10/01/2025

Làm kỹ khâu dò kiểm, tránh thiệt thòi cho thí sinh

Chiều qua 30.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu đoàn kiểm tra chấm thi tại Hà Nội, địa phương có số lượng bài thi lớn nhất nước.

 

Làm kỹ khâu dò kiểm, tránh thiệt thòi cho thí sinh

Chiều qua 30.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu đoàn kiểm tra chấm thi tại Hà Nội, địa phương có số lượng bài thi lớn nhất nước.



Thứ trưởng Bùi Văn Ga (ngoài cùng bên phải) kiểm tra tại tổ chấm thi trắc nghiệm của Sở GD-ĐT Hà NộiẢNH: XUÂN TRUNG

Để máy chấm không bỏ sót câu trả lời
Tại tổ chấm thi trắc nghiệm, bà Phạm Thị Xuân Hương, Phó trưởng ban kiêm tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm, cho biết đang trong quá trình kiểm dò để đối chiếu hết lỗi logic và sửa các lỗi kỹ thuật (nếu có). Lỗi mà một số thí sinh (TS) gặp phải là tô số báo danh còn bị mờ.
 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), lưu ý: Máy chấm sẽ dễ dàng nhận biết những lỗi logic và kỹ thuật của bài thi. Tuy nhiên, đến khâu chấm thi cần đặc biệt lưu ý lỗi về mặt làm bài của TS, ví dụ tẩy đáp án đã lựa chọn sai và chọn đáp án khác nhưng tẩy không hết, dễ dẫn tới máy bỏ qua không chấm do mặc định TS phạm quy (lỗi đúp) hoặc TS chọn tới 2 phương án trả lời, tô quá mờ phương án trả lời đúng… thì căn cứ vào số lượng để quyết định kiểm dò. Một số ít trường hợp, ảnh bài thi cũng lệch so với bài thi gốc thì phải lọc bài thi ra để kiểm dò.
 
 
Cần có phương án tránh nghẽn mạng khi công bố điểm thi
Hà Nội dự kiến chậm nhất là ngày 6.7 sẽ hoàn thành chấm thi và công bố điểm thi trên cổng thông tin điện tử của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, việc công bố kết quả tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua trên trang web này đã xảy ra sự cố nghẽn mạng do quá tải lượng truy cập cùng một thời điểm. Xung quanh vấn đề trên, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý: “Hà Nội cần tính toán kỹ để không xảy ra tình trạng quá tải, nghẽn mạng quá lâu vào ngày công bố điểm thi, vì lúc đó học sinh và gia đình rất muốn biết kết quả. Có thể phân tải để các trường ĐH có phối hợp trong kỳ thi vừa qua cùng công bố điểm thi giúp, ví dụ trường ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội… Đây là những trường đã có sẵn cơ sở hạ tầng cho việc này”.

 

Ông Nghĩa nhấn mạnh, khâu kiểm dò rất quan trọng, nếu đúng là câu hỏi đó TS chọn phương án trả lời đúp thật thì câu đó sẽ không được tính điểm, nhưng nếu lỗi do TS xóa không hết một phương án trả lời thì sẽ phải chấm dưới sự giám sát của công an khi sửa bằng tay. Tương tự, nếu máy báo câu hỏi đó trống phương án trả lời thì dò kiểm để xem TS bỏ trống hay tô mờ mà máy không bắt được. “Vì vậy, nếu không làm kỹ khâu dò kiểm để tránh thiệt thòi cho kết quả bài làm của TS thì sau này sẽ rất mệt mỏi với phúc khảo bài thi”, ông Nghĩa lưu ý.

“Cãi nhau” để đi đến thống nhất
Hà Nội có tổng số 69.862 bài thi ngữ văn, 216.535 bài thi các môn trắc nghiệm. Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban chấm thi của Hà Nội, cho biết: “Hà Nội huy động tới 400 cán bộ chấm thi ngữ văn từ giáo viên có năng lực và trách nhiệm tốt nhất tại các trường THPT. Đến ngày 30.6, Hà Nội đã sắp hoàn thành kiểm đếm, quét ảnh, nhận dạng bài thi. Với bài thi tự luận, đã chấm vòng 1 khoảng 50% tổng số bài. Trước khi chấm môn tự luận, quy định của Bộ chỉ yêu cầu mỗi tổ chấm kiểm tra khoảng 10 bài, nhưng Hà Nội yêu cầu mỗi tổ chấm kiểm tra hết một túi bài thi là 30 bài (gấp 3 lần) để rút ra một phương án chấm chuẩn xác nhất”.
Bà Phạm Ngọc Trâm, cán bộ giám sát tại tổ chấm thi môn ngữ văn, cho biết quá trình chấm kiểm tra có những tranh luận có thể gọi là “cãi nhau” theo nghĩa tích cực, để đi đến thống nhất một cách thức chấm khách quan nhất.
Làm kỹ khâu dò kiểm, tránh thiệt thòi cho thí sinh - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng

Kết thúc kỳ thi, nhiều giáo viên dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH sẽ tăng so với năm trước do đề được đánh giá là khá dễ chịu.
Dù chưa có thông tin về điểm bài thi ngữ văn, nhưng bà Hà cho biết nội dung gây ra ý kiến tranh luận ở câu hỏi về “thấu cảm” trong phần đọc hiểu trên thực tế không ảnh hưởng đến bài làm của TS, nhiều TS vẫn làm rất tốt phần đề này. Theo bà Hà, do hướng dẫn chấm, barem điểm và đáp án rõ ràng, nên việc chấm thi đến thời điểm này không gặp phải khó khăn gì.
Nhiều bài thi có điểm tuyệt đối
Đến chiều 30.6, một số địa phương đã hoàn tất cơ bản việc chấm thi. Ghi nhận ban đầu cho thấy nhiều môn có bài thi xuất hiện điểm 10.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT Tây Ninh), địa phương này đã hoàn tất chấm thi các môn trắc nghiệm và xong khoảng 1/3 số bài thi tự luận cho môn văn.
Ở các môn trắc nghiệm, nhiều bài thi có sự xuất hiện điểm 10 như: lý, hóa, sinh, tiếng Anh, địa, giáo dục công dân. Riêng môn toán và sử chưa có bài nào đạt điểm 10. Ở tất cả các môn thi trắc nghiệm đều có bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống).
Ở môn ngữ văn, trong số 1/3 bài thi đã chấm thì phổ điểm chủ yếu từ 4 – 7. Bài thi đạt điểm cao nhất tính đến nay là 8,25 và có 1 bài thi bị điểm liệt.
Sở GD-ĐT Tiền Giang dự kiến việc chấm thi sẽ hoàn tất công đoạn cuối cùng vào ngày 3 – 4.7.
Ông Ngô Quốc Tiến, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Đắk Nông) cũng thông tin, địa phương đã quét xong và trong hôm nay sẽ hoàn tất chấm thi môn trắc nghiệm. Môn văn đã xong gần một nửa, dự kiến ngày 2.7 sẽ xong toàn bộ.
Ở bài thi môn ngữ văn, địa phương này đã có 2 bài đạt điểm 9, chưa thấy điểm liệt. Phổ điểm chủ yếu ở môn ngữ văn trong khoảng 5 – 6, bài thi có điểm từ 7 – 9 không nhiều và có 2 bài thấp nhất đạt 1,25 điểm.
Hà Ánh


 

Tuệ Nguyễn