Chống sách lậu bằng cách dán tem: Không hiệu quả!
Thông tin về dự thảo thông tư quy định việc dán tem trên sách đang khiến giới làm sách tâm tư. Ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – vừa có một số ý kiến trao đổi với Tuổi Trẻ.
Chống sách lậu bằng cách dán tem: Không hiệu quả!
Thông tin về dự thảo thông tư quy định việc dán tem trên sách đang khiến giới làm sách tâm tư. Ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – vừa có một số ý kiến trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Lê Hoàng: “Việc dán tem trên xuất bản phẩm là biện pháp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất… trong việc phòng chống in lậu. Tôi thực sự chưa tin sẽ làm được như vậy” – Ảnh: Thanh Đạm |
* Khi ban hành dự thảo Thông tư quy định việc dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông có báo cáo đánh giá tác động chính sách dán tem, theo ông đây có phải là cơ sở cho việc ban hành “chính sách mới” này?
– Tôi đồng tình với báo cáo đánh giá tác động chính sách dán tem ở các ưu điểm như:
Việc dán tem trên xuất bản phẩm sẽ tạo điều kiện tăng cường quản lý xuất bản phẩm, đảm bảo thực thi thủ tục về xuất bản, tránh tình trạng xuất bản không thông qua Nhà xuất bản hoặc Nhà xuất bản đăng ký xuất bản ảo, gây lãng phí về thời gian, vật chất của các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản.
Việc dán tem cũng sẽ là điều kiện kết nối dữ liệu với trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về hoat động xuất bản nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Chúng ta thấy các ưu điểm trên là rất thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý ngành trong hoạt động xuất bản.
Tuy nhiên trong báo cáo đánh giá tác động chính sách dán tem, khi nói về nhược điểm của giải pháp thì quá sơ sài.
Để góp thêm cho Bộ Thông tin, truyền thông về giải pháp dán tem nầy, tôi thấy cần phải xem xét vấn đề trên cơ sở toàn diện và đồng bộ, chẳng hạn: * Cần đánh giá thực trạng in lậu cho tới nay * Kinh phí in tem có trở thành gánh nặng chi phí làm ảnh hưởng đến giá thành xuất bản phẩm không? * Thủ tục, qui trình đăng ký sử dụng con tem nầy có trở thành là gánh nặng thủ tục hành chánh , một loại giấy phép con nữa đối với các Nhà xuất bản không?… |
Ông Lê Hoàng |
* Như vậy, từ phía ông nắm bắt, tình hình in lậu in giả ở ta đang như thế nào? Và ông có thể chia sẻ quan điểm về chống in lậu của Hội?
– Trong thời gian vừa qua sách bị in lậu thường rơi vào các đầu sách bán chạy, sách có khả năng tiêu thụ lớn trên thị trường (điều này được nêu ngay trong báo cáo đánh giá của Bộ) được các đối tượng xấu in lậu để kiếm lợi, chứ không phải tất cả sách, hay đa số/ phần lớn sách đều bị in lậu.
Có một giám đốc Nhà xuất bản vừa cho tôi biết trong cả ngàn đầu sách của Nhà xuất bản thì có khoảng 10 đầu sách bị in lậu, bị “luộc” bán trái phép trên thị trường.
Cũng có một Phó giám đốc của một công ty lớn có cả hằng trăm đầu sách liên kết xuất bản nói với tôi là sách bị in lậu cũng chỉ là những quyển sách hot nhất, chiếm tỉ lệ không nhiều trong toàn bộ sách của công ty anh, gần đây tình trạng in lậu sách giấy cũng giảm hơn trước nhưng lại tăng đáng ngại việc bị kẻ xấu ăn cắp bán sách của anh trên mạng điện tử, là lĩnh vực bị in lậu mà giải pháp dán tem chưa thể tác động tới.
* Một công ty sách tại TP HCM vừa qua đeo bám các vụ kiện tụng in sách lậu nổi đình nổi đám nhưng tôi được biết cũng xoay quanh một số đầu sách bán chạy nhất của công ty anh mà thôi…
Tuy nhiên tại sao vừa qua tình trạng in lậu sách làm nhức nhối và gây bức xúc trong giới xuất bản và dư luận xã hội lên án?
– Là bởi vì kẻ xấu không bị trừng trị đích đáng, biện pháp chế tài theo luật định hiện nay chỉ ở mức xử lý hành chính không đủ sức răn đe làm cho chúng trở thành kẻ thách thức và tình trạng in lậu vì thế không bị ngăn chặn triệt để.
Do đó có Nhà xuất bản khi in tem chống in lậu họ chỉ dán lên các đầu sách bán chạy, có khả năng tiêu thụ lớn chứ không phải dán lên toàn bộ sách của họ.
Tôi hy vọng rằng khi Bộ luật hình sự chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2018, điều 344 chính thức được áp dụng với những nội dung hình sự hoá tội danh in lậu sách với mức phạt tiền rất nặng, có thể bị cải tạo không giam giữ hoặc bắt ngồi tù thì sẽ có tác dụng chế tài thực sự, mà theo tôi đây mới là giải pháp căn bản nhất để làm giảm hẳn tệ nạn in lậu sách. |
* Ông vừa nhắc đến gánh nặng chi phí và thủ tục hành chính khi việc dán tem trên từng bản sách đi vào hiện thực. Có thể hình dung những gánh nặng này như thế nào?
– Mặc dù trong bản báo cáo đánh giá tác động nói rằng giá in một con tem với số lượng lớn 400 triệu tem giá thành thấp hơn là in bởi từng Nhà xuất bản.
Thực tế giá cung cấp con tem lịch bloc gần 200 đồng/ tem, tem băng đĩa nhạc 200-250 đồng/tem, tem rượu thì có báo đưa 300-400 đồng/tem.
Như vậy đâu có thấp bởi vì giá con tem đâu chỉ có chi phí trực tiếp in ấn mà con tem còn phải gánh các chi phí bộ máy quản lý, kiểm tra kiểm soát, giao nhận, lưu kho…
Một Nhà xuất bản đã tính nếu con tem với phí 200 đồng nhân với 400 triệu bản sách hằng năm, thì trung bình mỗi năm các Nhà xuất bản phải chi 80 tỷ đồng cho con tem.
Cứ xem con số lợi nhuận toàn ngành xuất bản năm 2016 là 148 tỷ, thì tiền tem như vừa tính đã chiếm hơn một nửa lợi nhuận của toàn ngành.
Một tham khảo nữa là việc dán tem trên lịch bloc cũng có lắm chuyện để bàn, có những vấn đề phát sinh không dễ giải quyết.
Ví dụ khi Nhà xuất bản mang tem về giao cho đơn vị thành phẩm dán thì nếu con tem thật bị tráo bởi con tem giả thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi sự việc được đưa ra xử lý?
Thực tế trước đây tại một Tổng công ty sách khi kiểm tra kho thì thấy toàn là tem giả vì tem thật bị người xấu trong công ty tráo đưa ra bán bên ngoài cho “đối tác” in lậu lịch.
Như vậy, bây giờ nếu con tem sách được phát hành từ Nhà máy in tem, qua cơ quan quản lý, đưa về Nhà xuất bản, chuyển cho đối tác liên kết xuất bản, đưa xuống nhà in cho công nhân dán vào bìa sách cũng là quá trình lắm nhiêu khê đây!
* Khi thấy quy trình nhiêu khê, người ta dễ nghĩ đến tiêu cực nảy sinh, thưa ông?
– Thực tế, việc dán tem trên băng đĩa nhạc, trên chai rượu, và trên lịch bloc trong thời gian qua đã không hề chặn đứng được tình trạng làm lậu các sản phẩm này.
Thậm chí thông tin trên các cơ quan truyền thông gần đây cho thấy tình trạng làm lậu, làm giả như vậy vẫn còn trầm trọng.
Tại sao như vậy thì ta cần phải tìm hiểu cho thật rõ và hãy nghe những người trong cuộc của lĩnh vực đó nói.
Vậy bây giờ ta nói rằng việc dán tem trên xuất bản phẩm là biện pháp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất… trong việc phòng chống in lậu. Tôi thực sự chưa tin sẽ làm được như vậy khi giải pháp nầy được triển khai.
* Có ý kiến cho rằng việc nhận biết tem thật hay tem giả là không đơn giản?
– Một chuyên viên của đơn vị chức năng nói với tôi rằng việc giám định và xử lý một con tem bị nghi vấn in giả là cả một quá trình gồm nhiều công đoạn không hề đơn giản, phải thông qua cơ quan giám định để kết luận về mặt pháp lý rằng đúng là tem giả thì sau đó cơ quan chức năng mới xử lý về mặt luật pháp với người vi phạm được.
Việc tổ chức kiểm tra để biết tem thật tem giả của các đoàn chuyên ngành chức năng, về mặt chất lượng chuyên môn với tất cả các đoàn không phải là không có vấn đề, nhất là ở các địa phương đối với hằng hà sa số sách trên thị trường lại càng không đơn giản chút nào.
Những vấn đề tôi nêu ra trên đây cũng là những băn khoăn thực sự về sự cần thiết, tính mục đích có đạt được hay không việc khắc phục tệ in lậu bằng giải pháp dán tem chung nầy, hay là nó chỉ đẻ thêm việc cho các cơ quan quản lý và tăng gánh nặng chi phí, thủ tục hành chánh rườm ra thêm cho các NXB, các đơn vị làm sách mà thôi?
Tôi có đề nghị với Lãnh đạo Hội Xuất Bản Việt Nam cần thiết phải tổ chức các hội thảo để cho các đơn vị quản lý nhà nước về ngành xuất bản, các NXB, công ty liên kết xuất bản, các chuyên gia pháp lý, chuyên gia công nghệ và mời cả những đơn vị đã từng dán tem trên sản phẩm lịch, băng đĩa nhạc… ngồi lại trao đổi hết mức cả mặt ưu cũng như hạn chế của việc dán tem nầy. |
Ông Lê Hoàng |
Tôi hy vọng qua đó chúng ta sẽ thấy được việc cần hay không cần dán tem trên xuất bản phẩm, hay nêu ra được các giải pháp hữu hiệu nào nữa để chính thức tham mưu cho các cơ quan quản lý có giải pháp đấu tranh thực sự có hiệu quả khắc phục triệt để tệ trạng in lậu sách hiện nay.