10/01/2025

Bất ngờ với góc nhìn của giáo dục Mỹ về thi học sinh giỏi

“Trường anh có học sinh thành tích cao ở các kỳ thi khoa học quốc tế trở về sẽ được đón chào thế nào?”. “Sẽ rất vui cho trường đấy. Nhưng có lẽ… không bằng đội bóng chày đoạt giải của bang!”.

 

Bất ngờ với góc nhìn của giáo dục Mỹ về thi học sinh giỏi

“Trường anh có học sinh thành tích cao ở các kỳ thi khoa học quốc tế trở về sẽ được đón chào thế nào?”. “Sẽ rất vui cho trường đấy. Nhưng có lẽ… không bằng đội bóng chày đoạt giải của bang!”. 

 

 

 

 

Bất ngờ với góc nhìn của giáo dục Mỹ về thi học sinh giỏi
Học sinh cấp III ở Mỹ trình diễn thí nghiệm trong cuộc thi khoa học trước các giáo viên – Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI

Có nhiều điều thú vị được rút ra khi trao đổi với Andrew – giáo viên dạy chương trình khoa học nâng cao (AP) tại trường cấp III ở Mỹ, và đang làm nghiên cứu sinh về giáo dục STEM – về kết quả thi quốc tế của học sinh VN.

Tôi hỏi anh ấy: “Nếu trường anh có học sinh đạt thành tích cao ở các kỳ thi khoa học quốc tế trở về thì các em đó sẽ được đón chào như thế nào?”.

Anh trả lời: “Sẽ rất vui cho trường đấy. Nhưng có lẽ… không bằng đội bóng chày đoạt giải của bang đâu!”.

Giáo dục ở nước Mỹ quan niệm rằng nếu kiến thức không được vận dụng vào thực tế thì kiến thức đó chỉ là thông tin. Do vậy, các kỳ thi tranh tài ở Mỹ luôn khuyến khích khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế

Chỉ là nấc thang đầu tiên…

Thú thật, ở Mỹ, các cuộc thi thể thao vẫn luôn được các trường xem trọng nhiều hơn các kỳ thi học sinh giỏi.

Mặc dù các học sinh đạt thành tích từ các cuộc thi vẫn được nhà trường tuyên dương, nhưng so với các môn thể thao thì lặng lẽ hơn nhiều. “Tại sao lại vậy?”.

Tôi chuyển câu hỏi này lại cho anh Andrew thì được anh lý giải trong hai ý: người Mỹ ưa thích các môn thể thao trong trường học và các cuộc thi hướng đến tinh thần đồng đội hơn.

Thật sự, so đỉnh cao của sự nghiệp khoa học với đỉnh cao về sự nghiệp thể thao thì tuổi đời thể thao ngắn hơn hẳn.

Các vận động viên thành tích cao ở các kỳ thế vận hội Olympic đa phần rất trẻ, nhiều vận động viên còn đang là học sinh, sinh viên.

Nhưng trong học vấn, các thành tích cao nhất ở các kỳ thi lại chỉ là nấc thang đầu tiên thể hiện khả năng trí tuệ trong hành trình chinh phục tri thức.

Đó chưa là gì cả so với chặng đường còn rất dài phía trước nếu người đó còn tiếp tục duy trì niềm đam mê theo đuổi nghiên cứu.

Trong giới khoa học ở đây, mọi người đều chia sẻ rằng đam mê và kiên trì mới thật sự là những nhân tố quyết định có được những thành công lớn. Hơn thế nữa, giáo dục ở nước Mỹ quan niệm rằng nếu kiến thức không được vận dụng vào thực tế thì kiến thức đó chỉ là thông tin.

Do vậy, các kỳ thi tranh tài ở Mỹ luôn khuyến khích khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.

Ứng dụng giải quyết vấn đề thực tiễn

Tiếp tục cuộc trò chuyện với anh bạn Andrew, anh ấy còn cho tôi biết rằng tại các trường học phổ thông ở đây, học sinh nào thể hiện đam mê các môn khoa học tự nhiên sẽ được khuyến khích tham gia một kỳ thi khoa học có tên là Science Olympiad.

Science Olympiad của Mỹ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1974 nhằm ba mục tiêu chính: cải thiện chất lượng giáo dục khoa học trong trường học (từ tiểu học đến trung học); thúc đẩy sự yêu thích khoa học trong học sinh; và ghi nhận những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực này của cả học sinh và giáo viên.

Nội dung và cấu trúc của kỳ thi này hoàn toàn khác với kỳ thi các môn khoa học quốc tế (International Science Olympiad) mà học sinh giỏi Việt Nam thường đăng ký thi.

Nếu International Science Olympiad tập trung vào các bài toán lý thuyết thì Science Olympiad tập trung vào các bài toán thực tế.

Nếu International Science Olympiad là kỳ thi cá nhân thì Science Olympiad là kỳ thi mang tính đồng đội.

Kỳ thi Science Olympiad khuyến khích làm việc theo nhóm và áp dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Kỳ thi này dành cho cả học sinh tiểu học đến trung học với nhiều chủ đề thi rất đa dạng và nghe rất hấp dẫn như: “Phá án” (Crime busters) – ứng dụng kiến thức hóa học và vật lý để giải quyết các vấn đề truy tìm tội phạm; “Thế hệ xanh” (Green Generation) – ứng dụng những kiến thức về khoa học môi trường để giải quyết các vấn đề ô nhiễm…

Như vậy có thể thấy cách học sinh Mỹ được khuyến khích thi tranh tài cũng khác rất nhiều so với cách chúng ta đang làm. Họ xem học sinh tham dự Science Olympiad như là một cách giáo dục phi chính quy.

Cách thiết kế mục tiêu của kỳ thi không nặng về kỹ năng nhớ và hiểu kiến thức mà khuyến khích các kỹ năng tư duy bậc cao hơn thông qua việc ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề cụ thể trong cuộc sống.

Đặc biệt, hình thức thi khuyến khích phát triển kỹ năng làm việc nhóm, sáng tạo và tranh luận.

Tự học là chủ yếu

Điều thú vị là các bài thi không giống như các bài tập trong chương trình giáo khoa. Bởi lẽ câu hỏi luôn gắn liền với các vấn đề rất cụ thể từ đời thường.

Anh bạn tôi kể mặc dù là hướng dẫn các bạn học sinh tham dự kỳ thi ấy, nhưng chính học sinh tự học là chủ yếu.

Ngoài ra, các em phải dành nhiều thời gian luyện tập với nhau để phối hợp ăn ý trong suốt quá trình thi.

Nghe tới đây, tôi chỉ biết mỉm cười và hiểu tại sao các trường học của nước bạn không tung hô học sinh giỏi ở các kỳ thi giống như ta, mà lại tung hô các học sinh của họ đạt thành tích các môn thể thao đồng đội hay ở kỳ thi khoa học ứng dụng sáng tạo.

Và dĩ nhiên nền khoa học của nước bạn cũng luôn dẫn đầu thế giới.

NGUYỄN THÀNH HẢI (Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, ĐH Missouri, Mỹ)