Có vấn đề nên mới ‘cấm cửa’ báo chí?
Việc các cơ quan truyền thông bị hạn chế hoặc không được mời tham dự các cuộc họp tổng kết, hoặc các cuộc thảo luận của cơ quan công quyền diễn ra gần đây là hiện tượng đáng quan tâm.
Có vấn đề nên mới ’cấm cửa’ báo chí?
Việc các cơ quan truyền thông bị hạn chế hoặc không được mời tham dự các cuộc họp tổng kết, hoặc các cuộc thảo luận của cơ quan công quyền diễn ra gần đây là hiện tượng đáng quan tâm.
Một buổi họp báo do Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức – Ảnh: N.Khánh |
Các cơ quan truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, bởi đây là những kênh thông tin chính thức và mang tính phổ biến nhất trong xã hội. Không có các cơ quan truyền thông hoặc các cơ quan truyền thông bị hạn chế trong việc thông tin, phổ biến những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước thì người dân sẽ không thể biết và hiểu được quan điểm, hành động của các định chế công, do đó họ cũng sẽ không có được cách ứng xử phù hợp trước các vấn đề ấy.
Chẳng hạn, gần đây có nhiều vấn đề liên quan đến môi trường như chuyện của Formosa, hay mới đây là việc Bộ Tài nguyên và môi trường cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nhấn chìm gần 1 triệu m³ “vật chất” xuống biển.
Đây là những vấn đề mà rõ ràng người dân cần phải được thông tin rộng rãi và chính xác về lý do, cũng như những đánh giá về các hậu quả có thể xảy ra với môi trường biển. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho chính các bên có liên quan vì người dân sẽ biết, hiểu được các lý do cũng như tính hợp lý của các quyết định ấy. Khi người dân biết, hiểu thì họ sẽ ủng hộ và việc làm của các bên liên quan sẽ trở nên dễ dàng hơn là giấu kín hoặc thông tin không đầy đủ.
Mặt khác, các cơ quan công quyền bắt buộc phải cho dân chúng được biết các thông tin và hoạt động của mình qua truyền thông. Lý do là các cơ quan này hoạt động, vận hành dựa trên sự uỷ nhiệm của người dân, những vấn đề mà các cơ quan này giải quyết và xử lý cũng là những vấn đề liên quan đến người dân (người dân ủy quyền và cấp kinh phí cho các hoạt động của các định chế công thông qua tiền thuế của mình).
Người dân phải được biết những người, những định chế mà họ uỷ quyền và nuôi dưỡng ấy hoạt động như thế nào, có hiệu quả hay không. Quyền được biết và giám sát các hoạt động công là một trong những quyền của người dân.
Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội đang và sẽ có sự đa dạng về các kênh thông tin và truyền thông như hiện nay, nếu báo đài bị hạn chế trong việc cung cấp thông tin thì chắc chắn những kênh thông tin phi chính thức khác như mạng xã hội sẽ thay thế việc này.
Nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến những hệ luỵ không đáng có, bởi các kênh thông tin phi chính thức thường truyền tải những thông tin chưa kiểm chứng nên sẽ dẫn đến cách hiểu không chính xác về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội mà dân chúng quan tâm.
Nói cách khác, các cơ quan truyền thông chính thống rất cần thiết cho hoạt động công. Bản thân báo đài không phải là vật cản gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan công quyền. Cái vật cản, cái gây khó khăn là những hạn chế, yếu kém của chính các cơ quan công quyền và đây mới là cái cần hạn chế, chứ không phải là các cơ quan truyền thông.
Có vấn đề nên mới cấm? Một số cơ quan công quyền đưa ra lý do “cấm cửa” báo chí là vì đảm bảo bí mật, riêng tư… Tuy nhiên, một số cuộc họp, hội nghị thực ra chẳng có gì phải bí mật, riêng tư. Điển hình như hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Tài nguyên và môi trường, đây là hội nghị đánh giá tình hình hoạt động của ngành và đề ra các chủ trương, giải pháp trong thời gian tiếp theo, chẳng có gì bí mật nhưng cũng “cấm cửa” báo chí. Lẽ ra với các hội nghị như thế này cần phải chủ động mời báo chí đưa tin, phản ánh, tuyên truyền càng sâu rộng càng tốt. Các cơ quan công quyền vẫn có những cuộc họp kín (không có báo chí tham dự) và đây là điều bình thường. Cái bất thường là nhiều cuộc họp chẳng có gì bí mật như tổng kết, sơ kết mà cũng “cấm cửa” truyền thông. Thêm vào đó, trước đây báo chí vẫn được mời khi các đơn vị này tổ chức các cuộc họp, hội nghị tương tự, cho nên dư luận dễ có suy nghĩ có vấn đề khuất tất, không minh bạch nên mới cấm. |