25/01/2025

Sách thiếu nhi: Ngập tràn sách ngoại và hụt hơi sách nội

Một nhóm phụ huynh gồm các trí thức là giảng viên đại học, làm xuất bản, phát hành sách… cùng nhau bắt tay làm sách thiếu nhi chỉ vì “chúng tôi nhận thấy có nhiều đầu sách rất cần cho con trẻ nhưng chưa có ở Việt Nam”.

 

Sách thiếu nhi: Ngập tràn sách ngoại và hụt hơi sách nội

Một nhóm phụ huynh gồm các trí thức là giảng viên đại học, làm xuất bản, phát hành sách… cùng nhau bắt tay làm sách thiếu nhi chỉ vì “chúng tôi nhận thấy có nhiều đầu sách rất cần cho con trẻ nhưng chưa có ở Việt Nam”.

 

 

 

 

Sách thiếu nhi: Ngập tràn sách ngoại và hụt hơi sách nội
Thị trường sách thiếu nhi gần đây sôi động hẳn với sự cạnh tranh làm sách đẹp, sách hay và phong phú thể loại. Trong ảnh: độc giả nhí đọc sách tại đường sách TP.HCM chiều 11-6 – Ảnh: TỰ TRUNG
Sự hấp dẫn của ngôn ngữ đối với các em thiếu nhi không hẳn ở sự chỉn chu đúng chuẩn, các trang sách sẽ quyến rũ và chiếm được nhiều tình cảm của bạn đọc thiếu nhi hơn nếu người dịch biết phá cách, biết chọn giọng văn cho phù hợp với các kiểu nói năng của trẻ con đương thời.
Một phụ huynh là giảng viên đại học chia sẻ.

Đây là duyên khởi để nhóm Kid’s Books ra đời, với thành viên là những người có thế mạnh bao quát thị trường sách các nước, nên vừa qua Kid’s Books đã chọn dịch loạt sách Phép ứng xử dành cho trẻ em để cập nhật những cách dạy con của người Nhật.

Mới đây, một phụ huynh trong nhóm phát hiện bộ sách Học thế nào bây giờ của giáo sư André Giordan đang được bán chạy ở Pháp nên đã mua bản quyền và dịch, quyển đầu tiên vừa ra mắt nhân dịp hè năm nay.

Tràn ngập sách ngoại

Đời sống càng hiện đại, thiếu nhi ngày càng được quan tâm, điều này mở ra một thị trường sách thiếu nhi ngày càng đa dạng. Những câu chuyện cổ tích ngày xưa, những dòng lịch sử bằng tranh hay các loại tranh truyện Việt Nam không còn bắt mắt trước sự “tấn công” ồ ạt của các dòng sách thiếu nhi nước ngoài.

 

Trong nửa đầu năm nay, làng sách chứng kiến loạt sách “khổng lồ” (Big Books) do Đinh Tị mua bản quyền từ NXB Usborne (Anh) và tung ra thị trường 15 quyển bắt mắt các cô cậu thiếu nhi: về các loài động vật khổng lồ, các loài khủng long, cơ thể người, những con bọ, những con quái vật, các loại tàu thuyền, các 
ngôi sao và các hành tinh….

Lật giở những trang sách màu có kích cỡ lên đến 1m với các hình ảnh được thể hiện ấn tượng, nội dung được các tác giả nổi tiếng làm nên từ những ý tưởng cực thông minh, mới biết sách thiếu nhi là cả thế giới mênh mông mà những nhà làm sách trong và ngoài nước vẫn đang còn “đất” để đầu tư, sáng tạo.

Bộ Big Books này được Đinh Tị mua bản quyền từ 
đầu năm, đến nay đã tái bản.

Cùng theo đuổi mục tiêu làm các sách đẹp, in ấn kỹ thuật cao, Công ty Đông A năm nay có quyển Nhật ký của bố và bé với khái niệm sách ở đây được mở rộng ra thành nơi vừa ghi chép các kỷ niệm vừa lưu giữ hiện vật là những bức thư, những tấm ảnh kỷ niệm…

Việc tìm kiếm mảng sách kiến thức của NXB Trẻ vừa qua đã “bắt” được một số nhan đề hấp dẫn, đáng kể nhất là bộ sách Đến thăm thành phố của tớ (gồm 11 quyển) dành cho học sinh tiểu học, bộ Học ứng xử qua ngụ ngôn của họa sĩ Bỉ Quentin Gréban.

TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cũng có bộ sách Nói sao cho con hiểu – hiện được xem là bộ sách tâm lý, kiến thức có tính ứng dụng cao và hàm lượng tri thức đáng tin cậy của tác giả Việt Nam.

Theo đuổi dòng sách phổ cập kiến thức cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng có nhiều đầu sách được thể hiện sinh động, điển hình như bộ sách Hành trình biến đổi: Các em sẽ được biết hạt gạo ra đời thế nào, giấy sinh ra từ gỗ bạch đàn ra sao… hay bộ Những người sống quanh em giúp các em hiểu hơn về công việc của những người vốn quen thuộc.

Chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các sách kỹ năng do người Việt viết hướng dẫn cho trẻ em Việt, chẳng hạn từ đặc thù sông nước ở Việt Nam, chúng ta có bộ sách kỹ năng phòng chống đuối nước đủ hay và hấp dẫn.

Ông Cao Xuân Sơn – phó giám đốc NXB Kim Đồng

Trong nước hụt hơi…

Ngoài các dòng sách văn học, thị trường sách thiếu nhi càng lúc càng nhiều thách thức cho các nhà làm sách trong nước.

Khi Nhã Nam tung ra loạt sách tranh truyện của họa sĩ Oliver Jeffers mua bản quyền từ NXB HarperCollins Children’s Books với các tựa nổi tiếng như Trái tim cất trong chai, Ngày sáp màu theo nhau bỏ việc, Cậu bé ăn sách phi thường, Lạc mất và tìm thấy…; giới làm sách cho rằng đây là một quyết định “mạnh tay” của Nhã Nam, vì giá giao dịch bản quyền đối với “nhà” này thường rất cao.

Nhưng “đắt xắt ra miếng”, tác phẩm của Oliver Jeffers đang xếp hàng đầu thế giới về sách tranh cho thiếu nhi và việc đem những ấn phẩm này về cho trẻ con Việt Nam là một nội dung Nhã Nam từng theo đuổi nhiều năm nay. Tuy nhiên, bạn đọc không thể biết việc đàm phán để thực hiện loạt sách này vất vả thế nào.

Ông Nguyễn Xuân Minh – đại diện Nhã Nam phụ trách mảng sách thiếu nhi – cho hay: “Họ yêu cầu bản dịch của mình cũng phải viết tay, kể cả vị trí chữ, vị trí những điểm màu trên trang cũng phải theo yêu cầu khắt khe của họ, và các đoạn chữ trong bản dịch nếu dài hơn bản gốc cũng bị yêu cầu điều chỉnh.

Và thế là một trang sách cứ phải duyệt đi duyệt lại mới đạt yêu cầu để đi in”. Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện “bếp núc” của việc làm sách thiếu nhi mà các đơn vị làm sách Việt Nam phải đối diện.

Và chọn cách dịch sao cho hấp dẫn thiếu nhi cũng không đơn giản. Hiện nay, nhiều phụ huynh cho rằng Nhã Nam và Kim Đồng là hai đơn vị có chú ý về văn phong các bản dịch của sách thiếu nhi.

Nhưng bước vào thế giới sách hiện đại mới thấy giải pháp kỹ thuật lại là vấn đề “hụt hơi” đối với các đơn vị làm sách Việt Nam, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đa dạng hoá loại hình sản phẩm các sách thiếu nhi Việt Nam…

NXB Kim Đồng đang tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập, dịp này có một số sách tranh rất đẹp cần in bìa bằng kỹ thuật metalize (nhũ kim lấp lánh), “nhưng hiện chỉ có vài nhà in phía Bắc có thể đáp ứng yêu cầu này” – ông Cao Xuân Sơn, phó giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết.

Sách ngoại cho trẻ gia đình khá giả

Tính từ năm 2016 đến nay, tỉ lệ sách thiếu nhi chiếm hơn 25% trong toàn bộ các ấn phẩm của Nhã Nam. Tỉ lệ này ở NXB Trẻ là 50%. Đinh Tị cũng cho biết năm 2017 sẽ chuyển hướng đầu tư mạnh cho mảng sách thiếu nhi, sẽ chú ý vào các sách cung cấp kiến thức và khác với những sách đang có tại thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, theo ghi nhận của ông Cao Xuân Sơn, hiện nay sách tại thư viện trường các vùng nông thôn hầu hết đều là sách của NXB Giáo Dục. Như vậy, nếu chỉ sử dụng thư viện trường học, trẻ em vùng nông thôn không có cơ hội tiếp cận với những quyển sách hay, đẹp và có đẳng cấp quốc tế của Đông A, Kim Đồng, Nhã Nam, Đinh Tị…

Chia sẻ của ông Nguyễn Quang Tuấn – giám đốc Công ty sách Đinh Tị – cũng là một thực tế: Sách thiếu nhi ngoại nhập bây giờ đầu tư tốn kém nên giá thành cao, do vậy chỉ nhắm đến các 
gia đình có điều kiện.

LAM ĐIỀN