11/01/2025

Cắt tài trợ, các dự án chống ngập ‘chết đứng’

TP.HCM đang phải tìm nguồn vốn mới cho dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên sau khi Ngân hàng Thế giới tại VN ngưng tài trợ 400 triệu USD vốn ODA cho dự án này.

 

Cắt tài trợ, các dự án chống ngập ‘chết đứng’

TP.HCM đang phải tìm nguồn vốn mới cho dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên sau khi Ngân hàng Thế giới tại VN ngưng tài trợ 400 triệu USD vốn ODA cho dự án này.

 

 

 

Cắt tài trợ, các dự án chống ngập 'chết đứng'
Người dân sống dọc kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình, TP.HCM) mong dự án sớm được triển khai để họ chỉnh trang nhà cửa, ổn định cuộc sống – Ảnh: Quang Khải

Các dự án này chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện nhưng làm như thế nào, nguồn vốn ra sao thì UBND TP đang giao các sở chức năng nghiên cứu, đề xuất

Ông Lê Văn Khoa (phó chủ tịch UBND TP.HCM)

Việc ngưng tài trợ này được thống nhất hồi tháng 6 vừa qua, khiến cho dự án mới đi một nửa chặng đường phải tạm dừng. Ngoài ra, dự án thành phần cải tạo kênh Hy Vọng chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị “chết đứng”.

Dự án được kỳ vọng 
bị cắt vốn

Dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được cho sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000ha của 8 quận, huyện.

Hiện dự án đã thực hiện xong giai đoạn 1, bao gồm: nạo vét bùn dưới đáy kênh ở độ sâu -3m, -4m, tạo đường giao thông (đất) dọc hai bên kênh.

Giai đoạn 2 của dự án dự kiến thực hiện nhiều hạng mục: xây kè mái đứng, mái nghiêng, làm đường giao thông (trải nhựa) dọc hai bên kênh; xây dựng 2 cống ngăn triều ở đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật); lắp đặt cống dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn (Q.Tân Phú) nhằm cải thiện ô nhiễm nước kênh…

Giai đoạn 2 này dự kiến thực hiện trong khoảng 2017-2020, nhưng chưa triển khai thì bị… cắt vốn.

Theo ông Trần Đăng Nghĩa – phó ban đầu tư xây dựng công trình (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP), việc chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất trước đây có nhiều dự án được đưa ra như: xây dựng hồ điều tiết bên trong sân bay; cải tạo mở rộng mương thoát nước A41.

Tuy nhiên, việc xây dựng hồ điều tiết mới chỉ là ý tưởng, còn việc mở rộng mương thoát nước A41 thì mới dừng lại ở công tác khảo sát hiện trạng. Vì vậy dự án cải tạo kênh Hy Vọng trước nay được xem là khả thi nhất trong các dự án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Cắt tài trợ, các dự án chống ngập 'chết đứng'
Dữ liệu: Quang Khải – Đồ họa: Tấn Đạt

Tìm nguồn vốn nào?

Để dự án cải tạo kênh Hy Vọng không đình trệ kéo dài, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chuyển sang sử dụng vốn ngân sách để thực hiện.

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng có quy mô cải tạo, mở rộng kênh với tổng chiều dài hơn 1,85km, tổng kinh phí là 488 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải tỏa đền bù gần 277 tỉ đồng. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cho rằng dù trước đây dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ thì phần chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư vẫn do địa phương chịu trách nhiệm – cũng là vốn ngân sách.

Do đó, đơn vị này kiến nghị UBND TP tiếp tục sử dụng ngân sách bù vào phần thiếu hụt khi Ngân hàng Thế giới ngừng tài trợ để dự án này được tiếp tục triển khai nhằm giải quyết không chỉ vấn đề thoát nước, chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn cho người dân sống dọc hai bên con kênh này.

Đối với giai đoạn 2 dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, ông Nguyễn Ngọc Công, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết có kinh phí thực hiện gần 10.000 tỉ đồng.

Theo ông Công, trong tình hình nguồn vốn ngân sách có hạn nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư khả thi hơn so với sử dụng trực tiếp vốn ngân sách.

Trong khi đó, một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP cho rằng đối với các dự án không có nguồn thu như dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên thì việc mời gọi, tìm nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế có quan tâm tới vấn đề chống ngập, môi trường cũng là việc ưu tiên xem xét.

Ông Trần Đăng Nghĩa cho rằng trong khi chờ nguồn vốn đầu tư tổng thể dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, để chống ngập vẫn có thể thực hiện trước hạng mục cống ngăn triều.

“Với 2 cống ngăn triều rạch Nước Lên và Vàm Thuật, ước tính khoảng 350 tỉ đồng/cống thì hiệu quả chống ngập sẽ phát huy tức thì” – ông Nghĩa nhận định.

Ngưng tài trợ vốn do vướng mắc trong giải toả đền bù

Trong thông báo về việc Ngân hàng Thế giới ngưng tài trợ dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, UBND TP.HCM cho biết thời gian qua ngân hàng này và UBND TP đã tìm kiếm các giải pháp giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, hai bên đồng thuận kết thúc tài trợ dự án.

Một cán bộ dự án cho biết dự án trên có hơn 3.000 căn nhà bị giải toả. Quá trình thực hiện giải toả, tái định cư phát sinh một số trường hợp khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, trong khi quan điểm, quy định trong xử lý vấn đề này giữa Ngân hàng Thế giới và UBND TP có một số điểm khác biệt.

QUANG KHẢI