Trường lập 5 năm vẫn là… khu đất trống
Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn (trước đây là CĐ nghề Trần Đại Nghĩa) được cấp phép thành lập tháng 7-2012 tại khu đô thị Đông Phú, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Trường lập 5 năm vẫn là… khu đất trống
Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn (trước đây là CĐ nghề Trần Đại Nghĩa) được cấp phép thành lập tháng 7-2012 tại khu đô thị Đông Phú, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Khu đô thị Đông Phú (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), nơi có quy hoạch dự án Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn – Ảnh: Chí Quốc |
Và đến nay, “trụ sở” của trường vẫn là một… khu đất trống, chưa có bất kỳ cơ sở vật chất gì cần có của một ngôi trường. Khi phóng viên Tuổi Trẻ tìm đến trụ sở của trường, người dân xung quanh ngạc nhiên nói không biết gì về “sự có mặt” của ngôi trường này.
“Còn ruộng nước mênh mông”
Theo tài liệu chúng tôi có được, tháng 7-2012 Bộ LĐ-TB&XH ra quyết định cho phép thành lập Trường CĐ nghề Trần Đại Nghĩa. Quyết định do thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi ký (ông Phi hiện đã nghỉ hưu).
Tháng 6-2014, Bộ LĐ-TB&XH ra quyết định cho phép đổi tên trường thành Trường CĐ nghề Công nghệ Sài Gòn (nay là Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn) trụ sở cũng tại địa chỉ trên. Quyết định cũng do thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi ký.
Tháng 3-2017, Sở LĐ-TB&XH Hậu Giang báo cáo về việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.
Báo cáo đề cập: “Hiện tại Trường CĐ nghề Công nghệ Sài Gòn đã được quy hoạch, giao đất nhưng chưa có đầu tư xây dựng trên vị trí đất được quy hoạch, chưa chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhưng đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy chứng nhận hoạt động”.
Trước vấn đề trên, bà Hoàng Thị Minh Liên – chủ tịch HĐQT trường – thừa nhận tại vị trí cấp phép thành lập trường đến nay vẫn chỉ là đất nông nghiệp, chưa có công trình xây dựng nào liên quan đến trường. Bà Liên cho hay bà mua lại trường từ một chủ cũ nên quá trình hình thành quyết định thành lập trường bà không nắm rõ.
“Khu đất dưới đó (tức khu đất tại vị trí cấp phép thành lập trường – PV) hiện giờ còn ruộng nước mênh mông. Chúng tôi xin đổi đất nhưng UBND tỉnh Hậu Giang không có phương hướng đổi đất cho mình. Họ yêu cầu mình kiếm vị trí đất nào đó xây dựng. Họ nói nếu muốn đổi đất thì mình chủ động thương lượng đền bù với dân.
Hiện tại nếu đền bù cả 4ha đất đó cũng phải mất 7 tỉ đồng, rồi san lấp mặt bằng, xây dựng lên nữa cũng mất mấy chục tỉ. Nhưng xây dựng lên không tuyển sinh được thì rõ là lãng phí” – bà Liên nói.
Sau khi được cấp phép thành lập, dù “trụ sở” chỉ là bãi đất trống nhưng trường này đã chiêu sinh, đào tạo tại Cần Thơ (1 cơ sở), TP.HCM (2 cơ sở). Tại TP.HCM, chúng tôi tìm tới địa chỉ hai cơ sở của trường ở Q.10 và Q.Bình Tân thì được biết đây là trụ sở của một trường trung cấp.
Trong thông báo tuyển sinh CĐ, liên thông CĐ chính quy năm 2017 trên trang web, Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn tuyển sinh ngành dược sĩ CĐ với hai mức học phí 6,5 triệu đồng/học kỳ (CĐ dược sĩ chính quy) và 7,9 triệu đồng (CĐ dược sĩ liên thông). Được biết tháng 6-2017, trường này vừa khai giảng một lớp dược sĩ CĐ liên thông tại Vũng Tàu với khoảng 40 học viên theo học…
Thành lập trường đúng quy định pháp luật!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kim Hồng Hưng – phó chánh văn phòng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH – khẳng định việc thành lập Trường CĐ nghề Trần Đại Nghĩa (tên gọi trước đây của Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn) được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang đồng ý về chủ trương thành lập trường, có quyết định về việc quy hoạch và thông báo thu hồi 4,2ha đất tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành để đầu tư xây dựng công trình Trường CĐ nghề Trần Đại Nghĩa.
Hồ sơ thành lập trường cũng đã được hội đồng thẩm định liên Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch – đầu tư, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá đáp ứng điều kiện thành lập trường CĐ theo quy định. Theo đó, Trường CĐ nghề Công nghệ Sài Gòn được phép đăng ký đào tạo tại địa điểm đào tạo khác trụ sở chính.
“Tuy nhiên, sau khi đổi tên, nhà trường không thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề theo quy định. Vì vậy hiện nay nhà trường chưa được Tổng cục Dạy nghề chuyển đổi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, theo quy định chung, nhà trường chỉ được tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp” – ông Hưng nói.