11/01/2025

Người miền Tây giờ cũng ít sanh

Năm năm trở lại đây, tỉ suất sinh (người miền Tây gọi là sanh) tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều giảm dần qua từng năm. Nhiều tỉnh báo động dân số đang ngày một già đi.

 

Người miền Tây giờ cũng ít sanh

Năm năm trở lại đây, tỉ suất sinh (người miền Tây gọi là sanh) tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều giảm dần qua từng năm. Nhiều tỉnh báo động dân số đang ngày một già đi.

 

 

 

Người miền Tây giờ cũng ít sanh
Các cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con – Ảnh: Quang Định

Việc sinh con muộn, khoảng cách giữa 2 lần sinh thưa là không nên vì có nguy cơ dẫn tới vô sinh rất cao. Lời khuyên phù hợp cho các cặp vợ chồng là nên nghĩ tới việc sinh con sớm, quyết định số con cần sinh với khoảng cách thời gian lý tưởng từ 3-5 năm

Ông Nguyễn Văn Tĩnh

Nhiều chi cục dân số – kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) ở các tỉnh nêu ra các con số rất đáng báo động…

Không đặt nặng mục tiêu giảm sinh

Theo thống kê từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Long An, dù số phụ nữ trong độ tuổi (15-49) vẫn liên tục tăng qua các năm, tuy nhiên tỉ suất sinh thô tại tỉnh này lại liên tục giảm trong những năm qua.

Theo tính toán tỉ suất sinh tự nhiên của Cần Thơ năm 2016 thì trong 1.000 dân có 12,26 trẻ được sinh ra, tỉ suất sinh tiếp tục giảm so với năm 2015.

 

Tại Tiền Giang, theo thống kê của Chi cục DS – KHHGĐ, trong khi mức sinh thay thế khi số con trung bình của một phụ nữ là 2,1 con thì tỉ lệ sinh con những năm gần đây đều giảm. Cụ thể, nếu như năm 2011 tỉ lệ sinh con ở mức 1,92 thì năm 2015 chỉ còn 1,88.

Còn ở An Giang, dân số năm 2016 toàn tỉnh có 2.160.952 người, chỉ tăng 3.200 người so với năm 2015. Mức tăng này thấp so với nhiều năm trước. Tỉ suất sinh năm 2016 chỉ đạt 16/1.000, so với năm 2015 vẫn giảm. Tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2016 giảm tiếp 0,01%. Nếu so với tổng suất sinh mỗi cặp vợ chồng 2 con theo pháp lệnh dân số là 2,03 con/cặp vợ chồng thì ở An Giang đạt dưới mức sinh đó, chỉ đạt 1,84 con/cặp vợ chồng.

Ông Nguyễn Văn Nành – chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP Cần Thơ – cho biết theo khuyến cáo của Tổng cục Dân số thì hiện nay mức sinh tự nhiên của các tỉnh khu vực ĐBSCL đã ở mức ổn định. Mức sinh thấp nên không đặt nặng mục tiêu giảm sinh như trước đây mà duy trì mức sinh ổn định, vì nếu giảm nhiều thì tỉ lệ dân số già ngày càng cao, gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Sinh giảm do thay đổi lối sống

Theo ông Nành, hiện nay vẫn chưa có cuộc điều tra khảo sát về nguyên nhân sinh ít, tuy nhiên “một phần nguyên do là các cặp vợ chồng hiện nay thường chỉ sinh một con, ngại sinh nhiều, khó khăn trong việc tìm nơi trông giữ trẻ, nuôi dạy trẻ, ảnh hưởng đến công việc làm…”.

Bà Lê Trần Thu Thuỷ, trưởng phòng kế hoạch – nghiệp vụ, Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang, cho rằng nguyên nhân sinh giảm một phần do công tác DS – KHHGĐ những năm gần đây thực hiện khá tốt. Hiện số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chọn sinh một con nhiều, trong khi tỉ lệ sinh con thứ ba thấp, số phụ nữ sinh đủ hai con cũng ít.

Trong khi đó, ông Văn Kim An – chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ An Giang – lo ngại với tình hình tổng tỉ suất sinh hiện tại thì hướng tới An Giang sẽ thuộc nhóm dân số già.

“Hiện tại chi cục đang làm chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và cũng đang làm đề án chăm sóc người già, xây dựng những nơi chăm sóc người cao tuổi để chuẩn bị cho hướng già hóa dân số” – ông An nói.

Một đặc điểm nữa là khu vực đô thị tuy có mật độ dân số cao nhưng tỉ suất sinh thấp hơn khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh – chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Kiên Giang – nhận định những năm gần đây, xu hướng sinh con của các cặp vợ chồng sinh sống ở các khu vực đô thị là sinh ít con và khoảng cách giữa 2 lần sinh cách nhau khá xa.

Không dám sinh do kinh tế khó khăn

Theo ông Tĩnh, lối sống của cư dân nói chung, cư dân đô thị nói riêng gần đây có nhiều thay đổi, nhịp sống nhanh hơn, mọi sinh hoạt, làm việc đều hối hả hơn trước rất nhiều. Chưa kể, với việc bùng nổ mạng xã hội, nhu cầu giao tiếp trực tiếp của con người cũng bị tác động nhất định.

Ở một góc nhìn khác, khá nhiều cư dân sinh sống tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết họ sinh ít con còn có nguyên nhân kinh tế khó khăn, nhất là những cặp vợ chồng nhập cư từ nhiều vùng quê khác nhau làm nghề tự do hoặc lao động phổ thông về TP ở.

Một phần nữa do các cặp vợ chồng đều là cán bộ công chức, họ chỉ sinh một con, ngại sinh nhiều khó khăn trong việc tìm nơi trông giữ trẻ, nuôi dạy ảnh hưởng đến việc làm.

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, xu hướng sinh ít con chưa hẳn đã tốt, vì phải tính toán tỉ lệ dân số tổng thể. Nếu tỉ lệ quá ít sẽ dẫn đến tình trạng dân số già, thiếu hụt nguồn lực lao động.

Lo chất lượng và sức khoẻ người dân

Mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã có cuộc làm việc với ngành y tế bàn về nghị quyết bảo vệ – chăm sóc sức khoẻ nhân dân và dân số trong tình hình mới, nghị quyết này sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị T.Ư 6 tới đây.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là chất lượng dân số, chất lượng dịch vụ chẩn đoán trước sinh, thăm khám tiền hôn nhân để giảm tỉ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng tuổi thọ bình quân và tuổi thọ khoẻ mạnh, tận dụng tối đa cơ cấu dân số vàng…

L.ANH

Tăng áp lực an sinh xã hội

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp đã cho thấy một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí rất lớn, nhưng hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại.

Già hoá dân số sẽ diễn ra rất nhanh, tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Mức sinh giảm thấp cũng dẫn đến sự suy giảm về quy mô dân số, nguồn nhân lực lao động, đặc biệt là lao động trẻ.

T.DƯƠNG

S.LÂM – T.LUỸ – K.NAM – B.ĐẤU