19/01/2025

Áp lực kẹt xe ở TP.HCM vẫn nặng nề

Chiều 19-6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Công an TP và UBND 24 quận huyện đã họp đánh giá tình hình xử lý 37 điểm có nguy cơ kẹt xe trên địa bàn TP.

 

Áp lực kẹt xe ở TP.HCM vẫn nặng nề

Chiều 19-6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Công an TP và UBND 24 quận huyện đã họp đánh giá tình hình xử lý 37 điểm có nguy cơ kẹt xe trên địa bàn TP.

 

 

 

Áp lực kẹt xe ở TP.HCM vẫn nặng nề
Xe buýt, xe máy và ôtô chen chúc trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM -Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vấn đề là các cơ quan chức năng sẽ giải quyết kẹt xe ở Cát Lái ra sao? Bởi vì nếu xử lý ở đây không xong, kẹt xe sẽ lan đến cảng biển ở Hiệp Phước. Sản lượng hàng hoá bốc xếp ở các cảng biển TP đã đạt 100 triệu tấn trong năm 2016 và dự kiến đến năm 2020 tăng lên khoảng 130 triệu tấn. Như vậy áp lực giao thông ở TP sẽ nặng nề hơn trong thời gian tới

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận

Điểm nóng kẹt xe ở khu vực Cát Lái mà báo Tuổi Trẻ (ngày 18-6) phản ánh được nhiều đại biểu quan tâm bàn biện pháp giải quyết. Nhiều đại biểu đề xuất cần có giải pháp xử lý từng điểm kẹt xe.

Điểm nóng Cát Lái

Ông Huỳnh Thanh Khiết, phó chủ tịch UBND Q.2, cho biết cách đây hai ngày, khu vực cảng Cát Lái tiếp tục kẹt xe gần bằng vụ kẹt xe nặng nề vào ngày 7-6.

Theo ông Khiết, bên cạnh nhiều nguyên nhân gây kẹt xe đã được báo Tuổi Trẻ phản ánh, kẹt xe ở đây còn do một số doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh làm trạm cân xe nên có nhiều xe container ra vào gây cản trở lưu thông, trong khi khu vực này không có quy hoạch bến bãi.

Vì vậy, ông Khiết đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý vấn đề này.

Nói về kẹt xe ở nút giao thông Mỹ Thuỷ, ông Khiết cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án ở đây để kéo giảm kẹt xe. Hiện nay dự án ở đây thi công giai đoạn 1, nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư cho giai đoạn 2 hoàn chỉnh nên rất khó kéo giảm kẹt xe.

“Q.2 rất sốt ruột trước nạn kẹt xe ở Cát Lái. Đề nghị Sở Giao thông vận tải TP sớm khởi công xây cầu qua đảo Kim Cương để giảm áp lực giao thông cho đường Đồng Văn Cống. Đồng thời khởi công mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 30m vào quý 4-2017 để giảm áp lực giao thông khu vực này” – ông Khiết đề nghị.

Theo ông Trần Sỹ Thắng – phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, bên cạnh việc mở rộng đường Nguyễn Thị Định cũng cần mở rộng đường Đồng Văn Cống để tăng thêm một làn xe. Đồng thời triển khai mở rộng mặt đường từ cầu Phú Mỹ đến trạm thu phí cầu Phú Mỹ để xoá điểm đen tai nạn giao thông tại dốc cầu Phú Mỹ.

Về các dự án giải quyết kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Bùi Xuân Cường – giám đốc Sở Giao thông vận tải – cho biết dự kiến ngày 30-6 xây xong nhánh cầu vượt bằng thép trên đường Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn (Q.Phú Nhuận – Gò Vấp) và nhánh cầu vượt Trường Sơn – Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (Q.Tân Bình).

Theo ông Cường, khi thông xe hai cầu vượt này sẽ giảm bớt kẹt xe ở cửa ngõ sân bay.

Áp lực kẹt xe ở TP.HCM vẫn nặng nề
Đồ hoạ: Tấn Đạt

Gắn trách nhiệm cá nhân ở từng điểm kẹt xe

Ông Huỳnh Trung Phong, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP, cho rằng biện pháp để kéo giảm kẹt xe tại từng điểm là cần quy định rõ họ tên từng người, đơn vị chịu trách nhiệm tại điểm kẹt xe để quy trách nhiệm.

Đồng tình với ý kiến của ông Phong, ông Bùi Xuân Cường cho biết bên cạnh việc xác định trách nhiệm của cá nhân, Sở Giao thông vận tải đề nghị các khu quản lý giao thông đô thị phải rà soát tại các điểm có nguy cơ kẹt xe để khi đèn tín hiệu giao thông bị hỏng, biển báo giao thông không phù hợp thì có ngay biện pháp xử lý.

Theo ông Cường, việc xử lý các điểm kẹt xe không chỉ có giải pháp công trình (xây dựng cầu, đường), mà những giải pháp phi công trình cũng góp phần giải quyết kẹt xe.

Chẳng hạn tại các giao lộ, do vạch sơn đường bị mờ nên nhiều người đậu xe lên vạch sơn dành cho người đi bộ, hoặc vào lúc trời mưa nhiều người đậu xe ở dạ cầu, đường hầm sông Sài Gòn gây kẹt xe.

Do đó việc sơn lại đường, hoặc việc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn phát áo mưa cho người đậu xe trong đường hầm cũng có tác dụng giúp giảm kẹt xe.

Theo ông Cường, trong khi TP chưa có nguồn vốn đủ mạnh để đầu tư hạ tầng giao thông thì việc cải thiện tình hình tại 25 điểm/37 điểm kẹt xe là điều cần ghi nhận.

“Trong năm 2017, TP đang có nhiều công trình thi công xây dựng hạ tầng và có đến 131 “lô cốt” chiếm dụng mặt đường. Đồng thời đến tháng 6 này TP có hơn 8 triệu xe máy và ôtô, nên áp lực giao thông tại TP sẽ còn tăng cao” – ông Cường nhận định.

Không chỉ có 37 điểm kẹt xe?

Theo ông Đỗ Diệp Gia Hợp – phó phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải, trong số 37 điểm có nguy cơ kẹt xe ở TP, qua đánh giá có 25 điểm chuyển biến tốt, 2 điểm ít chuyển biến và 10 điểm có tình hình giao thông phức tạp.

Ông Hợp cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện các giải pháp phi công trình như phân luồng giao thông hợp lý, cắt bớt vỉa hè, mở rộng các góc đường, lắp đặt bổ sung dải phân cách, lắp đèn tín hiệu giao thông để kéo giảm kẹt xe.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Phong cho rằng nếu lấy tiêu chí ùn tắc để xác định số vụ kẹt xe thì TP không chỉ có 37 điểm kẹt xe, mà còn có thêm rất nhiều điểm kẹt xe mới. Bởi theo ông Phong, tình hình giao thông ở cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chánh Hưng, quốc lộ 1 – Dương Đình Cúc… hội đủ các tiêu chí kẹt xe.

NGỌC ẨN – HỒNG LY