11/01/2025

Ùn tắc ở cảng Cát Lái: Phía đông TP. Hồ Chí Minh kẹt cứng

Cảng container hiện đại và lớn nhất nước cũng đang rơi vào tình cảnh như sân bay Tân Sơn Nhất, kẹt cả trong lẫn ngoài.

Ùn tắc ở cảng Cát Lái: Phía đông TP. Hồ Chí Minh kẹt cứng

Cảng container hiện đại và lớn nhất nước cũng đang rơi vào tình cảnh như sân bay Tân Sơn Nhất, kẹt cả trong lẫn ngoài.

 

 

Ùn tắc ở cảng Cát Lái: Phía đông TP. Hồ Chí Minh kẹt cứng
Xe tải và xe container xếp hàng dài qua cầu Giồng Ông Tố (hướng về cảng Cát Lái) gây khó khăn cho người đi xe máy qua khu vực này – Ảnh: HỮU KHOA

Xếp dỡ tới một nửa tổng số container của cả nước nhưng cảng Cát Lái (TP.HCM) lại đang vất vả tìm lối thoát khỏi tình trạng kẹt xe nghiêm trọng cả trong lẫn ngoài.

Kẹt xe có khi lên đến 5-6 tiếng, diễn ra nhiều thời điểm khác nhau trong ngày đã khiến các tuyến đường quanh cảng Cát Lái như Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ… (quận 2, 9 và Thủ Đức, TP.HCM) trở thành nỗi ám ảnh của người dân, giới tài xế và doanh nghiệp.

Kẹt cả ngày lẫn đêm

Từ 9h-10h sáng 17-6, chúng tôi có mặt tại giao lộ Võ Chí Công – Nguyễn Thị Định (nút giao thông Mỹ Thủy), dòng xe tải, xe container xếp hàng nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp về hướng cảng Tân Cảng Cát Lái.

Trên đường Đồng Văn Cống, nhiều xe tải chôn chân tại chỗ. Dòng xe chạy trên đường Mai Chí Thọ từ hướng xa lộ Hà Nội đổ về cảng Cát Lái cũng phải nhích từng chút một. Cảnh sát giao thông phải điều tiết cho các xe chạy thẳng về hướng hầm Thủ Thiêm để giảm bớt áp lực ngay giao lộ này.

Trên đường Võ Chí Công, từ nút giao thông Mỹ Thuỷ đến cầu Phú Mỹ, xe cộ dường như không nhúc nhích. Hàng trăm container xếp thành hàng dài vài kilômet. Nhiều tài xế tranh thủ xuống xe đi mua nước uống.

Trong khi đó, nhiều tài xế trên đường Nguyễn Thị Định cũng lắc đầu ngán ngẩm vì ngày nào cũng chịu cảnh kẹt xe nhiều giờ liền.

Theo tài xế Nguyễn Công Danh (Q.Tân Bình), khu vực này kẹt xe cả ngày lẫn đêm. Vào 4 khung giờ cao điểm 6h-10h sáng, 13h-15h chiều, 16h-18h tối và 2h-4h sáng mỗi ngày, hầu hết các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái kẹt cứng, xe tải xếp hàng dày đặc trên đường.

Đặc biệt là từ ngày thứ tư đến thứ sáu hằng tuần kẹt xe rất nghiêm trọng, có khi mất 3-4 tiếng chưa qua được đoạn kẹt xe này. Không chỉ vậy, toàn bộ tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống đều bị hư hỏng, mặt đường sụt lún, tạo thành những rãnh lớn trên đường, xe cộ đi lại rất nguy hiểm.

Mới đây, vào ngày 7-6, tại khu vực này đã xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài hơn 6 giờ liên tiếp. Trong buổi sáng, hàng ngàn xe cộ kẹt cứng, tê liệt trên nhiều tuyến đường như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Võ Chí Công… gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải của nhiều doanh nghiệp.

Vì… nhiều xe?

Trả lời câu hỏi vì sao tình hình kẹt xe tại khu vực này ngày càng nặng nề như vậy, ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho hay mới đây sở và các cơ quan chức năng đã họp bàn và đưa ra nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, nhiều xe tải và container lưu thông trên đường Võ Chí Công đoạn từ Khu công nghệ cao (Q.9) về cảng Tân Cảng Cát Lái đã vào các bến bãi ở hai bên đường để lên xuống hàng hoá gây cản trở luồng xe lưu thông.

Bên cạnh đó, còn do một số xe container không chấp hành luật giao thông đã vượt đèn vàng và bị kẹt nằm giữa giao lộ nút giao thông Mỹ Thuỷ (Q.2) án ngữ các dòng xe lưu thông khiến kẹt xe thêm trầm trọng.

Ngoài ra, công trình xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ cũng đang mở rộng mặt bằng thi công khiến mặt đường xe lưu thông bị thu hẹp. Trong khi đó, nhà thầu thi công ở nút giao thông này lại bố trí quá ít nhân viên hướng dẫn điều tiết giao thông.

Một lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP cho rằng cảng Tân Cảng Cát Lái là cảng xếp dỡ đến 50% lượng container của cả nước. Vì vậy, mỗi ngày có đến 20.000 xe tải, container lưu thông trên tuyến đường độc đạo Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định nên khó tránh khỏi kẹt xe.

Đồng thời có một phần nguyên nhân là do các xe ra vào cảng biển này làm thủ tục chậm khiến dòng xe nối đuôi kéo dài từ trong cảng ra đường.

Ùn tắc ở cảng Cát Lái: Phía đông TP. Hồ Chí Minh kẹt cứng
Những điểm kẹt xe và giải pháp giảm ùn ứ quanh khu vực ra vào cảng Cát Lái (TP.HCM) – Đồ hoạ: VĨ CƯỜNG

Nhiều giải pháp

Ông Trần Quang Lâm cho biết trong cuộc họp với các đơn vị chức năng mới đây, sở đã thống nhất các giải pháp xử lý kẹt xe như yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công bố trí lực lượng kết hợp với cảnh sát giao thông tổ chức điều tiết giao thông 24/24 giờ; yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 2, chủ đầu tư dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ.

Ngoài việc giải quyết nhanh thủ tục trực tuyến cho xe vào nhận hàng trong cảng, cảng cần thông báo cụ thể giờ giấc cho chủ hàng đưa xe đến cảng nhận hàng, thay vì hiện nay nhiều xe mất nhiều thời gian chờ đợi nhận hàng quá tải gây kẹt trong cảng và ở ngoài đường.

Bên cạnh đó, ông Trần Quang Lâm cho biết sở yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 2 trình gấp dự án làm đường nối từ Tân Cảng Cát Lái ra đường Võ Chí Công để sớm triển khai thi công nhằm kéo giảm áp lực giao thông trên tuyến đường độc đạo Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống và Võ Chí Công.

Sở Giao thông vận tải sẽ thúc đẩy sớm triển khai dự án làm đường qua đảo Kim Cương (đường ven sông đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ. Đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sớm hoàn chỉnh dự án xây dựng nút giao thông An Phú trên đường Mai Chí Thọ (Q.2).

Ngay trong tuần tới sở sẽ thực hiện ngay việc cắm biển báo hạn chế xe container lưu thông trên một tuyến vào một công ty ximăng vì thường xuyên gây kẹt xe và mở tuyến đường D vào Khu công nghiệp Cát Lái để kéo giảm kẹt xe cho các tuyến đường ở khu vực Cát Lái…

Điểm nóng 
Mỹ Thuỷ

Về tiến độ dự án 837 tỉ đồng xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, ông Lê Ngọc Hùng – giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, chủ đầu tư dự án – cho biết gói thầu xây dựng cầu Kỳ Hà 2 khởi công tháng 6-2016 đến tháng 2-2017 đã thông xe.

Còn gói thầu xây dựng cầu vượt trên đường Võ Chí Công và hầm chui rẽ trái về đường Nguyễn Thị Định đã khởi công vào tháng 11-2016, sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào tháng 11-2017, vượt tiến độ 3 tháng.

Hàng chục nghìn tỉ đồng “giải cứu” 

* 432 tỉ đồng xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2, Q.2 (dự án).

* 5.732 tỉ đồng xây dựng đường nối từ cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái (xa lộ Hà Nội, Q.9, còn gọi là đường vành đai 2) (dự án).

* 1.324 tỉ đồng xây dựng đường nối Bình Thái – Phạm Văn Đồng (Q.9, Thủ Đức, còn gọi là đường vành đai 2) (dự án).

* 2.955 tỉ đồng xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức, còn gọi là đường vành đai 2) (đã làm lễ động thổ vào cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.335 tỉ đồng).

* 869 tỉ đồng xây dựng đường song hành với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (Q.2) (đã khởi công tháng 4-2017, được xác định lại vốn đầu tư 808 tỉ đồng).

* 250 tỉ đồng cải tạo nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc, Q.2) (dự án).

* 274 tỉ đồng xây dựng cầu Bà Cua, Q.2, nhánh phải trên đường vành đai phía đông (dự án).

* 494 tỉ đồng xây dựng cầu qua đảo Kim Cương (đường ven sông) đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ, Q.2 (dự án dự kiến khởi công tháng 9-2017).

* 450 tỉ đồng xây cầu Tăng Long, Q.9 (dự án).

* 425 tỉ đồng xây cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.9 (dự án).

* 2.032 tỉ đồng xây dựng nút giao An Phú, Q.2 (dự án).

N.ẨN

NGỌC ẨN – THU DUNG