11/01/2025

Học lái xe đâu phải chỉ để thi, hướng dẫn ‘mẹo’ làm gì?

Mới học lái xe, với tư cách một người lái ôtô, bạn đọc Trí Nguyễn (Cần Thơ) đúc kết được một vài điều trăn trở. Nhằm góc thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.

 

Học lái xe đâu phải chỉ để thi, hướng dẫn ‘mẹo’ làm gì?

Mới học lái xe, với tư cách một người lái ôtô, bạn đọc Trí Nguyễn (Cần Thơ) đúc kết được một vài điều trăn trở. Nhằm góc thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.

 

 

 

 

Học lái xe đâu phải chỉ để thi, hướng dẫn 'mẹo' làm gì?
Xe tập lái đang chạy trên đường TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

“Trước lúc học lái xe, tôi từng lo là sẽ khó lái và thi khó đậu nhưng có vẻ như thực tế hoàn toàn ngược lại. Lái được xe không quá khó, còn phần lý thuyết với 450 câu hỏi, thi theo bộ đề 30 câu và học viên có thời gian dài “học vẹt” cộng với “tuyệt kỹ mẹo ghi nhớ” thì nói vui theo kiểu thầy dạy lý thuyết của tôi là “khả năng rớt hầu như mất đi”.

Tuy nhiên, tôi thật băn khoăn với cách học theo kiểu đối phó này. Tôi cho rằng học luật và các quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông là để lái xe một cách an toàn, có thái độ văn minh và ứng xử đẹp khi chẳng may xảy ra va chạm, chứ không phải chỉ để thi.

Vậy mà nhiều người học lái xe lại không nghĩ như thế, họ rất hứng thú với các “mẹo” của thầy dạy và kiểu thuộc lòng đáp án theo bộ đề chứ ít quan tâm thực sự câu hỏi và đáp án của phần lý thuyết dùng để làm gì.

Có nhiều “mẹo” được hướng dẫn, chẳng hạn như “những câu dấu hiệu như sau thì chọn đáp án 1, có dấu hiệu như sau thì chọn đáp án 2”, hoặc “có xe đạp thì chọn xe đạp, xe đạp thì được ưu tiên”…

 

Có một lần, người bạn học cùng tôi nghe nói đến một câu hỏi thì lập tức trả lời “Đáp án 2”. Tôi hỏi lại: “Đáp án 2 là đáp án nói cái gì? Xử lý xe trong trường hợp này thế nào là đúng quy tắc?” thì người này trả lời: “Đáp án 2 là đúng rồi, còn nó nói cái gì thì kệ nó”.

Tôi nghĩ, có lẽ lượng người “học lái xe chỉ để thi cho đậu” rất nhiều so với những người “học để biết và làm theo” nên trên đường ngày càng nhiều người lái xe theo cảm tính. Và với những người này, chuyện có thể cho xe vượt nơi cấm vượt, chạy xe bất chấp xe khác kể cả xe ưu tiên, dừng đỗ nơi cấm dừng đỗ… là điều bình thường.

Khi ôm vôlăng chạy trên đường, nhất là đường đô thị mật độ xe rất đông, tôi mới thấy áp lực rất khủng khiếp khi phải đối phó với tình hình tham gia giao thông khá hỗn loạn ở xứ ta: xe tải, xe khách, xe đầu kéo container thì chạy kiểu “ta lớn ta có quyền”, xe máy thì chen bất cứ khi nào có thể, người đi bộ cũng tranh thủ chạy qua đường càng nhanh càng tốt… Tai nạn giao thông xảy ra phần nhiều cũng từ cách đi đường như vậy.

Tôi nghĩ nếu ai ai khi tham gia giao thông cũng là một người có văn hoá giao thông, chấp hành luật, xử lý tình huống cẩn thận… thì chắc chắn sẽ hạn chế được số vụ tai nạn giao thông.

Và để có được điều này, hãy bắt đầu từ các trường dạy lái xe trong việc cân bằng trong đào tạo, đừng quá chú trọng đào tạo phần kỹ năng lái được xe mà xem nhẹ đào tạo về văn hoá khi tham gia giao thông, để các học viên có thể học lái xe an toàn thay cho học chỉ để lái được xe và vượt qua kỳ thi lấy bằng lái.

Ông Nguyễn Văn Quyền (nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ VN, chủ tịch Hội An toàn giao thông VN):

Học lái xe đâu phải chỉ để thi, hướng dẫn 'mẹo' làm gì?
Ông Nguyễn Văn Quyền – Ảnh: V.D.

Cần xử lý tình trạng “học mẹo”

Tôi đồng ý với tác giả bài viết là trong đào tạo lái xe có cơ sở chưa chú trọng đào tạo đảm bảo thực chất sự hiểu biết về lý thuyết và kỹ năng điều khiển phương tiện cho học viên, mà đào tạo theo kiểu “học tủ, học mẹo” cốt sao để qua kỳ sát hạch. Tình hình trên, các cơ quan quản lý đã biết và từ nhiều năm qua đã có nhiều giải pháp khắc phục, hạn chế, nhưng có thể vẫn còn tồn tại, cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa.

Tôi cho rằng không phải ai vi phạm luật cũng là do không biết luật, mà trong tham gia giao thông số người biết mà vẫn vi phạm nhiều hơn. Vấn đề là chúng ta phải nhanh chóng hiện đại hóa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo thực hiện được nguyên tắc ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh thì trật tự giao thông sẽ tốt và an toàn, từ đó góp phần giảm tình trạng “học mẹo, học tủ”…

 N.Ẩn ghi

Ông Võ Hoàng (giáo viên Trường Hoàng Gia TP.HCM):

Đã liên tục điều chỉnh bộ đề

Là một giáo viên giảng dạy trên dưới 20 năm trong nghề lái xe, tôi chia sẻ với anh Trí Nguyễn về việc một số cơ sở đào tạo hiện nay chủ yếu dạy làm sao cho học viên của mình thi đậu, mà xem nhẹ về các kiến thức cần trang bị cho người lái xe khi điều khiển xe trên đường.

Đối với việc học lý thuyết theo kiểu “học mẹo”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã từng khắc phục bằng cách liên tục cập nhật kiến thức mới, bổ sung điều chỉnh các câu hỏi sao cho phù hợp với tình hình giao thông hiện nay, hạn chế tối đa các câu hỏi “mẹo”. Bộ đề từ 300 câu hỏi đã bổ sung thành 405 câu, nay là 450 câu và sắp tới sẽ tiếp tục bổ sung điều chỉnh nữa.

Thực tế đã có rất nhiều trường dạy lái xe có sự đầu tư, nâng cao chất lượng giảng dạy, thể hiện được tinh thần trách nhiệm trong việc đào tạo lái xe và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Bản thân những người học lái phải hiểu rằng kiến thức và sự tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông sẽ góp phần nâng cao ý thức đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Người có ý thức thì phải tự trang bị cho mình một hành trang vững vàng bằng những điều hướng dẫn bài bản trong lớp học lý thuyết, bằng những kỹ năng cơ bản trong kỹ thuật lái xe.

N.Ẩn ghi

TRÍ NGUYỄN (Cần Thơ)