11/01/2025

Từ vụ ‘bêtông hoá’ vỉa hè: Hãy cho đất “thở”!

Lo lắng và không thể ngồi yên ở bàn nghiên cứu, GS.TSKH Lê Huy Bá – chuyên gia môi trường – đã đến đoạn vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) để khảo sát khi tình trạng “bêtông hoá” vỉa hè vẫn đang diễn ra tại TP.

 

Từ vụ ‘bêtông hoá’ vỉa hè: Hãy cho đất “thở”!

Lo lắng và không thể ngồi yên ở bàn nghiên cứu, GS.TSKH Lê Huy Bá – chuyên gia môi trường – đã đến đoạn vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) để khảo sát khi tình trạng “bêtông hoá” vỉa hè vẫn đang diễn ra tại TP.

 

 

 

 

Từ vụ 'bêtông hóa' vỉa hè: Hãy cho đất "thở"!
Vỉa hè đường Hai Bà Trưng (P.8, Q.3, TPHCM) bị “bêtông hoá” – Ảnh: HỮU KHOA

Với GS Bá, tình trạng vỉa hè được đào xới lên rồi đổ lớp bêtông dày và lát gạch lên trên là câu chuyện không mới. Đây là vấn đề của bảy, tám năm về trước mà chính ông cùng nhiều nhà khoa học đã lên tiếng bác bỏ và gọi đây là kiểu “bêtông hoá” vỉa hè.

Ngạc nhiên với thiết kế vỉa hè

Cách thiết kế, thi công vỉa hè như nói trên sẽ gây ra những hệ lụy cho môi trường. Vì vậy giờ đây GS Bá rất ngạc nhiên với kiểu thiết kế cả một đoạn vỉa hè đường Hai Bà Trưng (dài hàng trăm mét, rộng 3-3,5m) mà không hề dành tí đất nào để trồng cây xanh.

Đây là một đơn cử trong số nhiều đoạn, tuyến vỉa hè khác ở TP vừa bị “bêtông hóa”.

Một đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phía Q.3) vừa được làm mới nhưng cũng được thi công theo kiểu đổ lớp bêtông khá dày bên dưới rồi lát gạch lên trên, không có khe hở thấm nước.

Đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) cũng đang được làm mới vỉa hè. Có đoạn vỉa hè khá rộng, có thể bố trí được các bồn cây, hoa… nhưng tất cả các đoạn vỉa hè đều được đổ bêtông bên dưới rồi lát gạch lên trên!

Vào mùa nắng nóng, đi qua những đoạn vỉa hè này, người đi đường thấy thiếu vắng cây xanh, bóng mát.

Còn vào mùa mưa, tất cả nước mưa sẽ chảy tràn trên mặt đường, đổ dồn xuống cống, không tận dụng được khả năng thấm tự nhiên để tiêu thoát một phần nước mưa, bổ sung nước ngầm, giữ ẩm cho đất.

Nhiều khu vực ở TP.HCM có mật độ xây dựng rất cao, nhà cửa san sát, nơi nào trên mặt đất cũng là bêtông. Chỉ còn lại khoảng không vỉa hè là có thể sử dụng để tạo dựng mảng xanh, tận dụng bề mặt để thu, thấm nước mưa…, giúp cân bằng môi trường.

Chính vì vậy, GS Lê Huy Bá cho rằng khi thiết kế, làm vỉa hè ở TP cần tìm mọi giải pháp có thể để sử dụng phần diện tích quý giá này cho mục tiêu giữ gìn sự cân bằng, hài hoà về môi trường trong lâu dài.

Cần chọn giải pháp 
cân bằng môi trường

Từ vụ 'bêtông hóa' vỉa hè: Hãy cho đất "thở"!
Một đoạn vỉa hè được thiết kế thân thiện với môi trường (trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) – Ảnh: HỮU KHOA

Có nhà khoa học ví von mặt đất cũng giống như làn da con người, chúng phải “thở”.

Mọi người cứ thử hình dung, khi lấy băng keo dán vào da người thì da ở những chỗ đó sẽ không “thở” được. Mặt đất cũng giống như vậy, nếu đổ bêtông lên bề mặt, đất cũng sẽ không “thở” được, lâu ngày sẽ trở nên suy kiệt, khô khan…

Theo GS Bá, TP.HCM cách biển không quá xa, trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn thì càng phải giữ gìn tầng nước ngầm. Việc để nước mưa thẩm thấu xuống lòng đất qua bề mặt vỉa hè là vô cùng có ý nghĩa.

Cách tiêu thoát nước mưa tự nhiên này không chỉ hạn chế được nước mưa chảy tràn trên mặt đường, giảm ngập nước, mà còn giúp tầng nước ngầm bên dưới luôn được bổ sung một lượng nước mới trong suốt những tháng mùa mưa.

Điều này còn góp phần tích cực trong việc giữ cân bằng mặn – ngọt, hạn chế nguy cơ nước mặn lấn sâu vào đất liền.

Cũng do đặc điểm phát triển “nóng” ở đô thị TP.HCM, khắp nơi “bêtông hoá”, nhiều nơi san lấp kênh rạch, thu hẹp mặt nước… nên vào mùa nắng nóng, cảm giác TP ngày càng oi bức.

Một số nhà khoa học phân tích tình trạng này cũng do “bêtông hóa” tràn lan, không tận dụng được diện tích mặt đất và không gian đô thị để gìn giữ sự cân bằng, hài hòa về môi trường sống.

Theo đại biểu HĐND TP Lê Nguyễn Minh Quang, vỉa hè nhiều tuyến đường ở TP.HCM được thiết kế rất thành công, thân thiện môi trường. Cụ thể, nhiều vỉa hè được khoét rãnh trồng cây xanh, các loại hoa… sát mép đường – đây cũng là bề mặt thu nước mưa rất tốt.

Ngoài cách làm này, nhiều nhà khoa học cho rằng dùng gạch con sâu để lát vỉa hè, có khe hở giữa các viên gạch cũng là một trong những cách làm rất tốt, giúp nước mưa thẩm thấu xuống đất.

Vì sao phải “bêtông hóa” 
vỉa hè?

Từ góc nhìn quản lý nhà nước, ông Bùi Xuân Cường – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – giải thích nếu không “bêtông hoá” vỉa hè thì không đảm bảo độ cứng để người đi bộ đi trên đó và xe máy chạy ra vào những nhà mặt phố.

“Không bêtông hoá thì làm sao chịu lực được, sẽ lún, lệch… bề mặt vỉa hè”. Tuy nhiên, ông Cường cho biết sở đã hướng dẫn ở những đoạn vỉa hè trước công sở, trường học… thì phải nối thông các bồn cây, trồng mảng xanh, tạo thêm diện tích bề mặt thu nước mưa.

QUỐC THANH