Loạn thần sau sinh là bệnh lý liên quan trực tiếp đến quá trình thai sản, có thể là nguyên nhân trực tiếp, bệnh nhân có tổn thương, thay đổi về mặt hormone, nhiễm độc…, ảnh hưởng đến chức năng não bộ, biểu hiện triệu chứng loạn thần
Nhận biết trầm cảm, loạn thần sau sinh
Loạn thần sau sinh là bệnh lý liên quan trực tiếp đến quá trình thai sản, có thể là nguyên nhân trực tiếp, bệnh nhân có tổn thương, thay đổi về mặt hormone, nhiễm độc…, ảnh hưởng đến chức năng não bộ, biểu hiện triệu chứng loạn thần
Theo dõi thông tin trên báo chí vừa qua về nghi án người mẹ trẻ ở xã Hữu Bằng, H.Thạch Thất, Hà Nội giết con mình mới 33 ngày tuổi có thể do bị trầm cảm sau sinh, TS-BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng người mẹ chỉ giết con mà không làm hại đến mình là không phù hợp với bệnh trầm cảm sau sinh.
Truyền hình trực tiếp: Hiểu về trầm cảm và loạn thần sau sinh
Vào lúc 9 giờ sáng nay (16.6), truyền hình Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về chứng trầm cảm và loạn thần sau sinh. Khách mời của chương trình gồm TS-BS Ngô Tích Linh, Chủ nhiệm bộ môn tâm thần Trường đại học Y Dược TP.HCM và Hoa hậu Diễm Hương. Mời các bạn theo dõi và đặt câu hỏi trên website thanhnien.vn, Facebook và YouTube Báo Thanh Niên.
“Bởi lẽ, trầm cảm sau sinh thường có biểu hiện mệt mỏi, chán chường, buồn bã, người bệnh cố gắng vượt qua, nếu không vượt qua được thì mới tìm đến cái chết và trước khi tự sát thường giết con, giết chồng…”, TS-BS Dương Minh Tâm cho biết.
Theo TS-BS Tâm, với trường hợp sản phụ nói trên, có thể bị bệnh loạn thần sau sinh, dẫn đến hoang tưởng, ảo giác liên quan đến tên người mà bệnh nhân viết ra trên cầu thang; hoặc là phản ứng tâm lý nhất thời sau sinh do mâu thuẫn, tức tối về việc gì đó khiến bệnh nhân bộc phát hành động dại dột. “Loạn thần sau sinh là bệnh lý liên quan trực tiếp đến quá trình thai sản, có thể là nguyên nhân trực tiếp, bệnh nhân có tổn thương, thay đổi về mặt hormone, nhiễm độc… cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng não bộ, biểu hiện triệu chứng loạn thần. Bệnh này có nhiều mức độ khác nhau. Nhưng cốt lõi phụ thuộc vào nội dung mà triệu chứng loạn thần mắc phải. Ví dụ, người bệnh hoang tưởng là có ai đó rình rập theo dõi giết mình, nên họ sẽ tìm người đó, tiêu diệt người đó trước, trước khi người đó ra tay, hoặc trốn tránh. Loại nữa là ảo giác nghe có nhiều tiếng nói, nội dung xui khiến mình làm gì đó: giết con, ăn cắp, đốt nhà… Họ hành động theo ảo giác chi phối. Trong trường hợp này, phải thăm khám trực tiếp hay phải theo dõi giám định pháp y mới kết luận chính xác được, từ đó có điều trị phù hợp. Nếu bệnh nội sinh thì dùng thuốc loạn thần là chủ yếu, còn nếu do hậu quả của sinh đẻ, nhiễm độc, nhiễm trùng, viêm tắc tĩnh mạch sau xoang, tổn thương não bộ…, phải tìm nguyên nhân để điều trị phù hợp”.
“Những biểu hiện của bệnh loạn thần sau sinh thường dễ phát hiện khi bệnh nhân có sự thay đổi về tính cách, nếp sinh hoạt. Chẳng hạn: bệnh nhân thường ngủ ít hơn, có hành động, thái độ, ngôn ngữ và cảm xúc thay đổi nhiều so với trước. Phải chẩn đoán chính xác mới áp dụng phác đồ điều trị bệnh loạn thần sau sinh”, theo TS-BS Minh Tâm.
Trong suốt thai kỳ và sau khi sinh con, việc người mẹ lo âu là trải nghiệm bình thường, một phần là do sự biến đổi hormone.
Trầm cảm sau sinh
BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 (H.Thường Tín, Hà Nội), cho biết: Sau sinh cũng là một giai đoạn thay đổi lớn về tâm sinh lý nên một số bà mẹ xuất hiện rối loạn trầm cảm. Người mẹ có biểu hiện đặc thù: từ chối con, không cho con bú, thờ ơ, thậm chí có hành vi ác với con, giết con. Khi người ta thực hiện những hành vi này là tình trạng ý thức bị thu hẹp. Cũng có trường hợp trầm cảm buồn bã, mất ngủ, tự sát. Theo BS Cương, bệnh nhân đến điều trị bệnh lý này không nhiều, bởi có thể là biểu hiện nhẹ, hầu hết sản phụ lấy lại được cân bằng tâm lý sau khi được gia đình chăm sóc, động viên…, giúp các chỉ số sinh học của cơ thể bình thường trở lại.
BS La Đức Cương cho hay bệnh viện này từng tiếp nhận bệnh nhân nữ vào viện trong tình trạng suy kiệt do không ăn, mất ngủ triền miên, bỏ mặc con không chăm sóc. Cũng có trường hợp bệnh nhân sau sinh được nhà chồng đưa đến do thấy người mẹ có hành vi độc ác với con: không chăm con, dìm con trong nước. “Chúng tôi điều trị cho bệnh nhân đồng thời phải tư vấn, hướng dẫn cho gia đình trong việc chăm sóc, động viên người mẹ, và đặc biệt lưu ý đến sức khỏe tâm thần của bà mẹ trong các lần sinh sau. Hầu hết các bà mẹ sau khi được điều trị khỏi ở những lần sinh sau không thấy xuất hiện trầm cảm với những hành vi gây nguy hiểm cho em bé”, BS Cương cho biết.
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, quá trình mang thai và sinh con có thay đổi rất lớn về tâm sinh lý, nội tiết tố với người phụ nữ. Thêm vào đó là tâm lý cho cuộc sống mới cũng thay đổi gây ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần. Ở một số người đã tiềm ẩn các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, khi có thêm các yếu tố tác động mạnh về tâm thần dẫn đến rối loạn, loạn thần, trầm cảm sau sinh. Một số trường hợp có thể tự sát, hủy hoại bản thân nhưng có người lại hung hãn có hành vi mất kiểm soát đối với chồng, con. Đó là bệnh lý cần bắt buộc điều trị bởi các bác sĩ tâm thần. Tuy nhiên, với một người khi có hành vi nguy hiểm cho người khác, để khẳng định hành vi đó có rối loạn về tâm thần hay không cần được giám định bởi các chuyên gia về pháp y tâm thần.