển.

Tàu thép hiệu quả hơn 15-20% tàu gỗ

Ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh có gần 300 tàu đóng mới theo nghị định 67, đến nay đã hoàn thành 58 tàu, phần lớn là tàu vỏ thép, hiệu quả đánh bắt tăng rõ rệt.

Cụ thể, sản lượng đánh bắt xa bờ từ 188.000 tấn của năm 2015 tăng lên 210.000 tấn năm 2016.

Với tàu thép, trong số 45 tàu đã ra khơi từ 1-9 chuyến, có 24 tàu sản xuất đạt hiệu quả khá chiếm trên 53%, trung bình lãi 60-80 triệu đồng/chuyến đi biển, so với tàu vỏ gỗ cùng công suất thì hiệu quả cao hơn 15-20%.

Trong số 15 tàu sản xuất không hiệu quả, có 11 tàu nằm trong danh sách khiếu nại về chất lượng tàu.

Về tàu thép hỏng, ông Châu cho biết: “Có 9 cơ sở đóng tàu tham gia đóng 47 tàu đánh bắt xa bờ mới ở Bình Định. Trong đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng mới 20 tàu, Công ty Đại Nguyên Dương đóng mới 5 tàu.

Tuy nhiên, với các tàu Công ty Nam Triệu đóng, các thiết bị chính như máy chính, máy phụ, máy dò tìm, máy định vị… sau khi đi chuyến thứ hai về là hư hỏng rất nhiều. Hiện Công ty Nam Triệu mang máy Mitsubishi chính hãng đến thay mới cho các máy hỏng trên tàu.

Các tàu bị gỉ sét trước sơn có 1-2 lớp, nay sơn đúng 5 lớp và thay mới toàn bộ các thiết bị trong tàu. Các tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng thì thép thân tàu, vỏ tàu bị gỉ sét nhiều, máy dò tìm, máy phụ bị hư hỏng.

Về trường hợp này, hiện đang tiếp tục lấy mẫu nếu thép không đạt loại A thì tiếp tục phải thay thế. Bình Định đặt mục tiêu đến hết tháng 8 sửa xong tàu hỏng”.

Không chỉ Bình Định, tình trạng tàu mới đóng đã hỏng còn xuất hiện ở Quảng Nam, Thanh Hoá… với tổng số tàu hỏng khoảng 40 tàu.

Theo ông Châu, trong chương trình đóng tàu theo nghị định sửa đổi 67, tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT và Chi cục Thủy sản cùng tham gia giám sát các công đoạn đóng tàu và giai đoạn chạy thử.

Điều này sẽ giúp chất lượng tàu tốt hơn so với việc để ngư dân độc lập giám sát tại cơ sở đóng tàu.

Nhiều đề xuất giúp đỡ ngư dân
Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Nên để ngư dân chọn đơn vị bảo hiểm

Một khó khăn nữa là bảo hiểm cho tàu và ngư dân, đến nay vẫn còn 5 tàu ở Bình Định chưa nhận được tiền bảo hiểm.

Ông Đào Công Thiên, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, băn khoăn nếu nghị định 67 kết thúc vào ngày 31-12-2017 thì năm 2018 ngư dân mua bảo hiểm ở đâu, mà ngư dân không mua bảo hiểm là không ra khơi được.

Về bảo hiểm thân tàu, vỏ tàu, ông Châu cho biết Công ty bảo hiểm Pjico được Bộ Tài chính chỉ định bảo hiểm cho thân tàu, vỏ tàu, khi bán bảo hiểm cho ngư dân thì rất nhanh nhưng khi bảo hiểm cho tàu ngư dân thì làm rất lâu.

“Có trường hợp tàu chìm từ tháng 10 đến nay vẫn chưa trả bảo hiểm cho ngư dân. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính cho phép ngư dân lựa chọn mua bảo hiểm, không nên chỉ định một công ty” – ông Châu đề xuất.

Ông Thiên kiến nghị thêm: “Cần nghiên cứu cả chính sách bảo hiểm đối với tàu hoạt động trong vùng chủ quyền nhưng bị gây khó khăn, bị đâm chìm”.

Ông Cao Đức Phát, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát lại chủ trương về bảo hiểm với thân tàu và ngư dân vì công đoạn này trục trặc sẽ ảnh hưởng đến công đoạn khác.

Không tập trung phát triển thêm nhiều tàu

Ngoài ra, ông Cao Đức Phát cho rằng: “Chính phủ cũng cần quan tâm đến nâng cấp hệ thống giám sát, phải giám sát được hệ thống tàu cá trên biển. Đồng thời cần thiết kế chặt chẽ hơn trong khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GDP. Tuy nhiên Phó thủ tướng cho rằng vừa qua còn vướng mắc ở khâu kiểm soát chất lượng tàu cá đóng mới.

“Tàu cá có chất lượng hay không là do cơ sở đóng tàu. Nếu tàu hỏng không phải do người sử dụng mà do cơ sở đóng tàu thì cơ sở đóng tàu phải đền bù. Nếu vi phạm, sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định” – Phó thủ tướng yêu cầu.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay sẽ kỷ luật nghiêm những cán bộ đăng kiểm đã bỏ lọt những sai sót ở các con tàu hỏng. Ông Tám cho biết thêm hiện bộ đã điều tra về sản lượng cá tôm.

Tới đây không tập trung phát triển thêm nhiều tàu mà tập trung nâng cao đóng tàu có chất lượng và nâng cao hiệu quả của đội tàu.

Nâng hạn mức và đa dạng hình thức vay

Liên quan đến khó khăn về vốn dẫn đến số tàu đã đóng trong chương trình rất lớn nhưng số tàu được vay vốn ngân hàng chưa nhiều, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, điều này xuất phát từ việc ngư dân bán cá bằng tiền mặt, không có tài khoản để khấu trừ vốn vay ngân hàng, ngân hàng thấy rủi ro nên ngại cho vay.

Theo đại diện ban soạn thảo nghị định sửa đổi 67, vấn đề này sẽ được tháo gỡ theo hướng nâng hạn mức cho vay và đa dạng hình thức vay. Trong đó có chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư các tàu có công suất từ 800 CV trở lên hoặc các tàu chuyển đổi nghề từ lưới kéo giải bản sang lưới cây, câu, dịch vụ hậu cần, mức hỗ trợ tối đa là 8 tỉ đồng/tàu.

Bên cạnh đó là chính sách cho vay vốn lưu động (mức tối đa 200 triệu đồng/thời hạn 12 tháng). Các địa phương cũng đề xuất chuyển sang trả nợ 3 tháng/lần hoặc gia hạn 1 năm/lần (hiện nay ngư dân trả nợ mỗi tháng/lần).

Quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan

“Trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 67 cần tập trung có cơ chế huy động các nguồn lực xây dựng, đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá, các hạng mục thiết yếu của các cảng cá loại 1, các khu neo đậu, tránh trú bão cấp vùng.

Đầu tư xây dựng các cảng cá động lực tại 5 trung tâm nghề cá lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang.

Trong cho vay vốn cần áp dụng cơ chế cho vay phù hợp và bổ sung cơ chế xử lý rủi ro đối với vay vốn lưu động.

Đối với hỗ trợ lãi suất vốn vay, thực hiện đến hết 31-12-2017 và tập trung thực hiện hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với các tàu cá đóng mới để đưa vào nghị định sửa đổi.

Cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong giám sát đóng mới, giải ngân vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu cá” – Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

LAN ANH – XUÂN LONG