12/01/2025

Không bán cát ra ngoài tỉnh, có ‘ngăn sông cấm chợ’?

Tình hình thiếu cát phục vụ xây dựng khiến một số tỉnh phải “chắt chiu” lượng cát bằng cách… cấm hoặc có chủ trương không bán ra ngoài tỉnh. Liệu cách làm này có đúng pháp luật?

 

Không bán cát ra ngoài tỉnh, có ‘ngăn sông cấm chợ’?

 Tình hình thiếu cát phục vụ xây dựng khiến một số tỉnh phải “chắt chiu” lượng cát bằng cách… cấm hoặc có chủ trương không bán ra ngoài tỉnh. Liệu cách làm này có đúng pháp luật?

 

 

 

Không bán cát ra ngoài tỉnh, có 'ngăn sông cấm chợ'?
Cát từ các tỉnh tập kết tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM để phục vụ các công trình xây dựng – Ảnh: Q.ĐỊNH

Việc không bán cát ra ngoài tỉnh được thực hiện mỗi nơi một cách khác nhau. Có địa phương tỏ ra “cứng rắn” với lệnh cấm bằng văn bản nhưng cũng có tỉnh “mềm dẻo” và chỉ dừng lại ở chủ trương.

Cấm và tạm cấm

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản nêu rõ trên địa bàn tỉnh đang cần một lượng cát rất lớn để phục vụ hoạt động xây dựng các công trình thiết yếu, nhưng trữ lượng các mỏ cát xây dựng lại rất hạn chế.

“Để đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình, yêu cầu các cơ quan chức năng không được làm thủ tục để vận chuyển cát xây dựng ra khỏi địa bàn tỉnh” – chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.

 

Tỉnh Bình Định còn giao Sở Tài nguyên – môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cũng như bán cát xây dựng.

“Doanh nghiệp nào thực hiện không đúng theo giấy phép khai thác, xuất bán cát ra ngoài tỉnh thì Sở Tài nguyên – môi trường tham mưu đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác, không gia hạn giấy phép khi hết hạn” – văn bản của UBND tỉnh Bình Định nêu.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc dư luận cho rằng Bình Định cấm xuất bán cát ra ngoài tỉnh là “ngăn sông cấm chợ”, ông Trần Châu – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – nói thời gian qua do một số tỉnh phía Nam khan hiếm cát, các doanh nghiệp được tỉnh cấp phép cho khai thác cát đem bán ra ngoài tỉnh để thu lợi nhuận cao, gây ra cơn sốt về giá cát.

“Tỉnh chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát để phục vụ xây dựng các công trình trong tỉnh. Sông ở Bình Định nhỏ, cát ít, sản lượng khai thác hằng năm chỉ 1-2 triệu m3, không dám khai thác nhiều hơn vì sợ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Chỉ khi nào mình dư cát xây dựng mà cấm bán thì mới gọi là “ngăn sông cấm chợ”, tỉnh còn thiếu thì không cho xuất bán là hợp lý” 
- ông Châu giải thích.

Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng có văn bản yêu cầu tạm dừng việc xuất bán cát ra ngoài tỉnh, chờ ý kiến của Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên – môi trường) rồi mới xem xét.

Ông Đào Mỹ – chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Phú Yên – cho biết các mỏ cát ở Phú Yên được cấp phép chỉ định khai thác để phục vụ các công trình xây dựng trong tỉnh, chưa có mỏ cát nào được tổ chức đấu thầu cho khai thác để làm cát hàng hoá.

“Mình không bế quan tỏa cảng, nhưng phải đánh giá là trữ lượng cát còn lại có nhiều không, trên cơ sở đó quy hoạch rõ khu vực nào được khai thác. Nếu có quy hoạch các mỏ cát để xuất bán đi ngoài tỉnh thì phải tổ chức đấu giá công khai, minh bạch” 
- ông Mỹ nhấn mạnh. 

Không bán cát ra ngoài tỉnh, có 'ngăn sông cấm chợ'?
Khai thác cát trên sông Tiền (đoạn thuộc tỉnh Đồng Tháp) – Ảnh: B.Đấu

Ưu tiên cát cho dự án, công trình trong tỉnh

Tại cuộc họp về hạ tầng giao thông tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, một lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh có 36 mỏ cát nhưng đóng gần hết, chỉ còn xem xét cho 6 mỏ hoạt động. Thiếu cát nên giá cát tăng đột biến, nhiều công trình ách tắc.

Theo vị lãnh đạo này, trước mắt tỉnh có chỉ đạo không cho xuất cát ra ngoài tỉnh, chỉ tập trung cho các công trình trong tỉnh.

Còn tại An Giang, theo ông Vương Bình Thạnh – chủ tịch UBND tỉnh, hiện tình hình mất cân đối nguồn cát khiến hàng trăm công trình, dự án từ tỉnh đến huyện phải ách tắc, trì trệ.

Vài tháng nay lãnh đạo tỉnh phải yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh ưu tiên trước nhất cho các công trình của tỉnh.

“Đâu có cơ sở nào cấm doanh nghiệp bán cát ra ngoài, tỉnh chỉ yêu cầu ưu tiên nguồn cát cho các dự án, công trình của tỉnh thôi. Hoạt động theo cơ chế thị trường thì không thể cấm được” – ông Thạnh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hoàng Tựu – phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – cũng cho rằng việc yêu cầu không xuất cát ra ngoài tỉnh chỉ là chủ trương chứ không có văn bản nào quy định.

“Hiện trữ lượng cát của tỉnh khai thác vài năm nữa là hết. Thực tế là các dự án như khu công nghiệp, dự án cao tốc, các công trình dân sinh trong tỉnh sắp tới cần có cát san lấp nên tỉnh phải ưu tiên chứ không phải tỉnh ngăn sông cấm chợ” – ông Tựu nói thêm.

Luật sư Trương Thanh Đức (trọng tài viên Trung tâm 
Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC):

Cản trở quyền kinh doanh

Theo quy định Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, nếu không phải lĩnh vực cấm kinh doanh thì không được ngăn cản.

Trong trường hợp là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì phải xem điều kiện đó có hợp lý không, điểm quan trọng nhất là chính quyền địa phương không được đặt ra điều kiện, đó là thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội.

Đối với lĩnh vực cát xây dựng, được xem là tài nguyên, hạn chế không xuất khẩu ra nước ngoài, không sử dụng lãng phí là cần thiết, nhưng muốn đặt ra những yêu cầu như hạn chế kinh doanh thì phải luật hoá.

Nếu đưa ra những quy định không phù hợp có thể làm rối loạn thị trường, đẩy giá lên cao.

Luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa):

Tùy quy định của giấy phép

Cần phải xem xét kỹ các giấy phép được cấp cho doanh nghiệp khai thác cát để phục vụ mục đích gì.

Nếu cấp phép để khai thác cát phục vụ công trình cụ thể trong tỉnh mà doanh nghiệp đem bán cho nơi khác thì vi phạm. Trong trường hợp này tỉnh cấm doanh nghiệp bán ra ngoài tỉnh là đúng.

Còn nếu giấy phép cho phép khai thác cát mà không quy định là phải phục vụ cho công trình nào, cho địa phương nào thì việc mua bán giữa các doanh nghiệp với nhau trên toàn quốc là bình thường theo Luật doanh nghiệp.

Cát cũng là một loại hàng hóa trên thị trường, có cung và có cầu, nếu tỉnh ra lệnh cấm xuất bán là không đúng 
quy định pháp luật.

N.AN – D.THANH ghi

D.THANH – B.ĐẤU – H.NGUYỄN – C.QUỐC