CSGT cũng phải giữ cho ‘trái tim nóng và cái đầu lạnh’
Liên tiếp xảy ra những vụ việc người vi phạm xô xát với CSGT vừa qua đã báo động về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào CSGT cũng phải giữ cho trái tim nóng và cái đầu lạnh.
CSGT cũng phải giữ cho ‘trái tim nóng và cái đầu lạnh’
Liên tiếp xảy ra những vụ việc người vi phạm xô xát với CSGT vừa qua đã báo động về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào CSGT cũng phải giữ cho trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Trên đây là ý kiến của bạn đọc Nghĩa Hưng (TP.HCM) liên quan đến hình ảnh CSGT đang thực thi nhiệm vụ. Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết này.
“Có lẽ không cần phải nhắc lại sự giận dữ của “cơn bão mạng” hay “cơn mưa đá” vừa được ném ra để diễn tả nỗi bất bình với những hành xử không đúng mực như vậy. Cơn giận nào rồi cũng qua đi. Bây giờ là lúc chúng ta nên bàn cách làm sao cho những chuyện không mấy tốt đẹp đừng lặp lại.
Bạn tôi – một CSGT mới nghỉ hưu – trải lòng rằng anh quan niệm quan hệ giữa CSGT và người vi phạm là đối diện để cùng giải quyết sự việc theo quy định của pháp luật chứ không phải đối đầu. Tiếc rằng trong một số trường hợp, đồng nghiệp của anh xử sự chưa hợp lý, dẫn đến cả người vi phạm lẫn CSGT đều thiếu kiềm chế và xảy ra xung khắc.
Vì vậy, câu đầu tiên anh muốn nhắn nhủ là: trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho trái tim nóng và cái đầu lạnh. Mềm dẻo mà không nhu nhược, nghiêm khắc nhưng không lạnh lùng. Đó mới là nghệ thuật của người chấp pháp.
Anh cũng kể tình huống từng xử lý: Trong một ca tuần tra đêm của nhóm anh gồm bốn người, phát hiện một xe du lịch chạy lấn làn, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe. Khi năm người trên xe bước xuống, tài xế sưng sỉa “cớ gì dừng xe đột xuất”, rồi lấy điện thoại gọi cho ai đó nhờ trợ giúp và yêu cầu nhóm của anh phải nghe máy. Tổ công tác từ chối và lập tức bị những người kia cậy đông hơn, vây lấy và lớn tiếng gây sức ép.
Tổ công tác vẫn bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ: cử người ghi biên bản vi phạm, tổ trưởng vừa nhẹ nhàng giải thích lỗi vi phạm vừa kiên quyết yêu cầu họ tôn trọng người thi hành công vụ. Thấy CSGT không nóng nảy cũng không nhượng bộ, lại có những người chạy xe ôm đậu xe gần đó chứng kiến nên cuối cùng tài xế đã ký vào biên bản.
Tôi cho rằng không chỉ CSGT ứng xử mềm dẻo và đúng luật. Ở chiều ngược lại, người vi phạm cần chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng, bởi nếu ai cũng mượn lý do bị ức chế dẫn đến chống đối thì không thể đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật. Nếu CSGT sai, cứ ghi âm ghi hình làm bằng chứng khiếu nại vì luật đã cho phép.
Có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi: cậu sinh viên ở trọ nhà tôi hôm rồi do vội vàng vào bệnh viện chăm sóc bạn bị mổ ruột thừa đã chạy xe máy vượt đèn đỏ. Lúc gặp CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, cậu cứ run cầm cập. Anh sĩ quan trẻ sau khi nghe cậu trình bày, nhìn bộ dạng và nhất là mớ gối, mền, quần áo mang theo vào bệnh viện, liền nhắc nhở và cho đi.
Tâm sự với tôi, cậu sinh viên khẳng định hôm ấy là lần đầu tiên và sẽ là lần cuối cùng cậu vi phạm luật giao thông. Tôi bỗng nhớ lại chuyện CSGT ở Đà Nẵng từng giải quyết bằng cách cho một nữ sinh viên phạm luật được “chép phạt” tại chỗ. Người xưa nói không sai: “Lạt mềm buộc chặt”!
Đường phố chật hẹp, xe cộ đông đúc đương nhiên sẽ khó tránh khỏi những tình huống bất ngờ. Nhưng mọi chuyện đều có thể hóa giải để chuyện lớn hóa chuyện nhỏ, còn chuyện nhỏ như không có, nếu biết nghệ thuật đối nhân xử thế cùng văn hoá giao thông”.
* Đại tá NGUYỄN SỸ QUANG (trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM): Xử nghiêm với các vi phạm Ngày 2-7 vừa qua, bộ trưởng Bộ Công an đã gửi công điện cho lực lượng công an cả nước chỉ đạo về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Công điện thông báo thời gian qua, tình trạng người vi phạm trật tự, an toàn giao thông không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống lại lực lượng thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Bộ trưởng chỉ đạo công an các tỉnh, thành, các đơn vị chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và nhân dân tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng, Công an TP đã chỉ đạo đến tất cả các đơn vị của Công an TP về việc thực hiện tác phong, quy trình theo đúng quy định khi tiếp xúc với người dân, người vi phạm trên tinh thần chuẩn mực, kiên quyết. Đồng thời, cơ quan công an cũng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm giao thông, chống người thi hành công vụ thật nghiêm minh. |
* Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG (Đoàn luật sư TP.HCM): Phản ứng của dư luận là cần thiết Hành vi tấn công bằng hành động hoặc lời nói của người tham gia giao thông với CSGT diễn ra gần đây bị dư luận phản ứng, đòi hỏi phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Sự phản ứng như vậy của dư luận là cần thiết. Ngoài sự lên án của dư luận thì luật pháp cũng đã có những quy định chế tài đối với việc này. Đã từng có việc một cô gái tát CSGT và phải chịu án tù. Có thể lý giải một vài nỗi bức xúc của những người đi đường bắt nguồn từ chính người thực thi công vụ. Trong vụ mới nhất xảy ra gần đây là một phụ nữ đã bức xúc trước hành vi của CSGT (gõ cửa xe). Nhưng trong hoàn cảnh đó, giờ tan tầm đường sá đông đúc, có nguy cơ bị tắc nghẽn, xử lý kịp thời một chiếc xe lấn làn đường là rất cấp bách, nên có thể thông cảm được một sơ suất nhỏ về điều lệnh, điều lệ của CSGT. Còn đối với hành vi lăng mạ, cãi cọ với CSGT diễn ra khá nhiều ở một số thành phố lớn, ngoài lý do xuất phát từ lỗi của CSGT như tôi đã nêu trên, còn có lý do người tham gia giao thông khi vi phạm, hoặc không nhận mình vi phạm sẽ cãi cọ với người thực thi công vụ. Việc cãi cọ, tranh luận, gây gổ luôn gây nên sự căng thẳng không cần thiết cho hai bên. Để hạn chế sự phản ứng tiêu cực này, đòi hỏi những người thi hành công vụ phải tuyệt đối tuân thủ quy trình nghiệp vụ và đạo đức, tác phong của người cán bộ Công an nhân dân. |