Sáng nay 21.7, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) tổ chức hội thảo Kinh nghiệm tự chủ tài chính để bàn việc làm sao thu hút khách tham quan, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động hiệu quả, không phụ thuộc vào ngân sách…
Bảo tàng tìm cách ‘hái’ ra tiền
Sáng nay 21.7, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) tổ chức hội thảo Kinh nghiệm tự chủ tài chính để bàn việc làm sao thu hút khách tham quan, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động hiệu quả, không phụ thuộc vào ngân sách…
Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ: “Nhờ chú trọng công tác triển lãm tại chỗ với những chủ đề hấp dẫn, mang tính thời sự, kết hợp với nhiều hình thức hỗ trợ như giao lưu, trình diễn… mà kết quả bán vé rất khả quan”.
Chủ động tìm nguồn khách
Hiện bảo tàng có 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên về tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược, sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình dành cho VN, được tổ chức bằng chính kinh phí của bảo tàng. Hằng năm, bảo tàng còn thực hiện từ 4 đến 8 chuyên đề triển lãm ngắn ngày như: Tình yêu trong chiến tranh, Trẻ em thời chiến, Áo dài phụ nữ VN đi qua khói lửa chiến tranh… Các chương trình giao lưu Ông bà cháu cùng đến với bảo tàng cũng góp phần thu hút du khách đến tham quan. Bảo tàng phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế thực hiện triển lãm lưu động ở Nhật Bản, Mỹ, Đan Mạch…, tổ chức nhiều buổi diễn thuyết về hậu quả chiến tranh và đưa nội dung quảng bá vào những video clip, guide book. Nhờ vậy, chỉ sau một năm tự chủ, năm 2015 bảo tàng đã thu về gần 12 tỉ đồng, tăng 38,78% so với năm trước. Năm 2016, tiền bán vé vọt lên 14 tỉ đồng.
Không thụ động chờ khách tìm đến, bảo tàng còn gửi thư giới thiệu nội dung đến các trường học, đơn vị quân đội, công ty du lịch, nhà tài trợ… để hình ảnh của bảo tàng ngày càng được lan toả rộng khắp. Số lượng sinh viên, học sinh đến với bảo tàng ngày càng đông, chiếm 70 – 80% lượng khách VN. Bảo tàng cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến thực tập hoặc làm tình nguyện viên phục vụ hướng dẫn cho khách, không chỉ là học sinh, sinh viên trong nước mà còn có khá nhiều sinh viên quốc tế như Nhật Bản, Ý, Úc…
Liên kết để cùng phát triển
Tạo trang Facebook cho bảo tàng
Chương trình tọa đàm lịch sử Các hình thức táng ở VN mặc dù đến ngày 30.7 mới diễn ra nhưng đã được cập nhật thông tin trên fanpage của Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN (Hà Nội). Trên trang Facebook này, công chúng có thể tìm được thông tin không chỉ các chương trình toạ đàm, triển lãm, trưng bày, hoạt động tìm hiểu lịch sử mà cả các kiến thức lịch sử.
Fanpage được các tình nguyện viên của bảo tàng lập nên, hiện có hơn 7.000 người theo dõi. Bảo tàng Dân tộc học VN cũng có fanpage tương tự với hơn 21.000 người theo dõi.
Cách đây gần 3 tháng, lần đầu tiên 16 bảo tàng, di tích trọng điểm thuộc Bộ VH-TT-DL như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội… và TP.Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút du khách, du lịch. Theo biên bản này, các đơn vị không chỉ phối hợp giới thiệu các sự kiện phục vụ công chúng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, mà còn nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan; đào tạo, nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ truyền thông; xây dựng các chương trình riêng phục vụ khách du lịch; dùng tờ rơi, tờ gấp, poster… để quảng bá, giới thiệu.
Cũng đi theo cách làm phối hợp giữa các địa điểm di tích, bảo tàng, đầu năm 2017, Bảo tàng Lịch sử quân sự VN đã mở cửa thông sang Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, kết nối du khách giữa hai địa điểm. Hay di tích Nhà tù Hỏa Lò kết nối với Bảo tàng Phụ nữ VN, cùng làm voucher khuyến mãi, nếu du khách đến 1 địa điểm sẽ được nhận voucher giảm 30 – 50% phí các dịch vụ, phí tham quan… của điểm còn lại.
Đa dạng các hoạt động
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho rằng: “Chuyển sang kinh tế thị trường, các bảo tàng công lập tự chủ phần nào tài chính, buộc các bảo tàng phải chủ động hơn trong hoạt động. Một số bảo tàng “ăn nên làm ra”, tự bươn chải và đủ tự tin bước vào thương trường, thu hút được đông đảo công chúng”. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang thực hiện các hoạt động: biểu diễn nghệ thuật múa rối nước, quầy lưu niệm bảo tàng, tổ chức cuộc thi đố em có thưởng cho các chương trình Em yêu Sử Việt, Em là thuyết minh viên bảo tàng, thuyết minh tiếng Anh Welcome to History Museum… nhằm thu hút các đối tượng là các thiếu nhi và gia đình. Theo ông Tuấn, riêng 6 tháng đầu năm 2017, khách tham quan bảo tàng đạt 200.000 lượt.
Để hấp dẫn du khách, Bảo tàng TP.HCM bên cạnh phần trưng bày “tĩnh” còn thực hiện thường xuyên phần không gian trình diễn sinh động với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ và đặc biệt là tạo cơ hội để khách tham quan được giao lưu, trao đổi và tham gia vào các phần trình diễn ấy. Bảo tàng cũng hướng tới việc hiện đại hóa trưng bày để tạo ra một không gian mới mẻ và hấp dẫn, đồng thời xây dựng hệ thống tra cứu thông tin điện tử để mang lại một môi trường học tập, nghiên cứu, tự khám phá bằng cách đẩy mạnh công tác marketing…