10/01/2025

Cảnh báo dịch viêm não Nhật Bản

Hằng năm, số trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường gia tăng vào tháng 6-9 hằng năm ở khu vực phía Bắc.

 

Cảnh báo dịch viêm não Nhật Bản

Hằng năm, số trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường gia tăng vào tháng 6-9 hằng năm ở khu vực phía Bắc. 

 

 

 

Cảnh báo dịch viêm não Nhật Bản
Một bé 2 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư – Ảnh: L.ANH

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, trẻ mắc viêm não tăng rất mạnh trong tháng 6, có 21 trẻ viêm não Nhật Bản đã vào viện điều trị từ đầu tháng 6 đến nay.

Trẻ mắc bệnh đến từ nhiều tỉnh thành phía Bắc với dấu hiệu chung trước khi vào viện là sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, trẻ hôn mê hoặc liệt, đa số các trẻ trên 5 tuổi.

Cẩn trọng trẻ bị liệt 
do viêm não Nhật Bản

Theo Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, từ đầu năm đến nay Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã triển khai chiến dịch tiêm vét và tiêm bổ sung văcxin ngừa viêm não Nhật Bản tại các tỉnh nguy cơ cao.

 

Viêm não Nhật Bản là bệnh có văcxin phòng, từ năm 2015 đã triển khai tiêm trong tiêm chủng thường xuyên tại xã phường, trước đó tiêm ngừa theo chiến dịch mà vì sao vẫn có trẻ mắc bệnh?

Một chuyên gia về tiêm chủng cho hay trước 2015 chỉ tiêm chủng kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là nơi có nơi không, nếu tỉ lệ tiêm chủng ở các vùng có triển khai tiêm ngừa đạt 80-90% thì số trẻ chưa có miễn dịch vẫn rất lớn, đặc biệt là nhóm trẻ trên 5 tuổi, thời điểm các cháu đến lịch tiêm chủng văcxin ngừa viêm não Nhật Bản thì văcxin này chưa được đưa vào tiêm chủng thường xuyên.

Bên cạnh viêm não Nhật Bản, một thể viêm não khác có tỉ lệ mắc khá cao là viêm não do virút, với 150 cháu mắc bệnh ghi nhận từ đầu 2017 riêng tại khu vực phía Bắc.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng cao hơn, tới 1/4 các cháu mắc bệnh, trong đó các di chứng thường gặp là liệt, rối loạn tâm thần…

Không được lơ là tiêm chủng, diệt muỗi

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, gần đây bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho nhiều trẻ em mắc bệnh viêm não, số trẻ mắc bệnh tập trung từ 7-10 tuổi.

Trong đó hầu hết các trường hợp không tiêm văcxin phòng bệnh hoặc không tiêm nhắc mũi thứ 3.

Tính chung từ đầu năm 2017 đến nay, số ca viêm não nhập viện đã trên 30 trường hợp. Cao điểm mùa dịch viêm não hằng năm thường từ tháng 6-8. Đây là lúc thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho các loại virút gây bệnh phát triển.

Bác sĩ CK II Hà Anh Tuấn, trưởng khoa hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết viêm não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương chủ yếu do virút gây ra. Có 3 loại virút thường gây viêm não ở trẻ em là viêm não Nhật Bản, Enterovirus, Herpes simplex.

Bệnh có thể lây qua đường muỗi đốt (viêm não Nhật Bản), đường hô hấp (Herpes) hoặc đường tiêu hóa (Enterovirus).

Vì vậy biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng ngừa muỗi đốt và tiêm văcxin phòng bệnh viêm não (Nhật Bản B và não mô cầu). Tiêm ngừa viêm não phải tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ 1 tuổi, sau 2 tuần và nhắc lại sau 5 năm. Nếu không tiêm nhắc lại thì xem như trẻ không có miễn dịch.

Riêng đối với viêm não Nhật Bản lây do muỗi đốt (muỗi gây bệnh khác với muỗi sốt xuất huyết) là loại muỗi sống bên ngoài ruộng, hoặc gần các khu vực chăn nuôi heo. Nên biện pháp phòng bệnh quan trọng là diệt muỗi, đề phòng muỗi đốt…

Người ta coi viêm não Nhật Bản là một căn bệnh đáng sợ, khi vào dịp hè nếu con bạn bị muỗi mang mầm bệnh đốt trong khi cháu chưa được tiêm ngừa và chưa có kháng thể phòng bệnh, cháu có thể liệt, không nói trở lại được hoặc nói ngọng, rối loạn về vận động, trí tuệ và thay đổi hoàn toàn về tương lai.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, chúng tôi đã gặp cháu bé 10 tuổi bị viêm não Nhật Bản, cổ cháu yếu tới mức không đỡ được đầu, cháu không nói được dù rất muốn, tháng 5 vừa qua cháu vừa học xong lớp 4.

Hãy đưa con bạn đi tiêm chủng đúng lịch và hãy tiêm bổ sung nếu cháu chưa được tiêm đủ mũi, để phòng căn bệnh không mới nhưng rất đáng sợ này.

Theo bác sĩ CK II Hà Anh Tuấn, bệnh viêm não nói chung thường không có triệu chứng phân biệt, lúc mới phát bệnh, người bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, buồn nôn, nôn ói… Cần đến bệnh viện ngay khi sốt liên tục ở ngày thứ 2.

Bệnh viêm não không có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng, người bệnh thường rơi vào tình trạng suy hô hấp, thở máy…

Việc xác định loại viêm não nào cũng khó khăn và mất thời gian (gửi mẫu lên Viện Pasteur)…, điều trị rất gian nan, bệnh có tỉ lệ tử vong cao, đồng thời để lại rất nhiều di chứng nặng nề.

T.LŨY – L.ANH