Người trẻ kể chuyện sử – Sử Việt 12 khúc tráng ca
Cả ngàn bạn trẻ đến dự hai buổi ra mắt sách như đi hội, hàng ngàn cuốn sách được đặt mua trước đó, những cuộc thi minigame, thảo luận sôi nổi trên diễn đàn The X File of History…, cuốn Sử Việt – 12 khúc tráng ca đã ra mắt ấn tượng như thế.
Người trẻ kể chuyện sử – Sử Việt 12 khúc tráng ca
Cả ngàn bạn trẻ đến dự hai buổi ra mắt sách như đi hội, hàng ngàn cuốn sách được đặt mua trước đó, những cuộc thi minigame, thảo luận sôi nổi trên diễn đàn The X File of History…, cuốn Sử Việt – 12 khúc tráng ca đã ra mắt ấn tượng như thế.
Hơn 500 chỗ ngồi của tòa nhà Thông tấn xã, TP.HCM – nơi ra mắt sách vào chiều 2-7 – được lấp kín, nhiều độc giả phải đứng tràn ra bên ngoài – Ảnh: Ngọc Mai |
Tác giả của cuốn sách gây chú ý đó lại là một bạn trẻ 8X lần đầu chấp bút.
Hẳn nhiên sự ồn ào không đơn giản chỉ là hiệu quả của một chiến dịch truyền thông được tổ chức bài bản.
Trên hết vẫn là tình yêu với sử Việt, hoá ra không nhạt mà mặn, không lạnh lùng, thờ ơ mà nồng nhiệt đầy sắc màu, khi mà sử Việt được kể lại theo đúng cách mà các bạn trẻ yêu thích.
Không hệ thống hoá một cách hàn lâm, nặng về sử liệu, thống kê như sách lịch sử chuyên môn, không tiểu thuyết hóa với hàng hàng lớp lớp nhân vật như tiểu thuyết lịch sử, tập sách nhỏ chỉ đơn giản định nghĩa cách tiếp cận của mình: kể chuyện lịch sử.
Và tác giả đã rỉ rả kể với các bạn của mình những câu chuyện, những nhân vật ấn tượng nhất trong quá trình mình đọc và nghiên cứu lịch sử, với cách nhận xét, đối chiếu, so sánh của riêng mình, cách lý giải những điểm mờ lịch sử bằng chính con mắt của mình, rút ra những bài học lịch sử bằng kinh nghiệm và nhu cầu của thời đại mình.
Không dẫn những số liệu về chiến thắng, với lợi thế là một kỹ sư, Dũng Phan dành đủ thời lượng phân tích để tìm ra phương pháp cắm cọc trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, kỹ thuật ròng rọc xây thành của Hồ Nguyên Trừng, phương án hành quân thần tốc của Quang Trung.
Không sa đà vào những giai thoại quen thuộc, những trận đánh được phân tích từ địa hình tới khí hậu, chiến lược, chiến thuật khiến người đọc mong muốn được xem thêm cả bản đồ; những đoạn miêu tả hấp dẫn không kém phim hành động như “trận Xích Bích Việt Nam” trên đầm Thị Nại; những đoạn phân tích khá thấu đáo về đạo làm vua, thuật trị nước của vua Lê Thánh Tông; những đối chiếu táo bạo, độc đáo chỉ ra những cái nhãn “ngoạ triều”, “bạo ngược” thiếu công bằng bị gán vào vua Lê Long Đĩnh…
“Tôi muốn mang đến cho bạn đọc tình yêu sử Việt” – Dũng Phan nói về mục đích viết sách của mình. Tình yêu lịch sử đất nước trên mỗi con chữ của cuốn sách này sẽ khiến người đọc yêu nhiều và nắm lại được chuỗi những chiến tích thấm máu hình thành nên dải đất hình chữ S. Nhưng đã yêu thì không thể thoả mãn. Gấp sách lại, các bạn trẻ sẽ lại đi tìm đến những bộ sách khác, từ tiểu thuyết dã sử đến chuyên khảo, nghiên cứu hàn lâm để đọc nhiều hơn nữa về sử Việt, để thêm hiểu dân Việt, thêm yêu nước Việt… |
Sách do nhãn sách Bão và NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: M.Thuỵ |
Khẳng định rằng “lịch sử không có đúng – sai”, nhưng nhìn bằng con mắt của thế kỷ 21, Dũng Phan không thể ngăn mình lại để thi thoảng bật ra:
“Giả sử có thể lùi lại 400 năm, sự Nho giáo kiệt hiệt của vua Minh Mạng thay cho những đổi mới vội vàng của Hồ Quí Ly thì có lẽ đất nước đã không bị hoạ xâm lăng của nhà Minh.
Còn trí tuệ đổi mới của Hồ Quí Ly, niềm đam mê kỹ thuật và toán học của cha con Hồ Nguyên Trừng gặp được kỹ nghệ phương Tây thế kỷ 19 thì có lẽ Việt Nam đã đi con đường rất khác”.
“Những anh hùng giỏi nhất Việt Nam chính là những người chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm.
Nhưng sự hưng thịnh về kinh tế, quân đội quốc gia, dưới sự trị vì của một vị lãnh đạo sáng suốt, tài năng, được người dân nể vì sẽ là vũ khí lớn nhất khiến những thế lực bên ngoài không dám dòm ngó…”.
12 khúc tráng ca không chỉ là bản hùng ca về những danh tướng mà người Việt nào cũng đã thuộc tên như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung; mà còn có cả những khúc trầm mặc cho Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo; có khúc bi ai cho Hồ Quí Ly; có khúc da diết cứa vào lòng người như khúc ca về các chúa Nguyễn, vua Nguyễn. |