28/11/2024

Bà ‘chủ tịch công đoàn’ của đội quét rác

Khi nhắc đến cái tên Dương Thị Mỹ Anh, 53 tuổi, nguyên chủ tịch công đoàn đội công trình đô thị quận Cái Răng, đội ngũ người lao động ở đây luôn dành cho chị sự trân trọng, quý mến…

 GƯƠNG MẶT:

Bà ‘chủ tịch công đoàn’ của đội quét rác

 

Khi nhắc đến cái tên Dương Thị Mỹ Anh, 53 tuổi, nguyên chủ tịch công đoàn đội công trình đô thị quận Cái Răng, đội ngũ người lao động ở đây luôn dành cho chị sự trân trọng, quý mến…

 

 

 

Bà 'chủ tịch công đoàn' của đội quét rác
Sau một thời gian đấu tranh bảo vệ người lao động, chị chủ tịch công đoàn Dương Thị Mỹ Anh bị điều xuống làm tổ trưởng tổ kéo rác, lương giảm từ 10 triệu đồng xuống còn hơn 4 triệu đồng – Ảnh: CHÍ QUỐC

Chị Mỹ Anh kể năm 1996 khi còn là nhân viên ở bộ phận một cửa tại UBND huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ cũ (nay là quận Cái Răng, TP Cần Thơ), chị đã tiếp xúc và thấy rất nhiều người thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng gặp khó khăn khi đến xin cấp chế độ, chứng thực giấy tờ.

Đa số họ có hoàn cảnh rất nghèo nhưng bị cán bộ quận hạch sách, quan liêu nên chị đã lên tiếng can thiệp giúp.

Cũng vì đấu tranh cho chúng tôi mà chị ấy bị cách chức, luân chuyển trong khi hoàn cảnh gia đình chị ấy rất đáng thương. Thấy vậy anh em chúng tôi mới đồng loạt lên tiếng cho chị ấy. Những người thấp cổ bé họng như chúng tôi không phải ai cũng dám lên tiếng vì quyền lợi, mất chị ấy là chúng tôi mất mát đi rất nhiều

Chị MAI THẢO TRANG

Đồng hành 
với người cùng khổ

“Họ nghèo lắm, nhưng khi đi làm thủ tục lại bị hạch sách, phải thông qua “cò” tốn kém chi phí. Tôi lên tiếng mãi nhưng không được bèn lén giúp bà con chuyển hồ sơ trình lãnh đạo ký sớm giúp.

Cũng vì “mất ăn” mà nhiều người tỏ thái độ không hài lòng, họ đi mách lại cấp trên và tìm cách gây khó khăn cho tôi” – chị Mỹ Anh nhớ lại.

Cũng chính việc làm phá “nồi cơm” của giới “cò”, không được lòng nhiều người nên năm 2002 chị bị luân chuyển về phụ trách thủ quỹ tại đội vệ sinh môi trường huyện Châu Thành (trực thuộc Công ty Công trình đô thị tỉnh Cần Thơ), nay là đội vệ sinh môi trường quận Cái Răng.

Tại đây, chị Mỹ Anh được người lao động tín nhiệm bầu làm chủ tịch công đoàn của đội.

Ở cương vị mới, những hình ảnh người lao động làm việc vất vả thâu đêm suốt sáng nhưng công sức, chế độ không được bù đắp xứng đáng lại khiến chị day dứt.

“Họ nghèo khó lại đi kéo rác nặng nhọc cả đêm, tiếp xúc với bao nhiêu thứ độc hại từ rác. Nhiều người đã phải đổ mồ hôi lẫn nước mắt để có cái ăn cho gia đình nhưng không được ký hợp đồng, không có bảo hiểm. Với cương vị của mình, tôi nhiều lần góp ý với lãnh đạo công ty nhưng không ai quan tâm tới” – chị Mỹ Anh nhớ lại.

Chị Mai Thảo Trang (45 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) tâm sự chị đã có quá trình 14 năm công tác và nhận được sự che chở từ người chủ tịch công đoàn của mình ngày trước.

Khi nhắc đến quá trình chị Mỹ Anh đấu tranh giành quyền lợi cho giới công nhân tại đây, chị Trang không ngần ngại cho biết: “Chị ấy lên tiếng đòi quyền lợi và bảo vệ cho công nhân ở đây dữ lắm. Thấy lương chúng tôi quá thấp, trong khi thâm niên làm việc cao nhưng không có biên chế gì, chị ấy liền lên tiếng với cấp lãnh đạo”.

Còn Võ Văn Chương (20 tuổi, ngụ quận Cái Răng) thì cho biết cha mẹ mình cũng có quá trình hàng chục năm làm việc với cô Mỹ Anh khi cậu còn là một đứa trẻ.

“Em thì học đến lớp 4 rồi nghỉ, vốn không biết chữ và cũng không biết làm gì ra tiền nên cứ lang thang ngoài đường. Sau khi cha mẹ bệnh nặng, mất sức lao động cũng là lúc cô Mỹ Anh cảm hóa em và giúp em được vào đội gom rác làm việc. Em đã làm được hai năm nay” – Chương kể.

Bà 'chủ tịch công đoàn' của đội quét rác
Chị Dương Thị Mỹ Anh, trong vai trò chủ tịch công đoàn, đến thăm hỏi công nhân tại đội công trình đô thị Q.Cái Răng – Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Bầm dập vì đấu tranh

Qua những lần miệt mài đứng ra góp ý, đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động ở từng cuộc họp nội bộ không thành, chị Mỹ Anh bèn thu thập tài liệu về chuyện cắt xén chế độ, lương bổng của công nhân để làm đơn gửi các cấp chính quyền.

Cũng trong giai đoạn này, chị phát hiện ở đơn vị xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác chi tiêu mua sắm vật tư thiết bị, cũng như việc mua bán hóa đơn khống hợp thức hóa chứng từ quyết toán.

“Trong quá trình thu thập tài liệu, tôi còn phát hiện việc chi xài hoang phí của cấp lãnh đạo trong khi chế độ cho những người lao động lại bị cắt xén. Quá bất nhẫn nên tôi mới quyết định gửi đơn đến Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ để họ vào cuộc làm rõ” – chị Mỹ Anh nói.

Khi những lá đơn tố cáo được gửi đi cũng là lúc chị Mỹ Anh nhận được “trái đắng”. Chị bị cấp trên ra quyết định cách chức, luân chuyển đi nơi khác vì lý do khiếu kiện vượt cấp.

Bức xúc việc làm gây oan ức cho chị, 39 nhân công của đội đô thị Cái Răng đồng lòng viết tâm thư gửi hàng loạt cơ quan cầu cứu.

Sau khi có báo cáo thanh tra của Ban phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ, ngày 10-5-2010, ông Nguyễn Hữu Lợi – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – đã ký văn bản yêu cầu Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ thu hồi quyết định điều chuyển công tác và phục hồi quyền lợi chính đáng cho chị Mỹ Anh.

Đồng thời văn bản cũng đề nghị xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật như tham ô, tham nhũng qua nhiều năm nhưng lại có hành vi trù dập người tố cáo, đề nghị lãnh đạo Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ thu hồi những khoản quyết toán khống của lãnh đạo đội.

Lúc này, vị trí công tác của chị Mỹ Anh mới được phục hồi trở lại, người lao động một lần nữa tín nhiệm bầu chị giữ chức chủ tịch công đoàn của đội.

Kết cục đau khổ

Trong quá trình công tác sau đó, chị Mỹ Anh còn phát hiện ra trong giai đoạn từ năm 2014 trở về sau này công ty chỉ trả cho người lao động 70% lương, còn 30% công ty hứa sẽ trả vào cuối năm nhưng không có.

Một lần nữa, chị lại đứng lên góp tiếng nói đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân. “Khi tôi đứng ra hỏi thì lãnh đạo công ty nói hết tiền do thua lỗ” – chị Mỹ Anh cho biết.

Thế nhưng, ngày 4-5-2017, chủ tịch UBND TP Cần Thơ ra thông báo bác đơn tố cáo hành vi giữ 30% lương của công nhân bị mất từ năm 2014 đến nay.

Ngày 5-6, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ ra quyết định giải thể công đoàn đội công trình đô thị quận Cái Răng.

Trong cùng ngày, công ty này cũng ra quyết định thành lập BCH công đoàn bộ phận 3, chị Mỹ Anh cũng không còn được giữ chức chủ tịch công đoàn.

Hiện nay, dù là một cử nhân luật nhưng chị Mỹ Anh bị luân chuyển xuống làm tổ trưởng tổ công nhân, đồng thời phải đi kéo rác ngoài đường với hệ số lương từ 4.51 giảm xuống còn 3.95, lương giảm từ 10 triệu đồng xuống còn hơn 4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hùng Dũng – nguyên phó ban thường trực, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ – cho biết: “Chị Mỹ Anh trong quá trình công tác đã có công rất lớn, có nhiều tâm huyết trong công tác đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân.

Bên cạnh đó, chị còn là người phát hiện một số vấn đề tiêu cực, tham nhũng ở đơn vị.

Điển hình như tiêu cực trong chi tiêu, mua sắm vật tư và chuyện lập hoá đơn khống của cấp lãnh đạo đơn vị Phòng đô thị quận Cái Răng và Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ. Những nội dung chị ấy tố cáo thời đó sau khi được xác minh là có thật.

Tôi có làm báo cáo gửi UBND TP Cần Thơ kiến nghị xử lý. Với tâm huyết đấu tranh chống tiêu cực suốt nhiều năm liền, chị ấy được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương biết đến và mời dự gương điển hình trong công tác phòng chống tham nhũng toàn quốc.

Ngoài ra, chị còn được UBND TP Cần Thơ và nhiều sở, ban ngành tặng nhiều bằng khen vì có thành tích chống tham nhũng”.

Hoàn cảnh 
khốn khó

Suốt quá trình gần tám năm đấu tranh đòi quyền lợi cho những người quét rác, chị Mỹ Anh đã gánh chịu không ít đau thương. Về phần gia đình, chị mất đi đứa con gái vì mắc bệnh bại não, chồng chị vì bị viêm thận cấp và lao phổi nên sau đó cũng bị bại liệt một phần thân thể.

HẠNH NGUYỄN – H.TRÍ DŨNG