Vi phạm vượt quá tốc độ quy định khi lưu thông, bằng mắt thường không thể xác định được mà phải bằng thiết bị kỹ thuật như máy bắn tốc độ. Nhưng người vi phạm cũng thường tranh cãi với CSGT về thiết bị kỹ thuật này.
Máy bắn tốc độ: Có kiểm định trước khi sử dụng
Vi phạm vượt quá tốc độ quy định khi lưu thông, bằng mắt thường không thể xác định được mà phải bằng thiết bị kỹ thuật như máy bắn tốc độ. Nhưng người vi phạm cũng thường tranh cãi với CSGT về thiết bị kỹ thuật này.
Dư luận vừa qua cho rằng hình ảnh do lực lượng CSGT Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ) ghi được khi xe của tướng Võ Văn Liêm chạy quá tốc độ đăng trên các phương tiện thông tin là không thuyết phục vì không có thời gian, địa điểm trên tấm ảnh… Đại tá Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP.Cần Thơ, cho biết do cán bộ CSGT khi in hình ảnh từ thiết bị ghi được đã phóng to ảnh để thấy rõ biển số xe vi phạm nên không thấy được ngày, giờ của máy ghi tốc độ đi với hình ảnh chiếc xe. Còn hình ảnh thực tế trên máy bắn tốc độ có đầy đủ thời gian máy ghi được khi phương tiện vi phạm.
Đại tá Tám khẳng định, máy bắn tốc độ ghi hình ảnh sử dụng tia hồng ngoại nên có thể ghi được hình ảnh rõ nét cả ban đêm với các thông số kỹ thuật chính xác, màn hình hiển thị ngày, giờ, tháng, năm… trong hình ảnh của phương tiện vi phạm. Do vậy, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ không thể can thiệp vào hình ảnh do máy ghi được.
Mai Trâm
Thời gian qua, tòa soạn Báo Thanh Niên tiếp nhận nhiều ý kiến thắc mắc của người dân về quy trình bắn tốc độ của CSGT. Theo đó, CSGT có được phép hóa trang bắn tốc độ? Người dân (không phải là công an, không được giao nhiệm vụ – PV) có được phép cầm máy bắn tốc độ (máy đo tốc độ có ghi hình ảnh) để bắn, sau đó CSGT sử dụng hình ảnh này để xử lý phạt? Về thắc mắc này, một Phó cục trưởng Cục CSGT (C67), Bộ Công an, cho biết: “Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, CSGT được phép hóa trang, sử dụng máy bắn tốc độ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thiết bị bắn tốc độ được Bộ Công an đặt hàng nước ngoài sản xuất nên không thể can thiệp điều chỉnh thiết bị được. Theo quy định của ngành, máy bắn tốc độ phải được giao cho lực lượng của ngành sử dụng mới đầy đủ tính pháp lý làm chứng cứ xử lý vi phạm, không giao cho người ngoài ngành đảm nhận nhiệm vụ”.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, thông tin thêm: “Ngoài thiết bị bắn tốc độ đặt cố định tại nhiều tuyến đường, quốc lộ, PC67 còn lập tổ chuyên đề phối hợp với các đội tổ chức bắn tốc độ (di động – PV) xử lý phương tiện vi phạm. Trong đó, hơn 95% người vi phạm chấp hành khi bị xử lý vi phạm tốc độ, số còn lại yêu cầu xem hình ảnh nhưng sau khi xem cũng “tâm phục khẩu phục” nên chấp hành đóng phạt”.
Máy bắn tốc độ có chính xác ?
Về thắc mắc máy bắn tốc độ có cơ quan nào kiểm định, thiết bị bắn tốc độ và cách thức bắn tốc độ như thế nào, thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp chia sẻ: “CSGT thành phố được trang bị máy bắn tốc độ hiện đại, được đơn vị nghiệp vụ của Bộ KH-CN kiểm định, dán tem kiểm định nên chỉ số sai số nằm trong mức cho phép. Vả lại khi lập biên bản vi phạm, cơ quan thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nên không những thiết bị mà kể cả quy trình bắn tốc độ, cơ sở pháp lý, hồ sơ thủ tục cũng phải đảm bảo”.
Theo tiến sĩ Phạm Sanh – chuyên gia về ngành GTVT, thiết bị bắn tốc độ hiện nay của lực lượng CSGT đang sử dụng khá hiện đại. Trước đây, máy bắn tốc độ chưa thể hiện rõ vị trí, không bắn được vào ban đêm nhưng nhiều năm nay CSGT được trang bị thiết bị bắn tốc độ vào ban đêm; xác định được vị trí, tọa độ xe vi phạm tốc độ; biển số xe, đặc điểm xe vi phạm; kể cả ki lô mét vượt tốc độ cho phép cũng hiển thị trên máy… Đây là tiêu chí để làm cơ sở pháp lý cho hành vi vi phạm tốc độ. Với thiết bị bắn tốc độ hay cách thức bắn tốc độ hiện nay của CSGT không khác gì so với nước ngoài.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 21.7, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL, Bộ KH-CN), cho biết máy bắn tốc độ của lực lượng CSGT đều là máy điện tử. Theo luật Đo lường năm 2011, trước khi đưa vào sử dụng, thiết bị này đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ kiểm định còn thời hạn (có dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định).
Ngoài ra, theo quy định, máy bắn tốc độ là phương tiện bắt buộc phải kiểm định độ chính xác. Tem kiểm định được dán trên phương tiện đo đạc ở vị trí thích hợp và có ghi hạn kiểm định do Viện Đo lường VN cấp. Định kỳ 1 năm/lần, Cục CSGT và Tổng cục TCĐLCL sẽ kiểm định đo lại thông số kỹ thuật. Nếu người điều khiển phương tiện giao thông nghi ngờ máy bắn đo không chuẩn, có quyền yêu cầu được xem tem kiểm định trên máy bắn tốc độ. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vẫn còn nghi ngờ thì Tổng cục TCĐLCL có thể hỗ trợ kiểm tra máy đo tốc độ.
Người dân có thể xem tại chỗ
Theo trung tá Lâm Quang Quốc, Trưởng đội CSGT Cát Lái (Công an TP.HCM), từ đầu năm đến nay, đội xử lý hơn 5.068 trường hợp vi phạm tốc độ. Trong quá trình bắn tốc độ, hầu hết người vi phạm đều chấp hành nhưng số ít có yêu cầu xem lại hình ảnh thì tổ công tác cho xem hình ảnh tại chỗ. Ngoài ra, đội được trang bị thêm máy tính bảng để truyền hình ảnh cho người vi phạm xem khi yêu cầu xem tại chỗ. “Đối với xe máy thì khoảng cách giữa tổ cầm máy bắn tốc độ và tổ tuần tra kiểm soát khoảng 150 – 200 m, ô tô thì cách khoảng 300 – 500 m (tùy theo địa hình – PV)”, theo ông Quốc.
“Người vi phạm cũng có thể xem lại hình ảnh bởi trong hồ sơ xử lý đều có in hình ảnh vi phạm tốc độ kẹp trong hồ sơ”, thượng úy Lê Hoàng Phong, Đội trưởng đội CSGT Chợ Lớn, cho biết thêm.
Trung tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết cũng có trường hợp người vi phạm cho rằng trên xe có lắp thiết bị giám sát hành trình và tuân thủ tốc độ. “Lực lượng CSGT đã giải thích máy bắn tốc độ do Bộ Công an cấp, thường xuyên kiểm định đầy đủ. Chúng tôi cho người vi phạm xem máy, giấy tờ kiểm định để đối chiếu và người vi phạm đã chấp hành. Theo Bộ Công an, luật không quy định khi sử dụng máy bắn tốc độ phải so sánh với thiết bị nào khác”, trung tá Phan Văn Thương cho hay.