Không thể lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thẳng thắn trao đổi với Tuổi Trẻ về một số dư luận nổi lên gần đây xung quanh vấn đề “quân đội làm kinh tế”, “đất quốc phòng”… gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
Không thể lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thẳng thắn trao đổi với Tuổi Trẻ về một số dư luận nổi lên gần đây xung quanh vấn đề “quân đội làm kinh tế”, “đất quốc phòng”… gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Lê Kiên |
Có một điều tôi nhấn mạnh, muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế đất nước là một ví dụ. |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh |
Ông nhấn mạnh:
– Nếu chỉ nói rằng “quân đội làm kinh tế” không thôi thì không phản ánh bản chất của việc quân đội tham gia làm kinh tế. Quân đội tham gia làm kinh tế, trước hết phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội đất nước, phải nói như vậy mới đầy đủ.
Ngay từ khi mới thành lập quân đội, Bác Hồ đã dạy rằng quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Mỗi thời kỳ có mô hình khác nhau, có mức độ khác nhau, quân đội tham gia lao động sản xuất theo điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
Giảm từ 88 xuống còn 17
* Cụ thể hiện nay quân đội làm kinh tế ra sao?
– Trước hết đó là các xí nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm quốc phòng, vũ khí và trang bị quốc phòng.
Đất nước ta còn nghèo, lại luôn có những nguy cơ rình rập, quân đội phải mạnh để đảm bảo hòa bình cho đất nước, sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống nên việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ chiến lược của cả nước, trong đó tiềm lực về công nghiệp quốc phòng, vũ khí trang bị là vô cùng quan trọng, với phương châm tự lực tự cường là chính.
Đó chính là hệ thống công nghiệp quốc phòng, các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng mạnh, tiến lên hiện đại, thường xuyên nâng cao trình độ khoa học công nghệ, từng bước tự chủ về tài chính để giảm gánh nặng cho nền kinh tế đất nước. Những công việc ấy, quốc phòng không làm thì ai làm?
Sản xuất quốc phòng có đặc thù của nó. Các nhà máy của quân đội không làm ra hàng loạt sản phẩm quân sự rồi cất vào kho chuẩn bị cho chiến tranh, mà phải luôn duy trì, cải tiến, sáng tạo công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quốc phòng. Việc duy trì các hoạt động kinh tế là để đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng của các đơn vị này.
Ví dụ về khối lượng sản phẩm, trong thời bình chỉ sản xuất một lượng vừa đủ để sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện, còn khi có chiến tranh ta phải đủ khả năng sản xuất gấp mười, gấp trăm khối lượng ấy.
* Trong thời bình, số lượng máy móc thiết bị, công nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật ấy dùng để làm gì, thưa ông?
– Chúng ta dùng vào việc sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng để cung cấp cho nền kinh tế, vừa tự chủ về tài chính vừa có điều kiện hiện đại hoá dây chuyền trang thiết bị, nhưng cái quan trọng nhất là trui rèn tay nghề, trình độ của cán bộ công nhân, giữ họ lao động sản xuất lâu dài với quân đội.
Trong thời bình vấn đề này quan trọng lắm, vì thử hỏi ta có trang bị hiện đại đến mấy mà cán bộ, chuyên gia bỏ sang làm chỗ khác, thợ không làm quen với máy móc, không có cuộc sống ổn định – vậy khi có yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu thì sao?
Nhưng làm được việc ấy bây giờ cũng khó, vì đã nói đến thị trường là phải nói đến chất lượng, đến cạnh tranh, đến những khó khăn rất riêng của nền kinh tế nhiều thành phần. Thế mà đến nay, đại đa số nhà máy công nghiệp quốc phòng đều tự chủ được về tài chính, duy trì số lượng công nhân, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật.
Bạn đã đến thăm một vài xí nghiệp như thế này chưa? Hãy đến với anh chị em công nhân quốc phòng, hãy xem họ lao động như thế nào thì mới thấy hết khó khăn, vất vả của họ.
Thứ hai là các đoàn kinh tế quốc phòng. Từ khoảng những năm tám mươi của thế kỷ trước, biên giới tạm yên, chúng ta rút quân từ hai đầu biên giới về, lúc đó mỗi chiều biên giới của ta có hàng chục sư đoàn, dân thì rút về tuyến sau, vậy là các đơn vị bộ đội ở lại biên giới giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, tạo dựng nơi định cư cho người dân mới đến, tham gia phát triển kinh tế – xã hội.
Trong hoàn cảnh ấy, hàng vạn chiến sĩ cất súng vào kho để cầm cuốc, cầm cày tham gia lao động sản xuất – trồng cao su, cà phê, bảo vệ rừng… Chính các đơn vị này hiện nay vẫn bám trụ biên giới, cùng với nhân dân lao động sản xuất và canh giữ biên cương của Tổ quốc.
Khi đất nước có biến, họ sẽ là những người đầu tiên mở kho lấy súng bảo vệ Tổ quốc. Đấy chính là kinh tế kết hợp với quốc phòng.
Quân đội làm những nhiệm vụ ấy trong môi trường kinh tế thị trường, nên không thể đóng cửa, không thể tách rời việc lao động sản xuất quân sự với những đặc điểm của nền kinh tế thị trường – thế mới sinh ra doanh nghiệp quân đội, công ty quân đội.
Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, kiểm tra thường xuyên chặt chẽ, công tác cán bộ không được chú ý thì rất dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề này ở đâu cũng có, quân đội cũng phải cảnh giác, đề phòng và thực hiện tốt công tác quản lý giám sát trong lĩnh vực này. Không doanh nghiệp nào được làm những việc mà luật pháp không cho phép, ở đây không có ngoại lệ.
* Như vậy, để đảm bảo quân đội chỉ làm kinh tế quốc phòng thì tới đây số lượng doanh nghiệp thuộc quân đội phải giảm?
– Nói giảm đơn thuần là không chính xác, mà phải nói là quân đội chỉ giữ lại những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, đó là nhiệm vụ sản xuất trang bị vũ khí, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ cao, nhiệm vụ thực hiện công tác chính trị – tuyên truyền, nhiệm vụ ở Biển Đông, hải đảo, biên giới…, đồng thời tham gia hoạt động kinh tế lưỡng dụng – không có doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần.
Trước đây quân đội có hàng trăm doanh nghiệp, từ đầu khoá (Đại hội Đảng) XII đến nay, Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương thu hẹp dần, hiện nay là 88 và tới đây quyết tâm chỉ còn 17 doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước.
Các doanh nghiệp này đều đang trực tiếp sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, là những doanh nghiệp lớn, sản xuất tập trung, công nghiệp hiện đại và lưỡng dụng, với những cái tên tiêu biểu như Viettel, Tổng công ty Tân Cảng, Tổng công ty Bay trực thăng…
Tất nhiên, đây không phải là con số giới hạn, bởi nếu cần thì quân đội có thể báo cáo Chính phủ cho phép thành lập thêm hoặc giảm bớt, tuỳ tình hình nhiệm vụ quốc phòng.
Quyết tâm tới đây chỉ còn 17 doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước, trong đó có Tổng công ty Tân Cảng với thành viên tiêu biểu là Cảng Cát Lái (TP.HCM) – Ảnh: HỮU KHOA |
Tạm dừng chuyển đất quốc phòng sang làm kinh tế
* Thời gian qua có nhiều dư luận về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, với những dị nghị về đất quốc phòng làm kinh tế trong khi nhu cầu mở rộng sân bay bị hạn chế. Quan điểm của ông ra sao?
– Khoảng 10 năm trước, Thủ tướng cho phép quân đội được sử dụng đất trong thời gian nhàn rỗi, chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng để làm sân golf với điều kiện là khi có nhiệm vụ quốc phòng, có nhu cầu quốc phòng hoặc có chỉ thị của cấp trên thì thu hồi vô điều kiện. Đây là thoả thuận có tính nguyên tắc của Bộ Quốc phòng và chủ đầu tư.
Trên cơ sở này, chủ đầu tư đã đầu tư sân các golf Tân Sơn Nhất và Gia Lâm (Hà Nội). Cả hai dự án đều được các cơ quan chức năng nhà nước chấp thuận. Bộ Quốc phòng đã tiến hành kiểm tra và mời nhiều bộ, ngành, đại diện các cơ quan của Quốc hội cùng tham gia, khẳng định việc cấp phép cho các dự án trên là đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian qua Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng nhận thấy rằng việc để tồn tại hai sân golf Tân Sơn Nhất và Long Biên (Hà Nội) tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều không có lợi cho quân đội. Nên ngay từ đầu năm, bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trong hai sân golf như nhà hàng, khách sạn, khu biệt thự, căn hộ cho thuê…, chờ quyết định của cấp trên.
Khi vấn đề được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội, tập thể thường vụ Quân uỷ trung ương quyết định nếu Chính phủ lấy đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì quân đội sẵn sàng xử lý theo hướng thu hồi và bàn giao.
Việc thu hồi, bàn giao ra sao, vào thời điểm nào phụ thuộc vào quy hoạch, triển khai của Chính phủ, nhưng dứt khoát chỉ dành cho các công trình theo quy hoạch của Chính phủ và phục vụ trực tiếp cho Quốc phòng, không cho bất cứ doanh nghiệp nào tiếp tục thuê đất để kinh doanh ở đây.
Không chỉ sân golf Tân Sơn Nhất, và cũng chưa phải chờ đến khi có ý kiến của cấp trên, mà trong những năm qua quân đội đã đóng góp nhiều đất đai ở những vị trí có địa lợi về kinh tế để các địa phương sử dụng.
Ngay khu vực Tân Sơn Nhất, kể từ sau giải phóng đến nay quân đội đã chuyển giao cho địa phương gần 1.000ha (trong năm qua là gần 90ha để xây đường lăn, sân đỗ cho máy bay, nhà ga lưỡng dụng, hồ điều hoà, đường giao thông…).
Nồi canh có thể có vài con sâu Trên thực tế có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích, quân đội đã kiểm tra và xử lý nghiêm. Như trong một nồi canh có thể có một vài con sâu, việc sử dụng đất quốc phòng có thể bị lợi dụng để trục lợi cá nhân ở nơi nào đó, đơn vị nào đó, thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý mạnh mẽ, triệt để, căn cơ vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ có những chuyến đi thực địa để trực tiếp kiểm tra, xử lý. Chúng tôi cũng mong rằng dư luận báo chí, nhân dân nếu thấy những nơi, những việc làm không đúng pháp luật liên quan đến các đơn vị quốc phòng thì phản ánh kịp thời, Bộ Quốc phòng sẽ kiểm tra và khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh. |
* Thưa ông, tiến độ và kết quả của việc Bộ Quốc phòng “thanh tra toàn bộ đất quốc phòng tại TP.HCM” đến nay ra sao?
– Chắc là đã có sự nhầm lẫn từ người nói hoặc người nghe. Tôi khẳng định không có chuyện Bộ Quốc phòng chỉ đạo thanh tra toàn bộ đất đai quốc phòng (tại TP.HCM) như bạn nói. Hoạt động thanh tra phải tiến hành trên cơ sở luật pháp, dựa trên các lý do, kế hoạch được cơ quan chức năng đưa ra.
Chính xác là vừa qua Bộ Quốc phòng có chỉ đạo cho tất cả đơn vị trong toàn quân, các quân khu, quân binh chủng kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, vào các nhiệm vụ khác và đặc biệt là sử dụng vào nhiệm vụ kinh tế. Nếu đơn vị nào có vấn đề, sử dụng không đúng mục đích thì phải chấn chỉnh ngay, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm theo pháp luật và quy định của quân đội.
Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng đã có kết quả về việc kiểm tra toàn bộ đất đai của các đơn vị trong toàn quân ở tất cả địa bàn. Có thể nói cơ bản đất đai quốc phòng được quản lý theo đúng pháp luật, sử dụng đúng mục đích huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất và trong đó có một phần làm kinh tế.
* Vậy việc quản lý đất quốc phòng đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Chủ trương của Quân uỷ trung ương và Bộ Quốc phòng từ trước đến nay là: đất quốc phòng chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng như huấn luyện chiến đấu, xây dựng doanh trại, kho tàng, căn cứ, trận địa phòng thủ… Có một phần diện tích đất quốc phòng khi chưa sử dụng vào nhiệm vụ quốc phòng có thể được sử dụng cho mục đích kinh tế để nâng cao tiềm lực cho các đơn vị, cải thiện một phần đời sống của cán bộ, chiến sĩ.
Tuy nhiên Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng nhận thức rằng việc này cũng cần thực hiện chừng mực, có mức độ. Chính vì vậy thời gian qua Quân ủy trung ương có chủ trương tạm dừng việc chuyển đất quốc phòng sang làm kinh tế, vị trí nào cần làm thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng các mặt và phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Ở đây có một điều tôi nhấn mạnh, muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế đất nước là một ví dụ.
Nhưng phải khẳng định rõ ràng và dứt khoát, là quân đội chỉ làm kinh tế ở những lĩnh vực cần thiết, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng chủ trương lãnh đạo của Đảng và phải thực hiện đúng pháp luật, không có ngoại lệ.
Bên cạnh đó, quân đội cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết không để cho một số đơn vị, cá nhân lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm những việc phi pháp, trục lợi cá nhân, không đúng với chủ trương của Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng. Hay nói rộng hơn là quân đội phải có một tinh thần tích cực và chủ động cao nhất để thực hiện nghiêm, có hiệu quả về chỉnh đốn Đảng.
Tôi tin rằng các chủ trương, biện pháp mà Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng đã và đang chỉ đạo, toàn quân đang tích cực thực hiện sẽ nêu gương trong việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4, để quân đội luôn giữ được niềm tin của Đảng và nhân dân, luôn xứng đáng với danh hiệu “anh bộ đội Cụ Hồ”.
Bộ Quốc phòng quản lý đất quốc phòng với nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đất quốc phòng cũng là đất quốc gia, mọi công tác quản lý thực hiện theo đúng các quy định của luật pháp, không có ngoại lệ. Nhưng đất quốc phòng có đặc thù của nó, đó là phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, cũng như đất đô thị, đất rừng, đất nông nghiệp, công nghiệp… đều có đặc thù riêng. |
Theo thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, quân đội hiện nay có những doanh nghiệp đi đầu trong nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đáp ứng trước hết là nhu cầu phát triển quốc phòng, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội. Ông nói: “Đơn cử như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), nhờ có hoạt động kinh tế tốt nên đã đóng góp nhiều cho phát triển tiềm lực quốc phòng, đi đầu trong lĩnh vực công nghệ cao không chỉ cho quốc phòng, công nghiệp quốc phòng mà cho cả nền kinh tế quốc dân”. |