Lễ hội chọi trâu: xã hội hiện đại không khuyến khích bạo lực
Một số người nước ngoài đang sống ở Việt Nam chia sẻ quan điểm khác nhau về lễ hội chọi trâu sau sự cố trâu húc chết chủ ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) vừa qua.
Lễ hội chọi trâu: xã hội hiện đại không khuyến khích bạo lực
Một số người nước ngoài đang sống ở Việt Nam chia sẻ quan điểm khác nhau về lễ hội chọi trâu sau sự cố trâu húc chết chủ ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) vừa qua.
Ông John Lim |
Ông JOHN LIM (người Singapore): Đừng để động vật giết nhau cho con người giải trí
Theo quan điểm của tôi, lễ hội chọi trâu nên bỏ đi. Xã hội hiện đại không nên giữ những truyền thống khuyến khích bạo lực và tính dã man dưới bất kỳ hình thức nào.
Chúng ta không nên để động vật làm tổn thương hay giết nhau cho chúng ta giải trí. Trong trường hợp này, trâu lại là loài vật có ích cho nhà nông. Chúng ta nên dành sự tôn trọng và đối xử tử tế với chúng.
Giữ gìn truyền thống không phải là lý do để chúng ta cứ giữ mãi những giá trị không còn phù hợp với thời đại nữa. Chúng ta phát triển theo thời gian.
Chúng ta đã bỏ đi nhiều niềm tin dị đoan khi đã có được kiến thức mới, vậy không nên khư khư giữ những truyền thống gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho cả con người và động vật. Một ví dụ điển hình là việc bãi bỏ xiếc thú đang được nhiều người trên toàn thế giới ủng hộ.
Cũng có ý kiến cho rằng những lễ hội này vốn chỉ được tổ chức trong địa phận làng xã, nhưng truyền thông và du khách đã góp phần đưa những hình ảnh mà nhiều người cho là bạo lực đó ra rộng rãi công chúng. Tôi không nghĩ như vậy.
Bạo lực và sự tàn bạo dưới bất cứ hình thức nào cũng cần phải được dừng lại. Dù diễn ra công khai với cộng đồng hay ở khuất đâu đó trong các làng xã thì việc những giá trị sai được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không hay chút nào.
Ngoài ra, tôi nghĩ việc công nhận lễ hội này là di sản phi vật thể cấp quốc gia cũng đáng suy nghĩ. Tôi sợ rằng điều này có nghĩa bạn đang nói với mọi người rằng chúng ta đang đúng khi lấy nỗi đau của những con vật tội nghiệp kia làm niềm vui.
Lễ hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha cũng bị cả thế giới lên án vì tính tàn bạo của nó.
Ở Singapore thời điểm thập niên 1960 và đầu 1970, chúng tôi từng có chọi cá, chọi gà, chọi chó. Tuy nhiên, tất cả đã bị dẹp bỏ khi chính phủ ban hành luật chống lại việc đối xử tàn bạo đối với động vật, trong đó bao gồm việc làm hại đến mèo, chó, chim… Bất cứ ai bị bắt gặp làm như vậy sẽ bị phạt và thậm chí bị ở tù.
Xiếc thú từng là một nghệ thuật và được tổ chức ở nhiều quốc gia, nhưng khi biết về sự tàn ác trong quá trình huấn luyện động vật, chúng tôi đã quyết định từ bỏ nó. Chúng tôi không thích tận hưởng giải trí bằng sự chịu đựng của những con vật đó.
Chính phủ cần hướng người dân đến việc đối xử đúng đắn với loài vật. Việt Nam đang ngày càng tiến bộ hơn, người dân cũng phải thay đổi suy nghĩ của mình. |
Ông AUBREY F. (người Hi Lạp): Chọi trâu quá dã man
Theo tôi, Việt Nam nên cân nhắc bỏ các lễ hội địa phương mang tính chất man rợ như chọi trâu. Tôi từng xem vài video đăng tải trên mạng về lễ hội này và cảm thấy rùng mình. Khung cảnh tại đây khá lộn xộn và nhếch nhác, khiến du khách chúng tôi không có thiện cảm và cũng không có ý định tham quan.
Tại Tây Ban Nha, lễ hội đấu bò tót từ lâu đã trở thành nét văn hoá gắn liền với quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức bảo vệ động vật đã lên tiếng phản đối lễ hội.
Động vật cần môi trường sống yên lành, sạch sẽ và cần được bảo vệ. Bạn chọc cho chúng nổi điên lên và tham gia cuộc vui của bạn, sau đó lại kết liễu hoặc bỏ mặc chúng chết trong đau đớn một cách hết sức tàn nhẫn. Tôi thấy điều này chẳng có gì hay ho.
Bên cạnh đó, khác với Tây Ban Nha, lễ hội chọi trâu chưa bao giờ được nhắc đến trong những nét độc đáo về văn hoá để thu hút khách du lịch của Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam có nhiều biểu tượng văn hoá và du lịch nổi tiếng và rất văn minh như nhã nhạc cung đình, nhà thờ Đức Bà, múa rối nước…
Vì vậy, việc bỏ lễ hội này không ảnh hưởng gì đến phát triển du lịch hay văn hóa.
Ông MARK YOUNG (người Úc): Nên chú trọng tính an toàn
Có ít nhất hai loại hình giải trí dành cho con người nhưng tàn nhẫn với động vật đang tồn tại ở Việt Nam mà tôi biết là chọi trâu và đá gà. Nhưng không phải chỉ Việt Nam mới có chuyện này.
Tại Úc, việc săn heo rừng khá phổ biến, và những người thợ săn sử dụng chó để săn mồi. Trong khi đó, châu Phi có Big Game Hunting để săn những con vật hoang dã lớn, còn ở Anh người ta cũng dùng chó để đi săn cáo.
Nói một cách công bằng, tôi thấy có nhiều khía cạnh tích cực của lễ hội chọi trâu. Thứ nhất nó mang cộng đồng lại với nhau, mang niềm vui và sự hưởng thụ đến cho những người có cuộc sống cực nhọc.
Lễ hội chọi trâu là sinh hoạt truyền thống của địa phương, mỗi năm một lần những người nông dân dành thời gian nghỉ ngơi và hòa mình vào lễ hội với cộng đồng địa phương và du khách.
Thứ hai, nó mang lại nguồn thu du lịch cho địa phương, đem lại thu nhập cho người dân địa phương, các nhà tổ chức tour du lịch, các khách sạn, nhà hàng… Đó cũng là dịp cho người dân địa phương gặp gỡ người ngoài.
Năm 2013, Việt Nam đã công nhận lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này thừa nhận tầm quan trọng về mặt văn hóa của các sự kiện như thế này…
Tuy nhiên, an toàn là trên hết. Những loại hình như chọi trâu vốn rất nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn khủng khiếp và trường hợp người bị trâu húc chết vừa qua thật bi thảm. Do vậy các nhà tổ chức và cán bộ quản lý cần phải bàn bạc kỹ lưỡng để đảm bảo sự an toàn của người tham gia và khán giả.