Báo động đỏ ô nhiễm tiếng ồn!
Gần đây trên các bảng quang báo điện tử trên đường phố TP.HCM đã xuất hiện nhiều chỉ số báo động ô nhiễm về bụi và tiếng ồn đang ở mức “màu đỏ”, cho thấy ô nhiễm tiếng ồn đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn.
Báo động đỏ ô nhiễm tiếng ồn!
Gần đây trên các bảng quang báo điện tử trên đường phố TP.HCM đã xuất hiện nhiều chỉ số báo động ô nhiễm về bụi và tiếng ồn đang ở mức “màu đỏ”, cho thấy ô nhiễm tiếng ồn đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn.
Mất ăn mất ngủ vì ồn
Tại vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), từ 7h sáng, lượng xe cộ qua lại khu vực này đông nghẹt. Từ trên cầu vượt, âm thanh xe chạy rầm rập, tiếng còi xe inh ỏi. Dưới mặt đường, xe máy, ôtô chen chúc nẹt pô và bấm còi inh ỏi.
Tương tự, tại vòng xoay Điện Biên Phủ (Q.1), xe cộ nườm nượp đổ về từ nhiều hướng, tiếng động cơ xe máy, tiếng còi đinh tai nhức óc. Trong khi đó, một vài quán ăn trên đường Hoàng Sa, Trường Sa mở nhạc từ sáng sớm, những chiếc loa công suất lớn phát nhạc liên tục làm người dân lắc đầu ngán ngẩm. Hàng chục cửa hàng gần đó đặt loa hướng ra đường để quảng cáo rất ồn ào.
Tại nút giao ngã tư An Sương, dù buổi trưa lượng xe lưu thông qua đây vẫn đông đúc; xe máy, xe buýt, ôtô nối đuôi nhau bấm còi xe vang động giành đường đi. Tại ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp) đang thi công nhánh thứ 2 của cầu vượt chữ Y, “lô cốt” dựng giữa đường nên nhiều xe thi nhau giành đường, bấm còi liên tục.
8 triệu là số xe máy, ôtô tại TP.HCM tính đến tháng 6-2017 |
Chị Nguyễn Thị Thuỳ – người kinh doanh trên đường Điện Biên Phủ (Q.1) – lắc đầu ngao ngán vì đã chịu đựng tiếng ồn hàng chục năm qua. Hằng ngày, xe cộ cứ tấp nập đi qua, người dân sống ở đây phải chịu cảnh sống chung với tiếng ồn từ sáng sớm đến tối khuya. Chị Thuỳ vẫn luôn bị ám ảnh bởi những đêm không thể chợp mắt vì tiếng ồn từ xe cộ và các cửa hàng mở loa nhạc vang vọng cả đêm.
“Dù đã lắp cửa sổ, làm tường cách âm nhưng vô ích vì âm thanh vẫn len lỏi vào nhà khiến cả gia đình ăn không ngon, ngủ không yên” – chị Thuỳ nói.
Rất nhiều người dân phải đóng cửa nhà cả ngày để hạn chế khói bụi và tiếng ồn.
Anh Nguyễn Vĩnh An – một người dân sống trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) gần vòng xoay Hàng Xanh – bày tỏ: “Mẹ tôi năm nay 60 tuổi thường xuyên mất ngủ vì tiếng ồn, sức khoẻ sa sút. Con trai cũng than thở không thể tập trung làm bài tập được. Tôi buộc phải đóng cửa nhà cả ngày. Thậm chí một vài gia đình còn phải bán nhà, dọn đi nơi khác sinh sống vì quá ồn”.
Những chiếc loa công suất lớn gây đinh tai nhức óc được những người hát rong bán dạo sử dụng để thu hút người nghe trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Giải pháp nào?
Theo ông Đoàn Văn Tấn – phó giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị quản lý bảng thông tin giao thông điện tử, TP.HCM có nhiều điểm có độ ồn ở mức đỏ vượt chuẩn cho phép.
Theo quy chuẩn Việt Nam của Bộ TN-MT, tiếng ồn bằng 70 dBA trở xuống là trong mức tiêu chuẩn, trong khi tại 14 điểm quan trắc tiếng ồn ở TP.HCM ghi nhận có đến 8 vị trí tiếng ồn vượt tiêu chuẩn. Những điểm này phần lớn nằm trên các trục đường chính và ở các giao lộ có cầu vượt với số lượng xe lưu thông đông đúc như giao lộ ngã tư An Sương (Q.12, huyện Hóc Môn) và ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp)…
Theo ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở GTVT, đến giữa tháng 6-2017, số lượng xe máy và ôtô tại TP.HCM đã hơn 8 triệu chiếc, dẫn đến tình trạng quá tải của cầu, đường do hạ tầng chưa đáp ứng và làm tăng thêm ô nhiễm môi trường về bụi và tiếng ồn. Trước mắt, sở sẽ họp bàn với Sở TN-MT tìm các biện pháp khắc phục tiếng ồn tại các vị trí đã quan trắc.
Đề xuất cần kết hợp nhiều biện pháp để giảm tải tiếng ồn, PGS.TS Phùng Chí Sỹ – phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – cho rằng đối với xe cộ, cần kiểm tra định kỳ chất lượng máy móc, những xe nào có tiếng ồn cao quá thì yêu cầu phải có biện pháp để giải quyết (như lắp hệ thống giảm âm).
Ngoài ra, có thể trồng cây xanh để hút tiếng ồn và bụi, kết hợp với các phương án phân luồng giao thông hợp lý để điều tiết lượng xe, hạn chế tốc độ để giảm tiếng ồn.
Nguồn: Số liệu do Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường TP.HCM đo tháng 5-2017 – Đồ hoạ: Như Khanh |
Bác sĩ Đặng Duy Phương (phó phòng nghiên cứu khoa học Viện Tim TP.HCM): Tiếng ồn gây nhiều bệnh
Theo nhiều nghiên cứu, người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi gây ra bệnh tật. Khi bị mất ngủ, stress kéo dài, cơ thể sẽ bị suy yếu, nguy cơ tăng huyết áp, loét bao tử, rối loạn tâm thần cao. Nghiêm trọng hơn, nếu sống ở khu vực có tiếng ồn thời gian quá lâu có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng đến tính mạng. Người đang điều trị bệnh mà sống nơi ồn ào, ô nhiễm thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn, thậm chí không bình phục. |
Hà Nội cũng “đỏ” không kém Một đợt khảo sát tiếng ồn tiến hành ở Hà Nội năm 2015 cũng cho thấy ba con đường có lưu lượng xe lớn là Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm), Giải Phóng (Q.Hoàng Mai) và Nguyễn Văn Linh (Q.Long Biên) đều có tiếng ồn trên mức báo động. |