10/01/2025

Không nghiên cứu khoa học: Đại học chỉ là trường phổ thông… cấp 4

Hôm qua tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ KH-CN tổ chức hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 – 2025”.

 

Không nghiên cứu khoa học: Đại học chỉ là trường phổ thông… cấp 4

 

Hôm qua tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ KH-CN tổ chức hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 – 2025”. 




Giáo sư Trần Văn Nam phát biểu tại hội nghị /// Ảnh: Nguyễn Đăng Lương

Giáo sư Trần Văn Nam phát biểu tại hội nghịẢNH: NGUYỄN ĐĂNG LƯƠNG

Chủ trì phiên thảo luận là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh.
Theo ông Nhạ, nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH không chỉ tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ để phục vụ cuộc sống mà trước hết là nâng cao chất lượng đào tạo. ĐH không chỉ truyền bá kiến thức mà quan trọng hơn là tạo ra tri thức mới; điều này giúp trường ĐH trở nên khác biệt với trường phổ thông. Nếu không đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thì trường ĐH sẽ là trường phổ thông cấp 4.
 

Ông Nhạ cảnh báo: “Tôi nhìn vào nhiều trường ĐH thấy khoa học công nghệ rất mờ. Phần lớn thời gian các hiệu trưởng rồi phòng ban, giáo vụ bàn về quy chế đào tạo, tuyển sinh. Đây là một thực trạng không phải chỉ là báo động mà còn đứng trước nguy cơ phải đóng cửa trường”.
Theo ông Nhạ, đầu tư vào khoa học công nghệ tuy tốn kém nhưng tạo ra một vị thế, tạo ra thương hiệu thu hút được sinh viên giỏi, giáo viên giỏi và chính những người đó mới tạo nên thương hiệu của nhà trường.
Đầu tư cho khoa học công nghệ thông qua quỹ
Trong báo cáo kết quả của nhóm nghiên cứu do PGS-TS Vũ Văn Tích, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì, đề xuất các trường ĐH xem xét đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động khoa học và công nghệ và đào tạo của nhà trường hướng tới ứng dụng thực tiễn, liên ngành theo xu hướng tự chủ và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp mới hiện nay.
GS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết ông ủng hộ đề xuất này. GS Hoài cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm nguồn tài trợ của các doanh nghiệp rất khó khăn. Vì vậy cần có cơ chế ngân sách nhà nước có những tài trợ cho nghiên cứu cơ bản.
GS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề xuất: “Mô hình nhóm nghiên cứu giảng dạy này đạt kết quả tốt sẽ tác động rất tích cực tới chất lượng ĐH. Vì thế, chúng tôi cũng rất mong Bộ làm sao để hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư cho nhóm này”.
“Trong quy định hiện nay, phần giảng dạy của các GS, TS vẫn chiếm phần lớn so với nghiên cứu khoa học. Trong khi đó ở nước ngoài, GS chủ yếu làm nghiên cứu và chỉ dạy những cái mới, cái mà họ nghiên cứu, đặc biệt là trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Cần phải thay đổi ngay từ quy định của Bộ GD-ĐT”, GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị.
Còn theo GS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, mô hình đầu tư cho khoa học và công nghệ thông qua quỹ mà Bộ KH-CN đang làm hiệu quả, như một ví dụ để Bộ GD-ĐT có thể học hỏi. Họ đã lập quỹ, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học (thông qua hình thức tương tự đấu thầu), tạo ra động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học.


 

Quý Hiên