Văn trẻ đâu chỉ có ‘nỗi đau riêng’
Sáng 21.6, hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 4 do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức đã khai mạc tại TP.HCM. Hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 23.6, với nhiều hoạt động giao lưu, toạ đàm.
Văn trẻ đâu chỉ có ‘nỗi đau riêng’
Sáng 21.6, hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 4 do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức đã khai mạc tại TP.HCM. Hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 23.6, với nhiều hoạt động giao lưu, toạ đàm.
Trong buổi tọa đàm “Sứ mệnh của văn chương trẻ trước sự đổi mới của cuộc sống” vào sáng 21.6, tác giả 9X Nguyễn Đình Minh Khuê mang đến những trăn trở trước việc xuất hiện hàng loạt tác phẩm thể hiện tình cảm uỷ mị, cô đơn của nhiều cây bút trẻ hiện nay. Anh điểm qua hàng loạt đầu sách đầy ắp nỗi buồn được giới trẻ ưa chuộng thời gian qua: Buồn làm sao buông, Ai rồi cũng khác, Người lớn cô đơn, Thương nhau để đó, Người yêu cũ có người yêu mới, Lưng chừng cô đơn, Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng, Cà phê với người lạ… Minh Khuê cho rằng: “Độc giả dường như bị kéo vào trong một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ, từ say nắng, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách buông bỏ những hỗn độn trong tình cảm… đến bội thực. Văn chương trẻ VN đầu thế kỷ 21 vì thế gần như có thể được tóm gọn trong mệnh đề: xuýt xoa cho vết thương tình yêu và loay hoay tìm cách để chữa lành vết thương riêng tư ấy”.
Cây bút Trần Vương Thuấn nhìn nhận, dường như người đọc trẻ đang có nhu cầu chia sẻ những vấn đề, nỗi niềm của mình: “Trong bữa chiều mưa trắng trời tháng 6, ngay tại Đường sách Nguyễn Văn Bình vẫn có rất đông người đọc và đáng ngạc nhiên phần lớn là người trẻ đến giao lưu, chia sẻ trong buổi ra mắt sách Chúng ta có bi quan không? của Khải Đơn. Hình như tác phẩm đã chạm tới các vấn đề về ý thức và con đường của người trẻ trong xã hội hôm nay chăng?”.
Nhưng không hẳn các nhà văn trẻ chỉ thích viết về những nỗi buồn riêng tư. Không ít nhà văn đã thực sự cảm nhận những niềm vui nỗi buồn của những mảnh đời quanh mình. Tác giả của Người buồn thuê và Bó oải hương từ Provence Trần Minh Hợp cho rằng: “Cái nghèo luôn xuất hiện trong cuộc đời và trong xã hội hôm nay một cách chân thật. Nhiều khi không cần phải tưởng tượng hay khắc hoạ thêm những chi tiết bi kịch, vì cuộc đời nghèo, số phận nghèo đã đủ đầy cảm xúc. Tôi cảm ơn vì đã gặp được họ trong cuộc đời mình và viết là cách tốt nhất để bộc bạch, giúp họ thể hiện những tâm tư và quan trọng nhất để truyền tải những thông điệp tình người”.
Quan sát một cuộc thi truyện ngắn ở ĐBSCL có khá nhiều tác phẩm liên quan đến chủ đề “ly nông ly hương”, nhà văn Vĩnh Thông chia sẻ: “Phải chăng, những người cầm bút càng lúc càng thấm thía khi thấy ở làng xóm mình những người “ly nông ly hương” mỗi lúc một nhiều. Các cây bút trẻ thời đại công nghiệp đã biết “dấn thân” vào nhiều đề tài nóng và đã biết trăn trở trước những đổi thay, đau chung nỗi đau của cộng đồng”.
Phải học tiếp thị văn chương
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt, người có sách bán rất chạy hiện nay, cho rằng để truyền tải thông điệp của mình, nhà văn trẻ nên học cách tiếp thị. “Tác phẩm văn học thực ra cũng là một hàng hoá. Tại sao tác giả đầu tư viết sách nhiều tháng trời, thậm chỉ cả năm mà không dành chưa tới 3 tháng để tham gia các khoá học về truyền thông, quảng bá… để sáng tạo nhiều cách đưa sách đến được với công chúng?”, Phong Việt nêu vấn đề.
Một số ý kiến thừa nhận, thực tế ngày càng nhiều nhà văn trẻ được ái mộ không khác gì người của công chúng. Nhiều chương trình ra mắt sách được thực hiện một cách quy mô, có kịch bản kỹ lưỡng. Giờ đây, người đọc có thể gặp tác giả, trực tiếp đưa ra những câu hỏi băn khoăn về nhân vật, tình tiết trong tác phẩm, đồng thời xin chữ ký, chụp ảnh lưu niệm, lên trang mạng cá nhân của tác giả để theo dõi tin tức. Tuy nhiên, cây bút lý luận phê bình Trần Xuân Tiến lại lo lắng khi những màn “tiếp thị” quá lố bắt đầu xuất hiện: “Với phương cách quảng bá văn học nặng về truyền thông đại chúng như thế, nhiều căn bệnh từng được xem là chỉ xuất hiện khu biệt ở giới showbiz thì giờ đây cũng có trong giới viết lách. Đình đám nhất là gần đây, để cảm ơn độc giả đã mua sách ủng hộ mình với số lượng khá lớn, một cây viết trẻ đã đăng trên trang cá nhân của mình hình ảnh khoả thân cùng lời nhắn gửi “tụt quần để cảm ơn”. Một cây bút trẻ khác thì thường xuyên lên trang cá nhân phê phán những điều chưa hay trong xã hội không phải với thái độ mang tính chất xây dựng mà bằng những câu văng tục, chửi bới hết sức phản cảm”.
Gỡ bỏ rào cản
Nhà văn Trầm Hương cho biết chị hơi ganh tị với các nhà văn trẻ bây giờ. “Ngày trước tôi ngồi trong ngôi nhà tôn nóng hầm hập viết Người đẹp Tây Đô. Có khi tôi viết tới 100 truyện ngắn, 100 bài thơ cũng chẳng ai biết mình. Còn bây giờ các em có nhiều điều kiện để tự giới thiệu mình, để phát triển nghề nghiệp, vì vậy phải biết tận dụng mọi thứ để cho ra đời nhiều tác phẩm hay”.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nói: “Ban chấp hành hội đang bàn bạc gỡ bỏ những rào cản không cần thiết về vấn đề hộ khẩu, điều lệ kết nạp hội viên… để làm sao cho bạn văn trẻ dễ dàng cùng đến sinh hoạt trong ngôi nhà chung là Hội Nhà văn TP, đồng thời sẽ mở các trại sáng tác trẻ, tạo nhiều hoạt động giao lưu giữa Ban Văn trẻ, CLB Văn học (Hội Nhà văn TP.HCM) với các tỉnh thành bạn”.
Hỗ trợ phổ biến và quảng bá
Trưởng ban Văn trẻ Trần Nhã Thuỵ, Phó ban tổ chức hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 4, cam kết: “Nếu nhà văn trẻ có tác phẩm hay mà không có kinh phí để tự in ấn, chúng tôi sẽ hỗ trợ toàn bộ, đồng thời phổ biến và quảng bá miễn phí bằng các hoạt động giao lưu với tác giả. Từ những chuyến đi thành công ở Bình Phước, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Long, Cần Thơ, sắp tới chúng tôi sẽ liên tục đưa những nhà văn trẻ đi thực tế sáng tác nhiều nơi trong cả nước để thời gian tới, TP.HCM sẽ có nhiều nhà văn trẻ tạo dựng tên tuổi và có tác phẩm gây được tiếng vang trong dư luận”.
|
Lê Công Sơn