11/01/2025

Hà Nội cần ‘siết’ kỷ cương trong quản lý đô thị

Ùn tắc giao thông “đốt” của Hà Nội 12.800 tỉ đồng mỗi năm

 

Hà Nội cần ‘siết’ kỷ cương trong quản lý đô thị

Ùn tắc giao thông “đốt” của Hà Nội 12.800 tỉ đồng mỗi năm




Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họpẢNH: NGỌC THẮNG

Hôm qua 3.7, HĐND TP.Hà Nội khóa 14 đã khai mạc kỳ họp thứ 4 (diễn ra từ 3 – 5.7). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên khai mạc.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan T.Ư để có chính sách phù hợp với tình hình phát triển thực tế, nhất là các cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Đồng thời, cần siết chặt kỷ cương trong quản lý đô thị, tăng cường công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị. Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông và trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện…
Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội đã được cải thiện rõ nét, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh thành, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số cải cách hành chính cũng tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém như: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội giảm 8 bậc so với 2015 và đứng ở vị trí thấp (58/63), trong đó có 3 chỉ số giảm thứ bậc là: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân.
 

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phi Thường bày tỏ lo ngại về nguy cơ tụt hậu trong quản lý đô thị trong thời đại cách mạng 4.0. Dẫn ra câu chuyện bùng nhùng của Uber và Grab thời gian qua, ông Thường cho rằng, sự xuất hiện của công nghệ đã thay đổi quan hệ xã hội và đề xuất Hà Nội cần thành lập ban phát triển cách mạng công nghệ 4.0, cũng như có các giải pháp cho vấn đề phát sinh của đô thị hoá. Cũng theo đại biểu Thường, tốc độ phát triển phương tiện cá nhân (PTCN) đang tăng chóng mặt, ùn tắc giao thông thêm trầm trọng đang “đốt” của Hà Nội 12.800 tỉ đồng mỗi năm. Đề án hạn chế PTCN đã đưa ra nhiều giải pháp giảm ùn tắc, nhưng để đảm bảo thành công phải tạo được sự đồng thuận trong dư luận, cũng như tạo được sự cân bằng giữa lực kéo (hạn chế PTCN) – đẩy (phát triển vận tải công cộng)… Đại biểu này cũng góp ý, có thể thực hiện ngay việc đánh phí PTCN thông qua sử dụng đường, phí đỗ xe luỹ tiến trong nội đô lõi. Nhưng mặt khác, TP cần cân nhắc nguồn lực giữa việc đầu tư những “con đường đắt nhất hành tinh” và kết cấu hạ tầng giao thông khác để mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện ngân sách eo hẹp.
Buổi chiều, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về học phí, nghị quyết thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó, dự án thu hồi đất làm nơi tái định cư phục vụ việc di dời 14 hộ dân (6 ha) sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức) đã được UBND TP rút ra khỏi tờ trình danh mục các dự án thu hồi đất năm 2017.
Ngày họp thứ 2 (4.7) HĐND TP sẽ thảo luận về nghị quyết quản lý phương tiện giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030, với nội dung quan trọng về lộ trình dừng lưu thông xe máy tại khu vực nội đô.

 

Mai Hà