28/11/2024

Địa phương xét tốt nghiệp: chờ luật

“Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là chặng cuối của lộ trình đổi mới thi đã được Bộ GD-ĐT triển khai trong ba năm qua và là kỳ thi có nhiều thay đổi lớn nhất”.

 

Địa phương xét tốt nghiệp: chờ luật

 “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là chặng cuối của lộ trình đổi mới thi đã được Bộ GD-ĐT triển khai trong ba năm qua và là kỳ thi có nhiều thay đổi lớn nhất”.

 

 

 

Địa phương xét tốt nghiệp: chờ luật
Thứ trưởng Bùi Văn Ga – Ảnh: Nguyễn Khánh

Về cơ bản năm 2018 sẽ duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm nay. Có thể sẽ chỉ có những thay đổi về kỹ thuật. Ví dụ như cho phép thí sinh làm bài thi trên máy, thay cho trên giấy. Tuy nhiên, việc này cũng cần có sự cân nhắc, chuẩn bị kỹ càng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, chia sẻ cùng Tuổi Trẻ như vậy ngay sau khi kỳ thi kết thúc. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:

– Bộ GD-ĐT đã thực hiện đổi mới thi với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa sử dụng kết quả cho xét tuyển ĐH, CĐ, giao tự chủ cho các trường ĐH trong việc xây dựng phương án xét tuyển.

Đây là năm thứ ba của lộ trình đổi mới và là năm đầu tiên kỳ thi quốc gia được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu của kỳ thi. Để hỗ trợ các địa phương, 40.000 cán bộ, giảng viên ĐH được bộ cử đi 63 tỉnh, thành để tham gia công tác coi thi, giám sát.

Kỳ thi năm nay được nhiều người nhận xét là yên ả vì học sinh được dự thi tại trường phổ thông nơi mình học, với tinh thần “đi thi như đi học” hằng ngày nên thoải mái, không gây không khí căng thẳng. Tình trạng ùn tắc giao thông, những xáo trộn do lượng lớn người đổ về đô thị không còn nữa. Thời gian thi cũng được rút ngắn chỉ còn 2,5 ngày…

 

“Tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng”

* Nhưng nhiều người vẫn cho rằng phải huy động tới 90.000 cán bộ tham gia kỳ thi, trong đó 40.000 người của các trường ĐH, CĐ phải di chuyển, hàng chục nghìn tình nguyện viên phục vụ, tiếp sức mùa thi thì đây vẫn chưa thực sự phải là một kỳ thi nhẹ nhàng, thưa ông?

– Khi so sánh những thay đổi của kỳ thi thì phải nhìn về những năm trước. Trước đây, chúng ta có một kỳ thi xét tốt nghiệp THPT tương tự như kỳ thi vừa qua, có nghĩa số thí sinh và số người huy động phục vụ cho kỳ thi cũng rất lớn. Sau đó còn có ba kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ liên tiếp, thí sinh phải đổ về thành phố để dự thi.

Còn bây giờ chỉ có một kỳ thi quốc gia duy nhất. Khi việc này được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, sự tốn kém cho xã hội và cho thí sinh sẽ giảm đi rất nhiều.

* Vậy bộ ước tính số tiền từ ngân sách dành cho kỳ thi và chi phí các gia đình tiêu tốn vào kỳ thi năm nay đã giảm so với năm trước như thế nào?

– Trước đây, khi Bộ GD-ĐT tổ chức ba đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ, chưa tính đến những chuẩn bị về hạ tầng cơ sở vật chất, lực lượng được huy động để phục vụ mà chỉ nhìn vào con số khoảng 1 triệu thí sinh phải di chuyển từ các vùng khác nhau về những đô thị lớn để dự thi thì chi phí cũng đã rất lớn.

Tính trung bình mỗi thí sinh tiêu tốn một vài triệu đồng để đi thi thì chi phí các gia đình phải bỏ ra cho kỳ thi đã là vài nghìn tỉ đồng.

Bây giờ thí sinh thi tại chỗ với một kỳ thi duy nhất, vài nghìn tỉ đó đã được giảm bớt.

Dĩ nhiên, để tổ chức kỳ thi năm nay, các địa phương cũng được cấp kinh phí hỗ trợ nhưng số tiền này không lớn. Nhìn về tổng thể thì cách tổ chức thi như hiện nay giảm tốn kém cho xã hội và cho các gia đình thí sinh.

Đổi mới của kỳ thi năm nay còn có ý nghĩa trong việc chúng ta có thể tin tưởng vào việc giao trách nhiệm cho các địa phương tổ chức kỳ thi này.

* Nhưng cũng vì kỳ thi đưa về địa phương, học sinh thi tại trường mình học nên còn nhiều nghi ngại về tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi, sự tin cậy vào kết quả thi?

– Một trong những mục đích của những đổi mới quan trọng trong kỳ thi năm nay cũng nhằm vào việc ngăn ngừa tiêu cực thi cử. Cụ thể là việc chuyển sang thi trắc nghiệm (4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm) với quy định mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề khác nhau… Việc cử cán bộ các trường ĐH, CĐ tham gia ở các khâu coi thi, thanh tra thi cũng là một giải pháp hỗ trợ chống tiêu cực.

Công tác thanh tra chấm thi năm nay cũng thay đổi. Bộ vừa quyết định huy động cán bộ, giảng viên ĐH tham gia thanh tra, giám sát quá trình chấm thi. Ở kỳ thi các năm trước, thanh tra chỉ kiểm tra quy trình chấm thi, còn năm nay thanh tra sẽ được cắm chốt tại các hội đồng chấm thi từ khi bắt đầu đến khi chấm thi xong. Mỗi cụm thi ở 63 tỉnh, thành sẽ có hai cán bộ thanh tra từ các trường ĐH được bộ cử đến.

Địa phương xét tốt nghiệp: chờ luật
Học sinh Trường THPT Phú Thạnh (huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) được thi THPT quốc gia ngay tại địa phương mình. Theo Bộ GD-ĐT, việc này tiết kiệm cho thí sinh, gia đình và xã hội – Ảnh: Thanh Tú

Đã “tác động ngược”

* Trước đây, Bộ GD-ĐT đặt ra việc đổi mới thi cử để có tác động ngược trở lại việc dạy học ở bậc phổ thông. Vậy sau ba năm thực hiện lộ trình đổi mới này, hiệu quả “tác động ngược” ấy ra sao?

– Năm nay có một điều rất mừng là tỉ lệ thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm trên 50%, trong đó thí sinh đăng ký thi lịch sử chiếm gần 60%. Đó là con số nằm ngoài sự mong đợi của bộ.

Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT cũng đã làm nhiều cách để thí sinh yêu thích môn lịch sử hơn, chọn lựa môn thi này nhiều hơn, nhưng chưa có kết quả. Từ năm 2016 trở về trước, chưa năm nào tỉ lệ thí sinh lựa chọn môn lịch sử vượt quá 15% tổng thí sinh dự thi. Ngay cả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, có năm môn lịch sử là môn thi bắt buộc thì kết quả thi cũng thấp.

Với phương án thi của kỳ thi THPT quốc gia hai năm trước, môn lịch sử là một trong những môn có ít thí sinh đăng ký nhất. Nhưng năm nay khi môn lịch sử được đưa vào bài thi tổ hợp thì số thí sinh đăng ký thi tăng vọt.

Tương tự, môn giáo dục công dân trước đây chỉ là môn học phụ. Nhiều học sinh học chỉ để đối phó, giáo viên không đầu tư cho dạy học. Trong khi đó, việc giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức công dân cho thế hệ trẻ đang rất cần thiết. Việc đưa môn học này vào thi quốc gia là một tác động tích cực trở lại việc dạy học ở bậc phổ thông.

* Thời gian tới, nội dung các bài thi tổ hợp có tiếp tục được đổi mới để phù hợp với định hướng dạy học tích hợp liên môn đang được triển khai với giáo dục phổ thông?

– Việc đó phải chờ tới khi triển khai chương trình – sách giáo khoa phổ thông mới thì mới thực hiện được. Về nguyên tắc, chương trình thay đổi như thế nào thì nội dung thi sẽ điều chỉnh tiếp tục phù hợp.

Sẽ trả xét tốt nghiệp về cho địa phương?

* Có nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục đeo đuổi quan điểm nên trả việc xét tốt nghiệp THPT về cho địa phương, còn việc tuyển sinh ĐH để các trường tự chủ. Quan điểm của ông về vấn đề này? Có phải bộ chưa hiện thực hoá được đề xuất này của số đông chuyên gia vì vẫn còn vướng luật?

– Việc này còn lệ thuộc vào việc sửa đổi Luật giáo dục dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm tới. Vì theo luật hiện hành, học sinh học xong chương trình THPT sẽ phải thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tốt nghiệp. Nếu Luật giáo dục sửa đổi điều chỉnh quy định này thì có thể thực hiện việc chuyển cho địa phương chủ động phương thức công nhận hoàn thành chương trình THPT của học sinh.

Trong trường hợp không còn kỳ thi quốc gia nữa thì các trường ĐH sẽ tự chủ động với phương án tuyển sinh. Hiện nay Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường chủ động lấy kết quả thi THPT xét tuyển hoặc xét qua học bạ, có phương thức kiểm tra riêng…

Năm nay, các trường ĐH đã hình thành hai nhóm trường để thực hiện việc xét tuyển ĐH. Nếu không còn kỳ thi quốc gia, các nhóm trường cũng có thể tổ chức kỳ thi chung của các nhóm để sử dụng kết quả xét tuyển.

NGỌC HÀ – VĨNH HÀ thực hiện