Lấy sự tàn bạo của chọi trâu làm trò vui lễ hội?
Vụ việc trâu chọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng và tranh cãi giữ hay bỏ những lễ hội có tính bạo lực như chọi trâu đã nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả cũng như ý kiến các chuyên gia.
Lấy sự tàn bạo của chọi trâu làm trò vui lễ hội?
Vụ việc trâu chọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng và tranh cãi giữ hay bỏ những lễ hội có tính bạo lực như chọi trâu đã nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả cũng như ý kiến các chuyên gia.
Xẻ thịt trâu chọi để bán tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2015. Thịt trâu chọi có giá trung bình 1,5 triệu đồng/kg, riêng thịt trâu thắng trận có giá lên đến 7 triệu đồng/kg – Ảnh: TIẾN THẮNG |
Bên cạnh một vài ý kiến cho rằng không nên vì sự cố đáng tiếc trên mà bỏ lễ hội chọi trâu thì đại đa số độc giả đều đồng tình trong xã hội văn minh, hiện đại hiện nay không nên tiếp tục duy trì những lễ hội mang tính bạo lực như vậy.
Thật dã man, quá tàn nhẫn. Hãy dừng lại!
Có độc giả còn thẳng thắn chỉ ra rằng lễ hội chọi trâu không chỉ quá tàn ác, phản cảm mà bây giờ các lễ hội truyền thống đều nặng về vấn đề ăn thua, cá cược trá hình.
Ý kiến khác lại nói rằng chọi trâu không có tính nhân đạo. “Lễ hội chọi trâu là hành hạ động vật, mua vui cho con người bằng hình thức thúc ép các con vật lao vào tàn sát nhau chỉ để mang lại tiếng cười cho con người.
Thật dã man, quá tàn nhẫn. Hãy dừng lại. Thế kỷ 21 rồi, đừng mượn danh “lễ hội văn hoá” của thời xưa mà tàn độc với vật nuôi. Loài vật cũng biết sợ chết, cũng biết yêu thương, cũng biết đau như con người vậy” – bạn đọc Liên Hoa nêu ý kiến.
Nhiều độc giả cùng đồng tình với ý kiến này. Bạn đọc Lễ Tấn nêu quan điểm: “Dù không xảy ra sự việc đáng tiếc như trâu húc chết chủ, lễ hội này cũng không nên tồn tại vì nó quá bất nhẫn. Xưa nay ông bà vẫn dạy con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông.
Những người dự lễ hội chọi trâu có bao người cầu mong một mùa vụ bội thu, hay phần lớn họ đến xem vì ưa thích bạo lực, vì cá độ, hay cuối cùng là nhằm tranh mua một miếng thịt may mắn từ con trâu thắng trận? |
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức |
Nay khi đưa trâu ra chọi, người dân vẫn gọi là “ông trâu”. Vậy mà con người lấy sự tàn bạo của việc chọi trâu để làm trò vui lễ hội. Chọi gà ít tàn bạo hơn cũng đã bị cấm vì lồng theo tệ nạn cờ bạc. Có ai dám chắc rằng chọi trâu không kèm theo tệ nạn cờ bạc?
Điều đáng quan tâm là tính bạo lực của chọi trâu, bạo lực trong lúc đôi trâu thi thố và bạo lực sau khi kết thúc chọi trâu ít nhiều gì cũng ngấm ngầm gieo máu nóng tiêu cực vào người xem, kể cả người lớn và trẻ em”.
Đằng sau lễ hội là cá độ, cầu may
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thẳng thắn bày tỏ: “Một xã hội phát triển văn minh là xã hội không cổ xuý, sử dụng bạo lực trong bất kỳ hình thức nào, dù là trấn áp, tranh giành hay đơn giản chỉ là mua vui…
Nhiều người có xu hướng níu giữ, bám chặt lấy phong tục, lễ hội gắn mác truyền thống. Đây không phải câu chuyện nhất thời đúng hay sai, mà là câu chuyện văn minh hay không văn minh, mang tính chiến lược lâu dài.
Cá nhân tôi cho rằng việc duy trì những lễ hội có chứa các yếu tố bạo lực như chọi trâu, đâm trâu, treo trâu… là không văn minh”.
Diễn giải thêm, ông Đức nói ở phương Tây, khi đạt đến một mức nào đó về quyền con người (nhân quyền), người ta bắt đầu mưu cầu đến quyền con vật (vật quyền).
Ví như việc bảo vệ động vật, nghiêm cấm các hành vi giết hại gia súc có tính chất bạo lực, dã man… Khi xã hội phát triển hướng đến sự văn minh thì cũng đồng thời phải hướng đến những điều đó.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận “rất khó cấm các lễ hội có yếu tố bạo lực bằng mệnh lệnh hành chính mang tính cưỡng chế.
Biện pháp lâu dài phải là nâng cao mặt bằng giáo dục, văn hoá, kinh tế, chính trị… Khi đa số quốc dân không có nhu cầu dùng bạo lực để mua vui, những lễ hội chứa yếu tố đó sẽ tự triệt tiêu”.
Quan ngại trước sự biến tướng của lễ hội, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng đặt vấn đề: Liệu có ai dám chắc lễ hội chọi trâu hiện nay có ý nghĩa nhân văn là thể hiện ước muốn của người nông dân, có được mùa màng tươi tốt?
Nhất là trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghiệp hoá, xã hội tiểu nông Việt Nam đã và đang có rất nhiều thay đổi? Hay đằng sau đó là sự mua vui, cá độ, thương mại…?
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Huế, nguyên giám đốc Sở Văn hoá – thông tin Thừa Thiên – Huế, cho rằng những lễ hội chọi trâu, đâm trâu, chém lợn hay những lễ hội mang tính phồn thực… chỉ diễn ra trong một làng xã, đến nay bị biến thành một lễ hội rất lớn, rời khỏi phạm vi làng xã và trở thành một hình thức dịch vụ thương mại.
Chưa kể, theo ông Hoa, điều đáng lo ngại hơn là hiện nay người ta cào bằng, đánh đồng giữa lễ hội dân gian làng xã, lễ hội đại chúng và lễ hội hiện đại thành một thứ gọi chung là lễ hội.
Sự cào bằng làm lễ hội méo mó, lệch lạc. Và vai trò người làm văn hoá là giúp người dân gìn giữ được lễ hội không bị biến tướng.