Nhiễm khuẩn ở phòng khám, bệnh viện
Chỉ trong gần 3 tháng qua, đã có trên 50 trẻ dưới 15 tuổi, trong đó cháu nhỏ nhất mới 6,5 tháng tuổi ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, đều mắc một chứng bệnh lây qua đường tình dục: bệnh sùi mào gà.
Nhiễm khuẩn ở phòng khám, bệnh viện
Chỉ trong gần 3 tháng qua, đã có trên 50 trẻ dưới 15 tuổi, trong đó cháu nhỏ nhất mới 6,5 tháng tuổi ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, đều mắc một chứng bệnh lây qua đường tình dục: bệnh sùi mào gà.
Dụng cụ phẫu thuật luôn là thứ phải được tiệt trùng cẩn thận, nhằm tránh lây nhiễm – Ảnh: HỮU KHOA |
Theo các bác sĩ, với nhiều loại bệnh, khi điều trị cho các cháu, nếu y bác sĩ sử dụng chung găng tay khi thăm khám cho nhiều trẻ hoặc dùng chung dụng cụ y tế chưa được tiệt khuẩn thì rất dễ bị lây nhiễm. Và nguy cơ lây bệnh không chỉ ở các phòng khám, mà ngay cả bệnh viện. Có nhiều căn bệnh lây qua đường hô hấp, lây qua tiếp xúc…
Càng đông, càng lây
Vụ dịch sởi năm 2014 làm gần 150 trẻ em tử vong là một điển hình của tình trạng lây lan bệnh dịch trong bệnh viện. Lật lại vụ việc cho thấy riêng ngày 17-4-2014, tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) có 33 bệnh nhi được chuyển từ các khoa khác đến điều trị sởi do bị lây từ mầm bệnh trong bệnh viện, cao hơn 6 lần so với trẻ mắc sởi từ cộng đồng vào viện cùng ngày (5 trẻ).
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, cúm, lao là những bệnh dễ lây nhất. Bệnh lây qua tiếp xúc như viêm gan, HIV, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường cũng có thể lây lan nếu dùng chung một đôi găng tay cho nhiều người bệnh, mà một trong số đó có mầm bệnh.
“Càng đông người bệnh càng nguy cơ cao, nguyên tắc là mỗi khi chạm vào người bệnh, đặc biệt là người bệnh nặng đều phải rửa tay”- ông Khoa cho hay.
Dùng một đôi găng tay khám vài người
Các khảo sát nhỏ gần đây cho thấy khoảng 1/3 nhân viên y tế không rửa tay trước khi chăm sóc người bệnh. Trong số nhân viên có tuân thủ yêu cầu rửa tay, bác sĩ lại là nhóm ít tuân thủ nhất. Một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho biết quy trình thăm khám cho mỗi người bệnh cần một đôi găng tay, nhưng có tình trạng bác sĩ khám vài người bệnh mới thay một đôi.
“Khi bác sĩ đã đeo găng tay thì về bản chất họ không ngại chạm vào các chỗ bẩn, và nếu bàn tay đeo đôi găng bẩn đó thăm khám cho người bệnh khác thì vô tình bàn tay bác sĩ đã đưa vi khuẩn từ người này sang người kia, làm lây lan bệnh” – chuyên gia này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Dương Đức Hùng – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – nhận xét khu vực công lập sẽ đảm bảo yêu cầu về chống nhiễm khuẩn tốt hơn các phòng khám tư, do đầu tư thiết bị chống nhiễm khuẩn tốt hơn.
Ông Hùng cho hay hiện đã có đơn vị phẫu thuật tim mạch thuộc Viện Tim mạch quốc gia thuộc Bệnh viện Bạch Mai sử dụng hoàn toàn áo dùng một lần trong phòng mổ, do lo ngại máu người bệnh HIV hay viêm gan B dính vào áo vải có thể giặt không sạch, có nguy cơ nhiễm khuẩn sang người bệnh.
“Ngay cả ống nghe treo ở giường bệnh cũng đánh số giường nào ống nghe ấy, vì khi đặt ống nghe lên ngực người bệnh khác thì có thể mang vi khuẩn từ người bệnh đã dùng trước đó, trong khi bệnh nhân có vết mổ trên ngực” – BS Hùng nói.
Nhiễm khuẩn thường gặp Theo một báo cáo gần đây của Bộ Y tế, nhiễm khuẩn vết mổ, tiết niệu và hô hấp là các loại nhiễm khuẩn thường gặp ở bệnh viện. Một trong số ít nghiên cứu về nhiễm khuẩn bệnh viện cho biết nhiễm khuẩn bệnh viện làm gia tăng thời gian điều trị lên tới 15 ngày, tổng chi phí phát sinh do nhiễm khuẩn bệnh viện thêm 3 triệu đồng/người bệnh. |
Kiểm soát nhiễm khuẩn: Phụ thuộc vào nhận thức của chủ phòng khám Hơn 50 trẻ ở Hưng Yên bị mắc sùi mào gà, một bệnh vốn lây nhiễm chủ yếu qua đường quan hệ tình dục, là một sự việc hết sức bất thường. Đáng chú ý hơn nữa, khai thác bệnh sử cho thấy các trẻ em này có một điểm chung: đều đã từng điều trị chít hẹp bao quy đầu tại một cơ sở y tế. Điều này cho chúng ta một gợi ý tương đối rõ ràng về yếu tố dịch tễ. Khoanh vùng ổ dịch, điều tra nguyên nhân, quy kết trách nhiệm, giải quyết hậu quả… là những việc đang được các cơ quan hữu quan triển khai. Điều khiến tôi băn khoăn nhất là câu trả lời của chủ cơ sở khám chữa bệnh đó, khi cho rằng mình không làm gì sai cả. Với một gợi ý rõ ràng về yếu tố dịch tễ như thế, không nhiều thì ít quy trình điều trị của cơ sở y tế này chắc chắn có vai trò trong việc lây lan của bệnh, bởi đến giờ chưa tìm thấy một mối liên quan nào khác ở các bệnh nhi này. Việc phủ nhận sự liên quan của mình tới một biến cố là phản ứng luôn luôn xảy ra ở bất cứ cá nhân hay tập thể nào, cho tới khi cơ quan hữu quan có bằng chứng ngược lại. Nhưng trong sự việc này, nó làm dấy lên một sự lo ngại, đó là nhận thức của người thực hành khám chữa bệnh về việc kiểm soát nhiễm khuẩn không đầy đủ, nếu không muốn nói là quá kém. Một nhận thức như thế nếu không được điều chỉnh, uốn nắn kịp thời, sẽ tiếp tục dẫn đến những hành động không đúng mực và là một nguồn phát tán bệnh tiềm tàng trong cộng đồng. Từ bao lâu nay, ngành y tế đã và đang có rất nhiều biện pháp để kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Tất cả các loại thủ thuật, phẫu thuật đều được tiến hành với một quy trình nghiêm ngặt nhằm hạn chế đến mức tối đa khả năng lây nhiễm, cho cả nhân viên thực hiện lẫn người bệnh. Tuy vậy, vẫn còn một mảng rất lớn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý, đó chính là các phòng khám hoạt động ngoài giờ. Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở này phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của chủ cơ sở. Liệu đây chỉ là trường hợp cá biệt, hay tất cả các cơ sở y tế khám chữa bệnh đều có cùng một nhận thức đơn giản như thế? Có nên chăng việc phải mở một cuộc điều tra lại tình hình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ, để từ đó có các biện pháp kịp thời? |