Chuyện lạ trên phố Hà Nội
Người Pháp bắt đầu quy hoạch Hà Nội theo kiểu đô thị phương Tây từ năm 1883.
Chuyện lạ trên phố Hà Nội
Người Pháp bắt đầu quy hoạch Hà Nội theo kiểu đô thị phương Tây từ năm 1883.
Cùng với quy hoạch, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản để quản lý xây dựng, trật tự, an ninh và duy trì nghiêm cho đến khi họ phải ký Hiệp định Genève năm 1954 rút khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, phố Hà Nội vẫn có những chuyện lạ.
Những ngôi nhà ôm trọn vỉa hè
Trong chiến dịch trả lại vỉa hè cho người đi bộ gần đây, trên nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin và ảnh nhà số 27 phố Tôn Đức Thắng ôm trọn vỉa hè vẫn tồn tại đàng hoàng. Thực ra không riêng nhà này, rải rác trên các phố: Hàng Giấy, Chả Cá, Hàng Cân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế và phố Huế vẫn còn các nhà nhô ra sát mép hè, nhưng nhiều nhất là Hàng Gai (từ số nhà 64 – 86 và từ 106 đến ngã tư Hàng Hòm).
TIN LIÊN QUAN
Thời vua Tự Đức, Hà Nội chỉ có vài đường ở khu vực “36 phố phường” lát gạch, còn lại là đường đất chật hẹp, chợ lấn hết lối đi. Không có quy định nên người và phương tiện tham gia giao thông theo tinh thần đạo đức truyền thống “dưới nhường trên” và “người đàng hoàng giữa đàng (đường) mà đi”.
Trước năm 1883, đường ở khu phố cổ không thẳng, không có vỉa hè, nhà thì thò ra thụt vào vì chính quyền phong kiến không quan tâm. Ở các phố buôn bán, hàng quán lấn đường che hết lối đi, lại không có rãnh thoát nước nên mép đường quanh năm lõng bõng nước. Năm 1883, Pháp chiếm Hà Nội, lập TP.Hà Nội thuộc Pháp và chủ trương quy hoạch thành phố theo kiểu phương Tây. Ngày 15.2.1890, Thống sứ Bắc kỳ ban hành nghị định ấn định chiều dài, chiều rộng lòng đường, vỉa hè ở khu vực phố cổ và các phố sẽ xây ở phía nam hồ Gươm; kèm theo là chỉ giới. Theo nghị định, vỉa hè phố Hàng Gai rộng 3 m. Ngày 21.9.1891 thành phố ban hành quy chế lục lộ do Đốc lý Beauchamp ký, điều 2 của quy chế ghi: “Những người trước khi khởi công xây nhà phải làm đơn gửi công sứ Pháp để được cung cấp chỉ giới và phải làm thẳng hàng”.
Vì đất ở khu phố cổ hầu hết là sở hữu tư nhân nên năm 1893, Tổng trú sứ Bắc kỳ và Trung kỳ (sau đổi là toàn quyền) đã ra sắc lệnh trưng mua làm cơ sở pháp lý để thực hiện quy hoạch, chỉnh đường và nhà. Điều 1 sắc lệnh ghi rõ chính phủ bảo hộ có quyền trưng mua, trưng thu nhà và đất trong thành phố để phục vụ công ích, không có ngoại lệ kể cả người châu Âu. Sắc lệnh cũng có điều khoản về mức đền bù, hỗ trợ theo các phố đã được xếp hạng. Nhưng tại sao ở Hàng Gai lại có hẳn một đoạn phố ôm trọn vỉa hè?
Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội, dân phố chạy loạn đóng cửa dắt díu nhau về quê, dân Hàng Gai cũng vậy. Chiếm trọn Hà Nội năm 1883, Pháp lấy hai nhà đẹp nhất phố Hàng Gai là số 80 và 82 làm Văn phòng Công sứ. Hai nhà này là của bà Cống Vẽ, một trong 2 nhà giàu có nhất Hà Nội thời vua Tự Đức (có câu nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ). Bộ phận hành chính phục vụ cho văn phòng cũng chiếm các nhà xung quanh lấy chỗ làm việc và để ở. Sau khi có trụ sở mới ở phía đông hồ Gươm, chính phủ bảo hộ đã trả lại nhà cho các gia đình. Ngày 29.4.1890, thành phố ra nghị định mở rộng phố Hàng Gai và những năm sau đó họ đã thực hiện nghị định này. Đình Đông Hà gần đó bị phá dỡ để mở rộng đường, dinh Nha kinh lược Bắc kỳ (đối diện Văn phòng Công sứ) cũng phải chuyển đi, rất nhiều nhà trên phố bị trưng mua và chủ đất làm nhà mới phải thẳng hàng theo chỉ giới. Tuy nhiên, những nhà từng bị trưng dụng làm nơi làm việc cho chính phủ bảo hộ được giữ nguyên và ôm trọn vỉa hè; việc làm đó như sự biết ơn của họ với dân dù đi ngược những quy định.
Có sắc lệnh trưng mua nhà đất song công việc nắn đường, làm nhà thẳng hàng không thể hoàn thành trong thời gian ngắn vì còn phụ thuộc vào tiến độ vẽ bản đồ sở hữu từng thửa trong thành phố; phụ thuộc vào quyết định của hội đồng thành phố mà hội đồng thì không phải ngày nào cũng họp; phụ thuộc vào quá trình thương thảo hợp đồng mua bán với chủ đất… Bên cạnh đó, sự chặt chẽ và nhiêu khê trong thủ tục hành chính theo từng nấc (Đốc lý thành phố phải báo cáo Thống sứ Bắc kỳ, Thống sứ lại báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương) và Toàn quyền có chấp thuận hay từ chối phải trả lời bằng công văn xuống cấp dưới. Trước năm 1893, dân chúng sợ chính quyền nên việc mua đất khá nhanh chóng, sau đó dân biết luật và thuê luật sư nên nhiều vụ việc kéo dài hàng chục năm chưa giải quyết xong. Vì thế, cho đến năm 1954 khi Pháp phải ký Hiệp định Genève rút khỏi Đông Dương thì Hà Nội vẫn còn những ngôi nhà chưa được trưng mua hoặc đã trưng mua nhưng chính quyền chưa thanh toán nên chủ đất vẫn sử dụng. Sau năm 1954, chính quyền mới làm tiếp việc này khi buộc các nhà đã nhận tiền phải di dời, trả lại đất làm vỉa hè cho thành phố.
Những ngôi nhà ôm trọn vỉa hè là đất hợp pháp từ xưa đến nay. Và nó cũng không ảnh hưởng gì đến việc đi lại cũng như quy hoạch thành phố. Đó cũng là chuyện lạ trên phố Hà Nội.
Mái hiên phố Tràng Tiền
Thợ Khảm (năm 1887 đổi thành Paul Bert, sau 1954 là phố Tràng Tiền và Hàng Khay) là phố đầu tiên xây dựng theo kiểu phương Tây. Năm 1885, Thợ Khảm là phố có vỉa hè đầu tiên và để tránh cái nắng mùa hè gay gắt ở xứ Bắc kỳ, chính quyền đã cho trồng phượng hai bên hè. Hàng phượng lớn nhanh ra hoa rất đẹp nhưng lại che mặt tiền nên chủ các cửa hàng người Pháp kiếm chuyện, họ làm đơn lên đốc lý yêu cầu chặt bỏ với lý do “mùa hè ve kêu điếc tai khiến họ không ngủ được và nó là nơi trú ngụ của muỗi gây ra các bệnh cho người châu Âu”.
Chính quyền nhượng bộ cho chặt bỏ hàng phượng và trồng loại cây khác. Ngày 21.9.1891, đốc lý thành phố ban hành quy chế lục lộ, theo đó người xây nhà phải tuân thủ các quy định như: “Ban công không được rộng quá 0,8 m, bạt che nắng trước cửa nhà dân không rộng quá 1,5 m…”.
Năm 1902, nhà hàng Godard (năm 1960 là Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, năm 1999 bị phá bỏ xây mới hoàn toàn và nay là Trung tâm thương mại Tràng Tiền) được xây dựng, chính quyền không cho phép làm hiên để phố thông thoáng. Năm 1910, tòa nhà Lacaze (nay là số nhà 91 Đinh Tiên Hoàng) hoàn thành cũng không có mái hiên.
Năm 1914, Toàn quyền Đông Dương ra sắc lệnh về xây dựng và chỉnh trang các thành phố thuộc địa thì Đốc lý Hà Nội lại cho chặt bỏ cây xanh và cho phép các tòa nhà lớn ở Tràng Tiền được làm mái hiên bằng bạt rộng che nửa vỉa hè. Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra và nước Pháp là một bên tham chiến, vì thế quản lý thuộc địa có phần lỏng lẻo nên các công trình trên phố Tràng Tiền được phép dùng bạt có cột chống phủ kín vỉa hè.
Việc che bạt kín mít vỉa hè làm phố phường mất mỹ quan nên năm 1920, chính quyền đã đồng ý cho các toà nhà lớn ở Tràng Tiền được làm mái hiên che kín hè bằng vật liệu bền chắc. Vì thế, nhà hàng Godard và một số toà nhà khác đã làm mái hiên mới với cột đỡ bằng thép rất đẹp, tòa nhà Lacaze thì chủ mới xây lại theo phong cách hiện đại có mái hiên che kín hè mà không cần cột đỡ và đổi tên thành Taverne. Dưới mái hiên của Taverne, chính quyền thành phố cho chủ toà nhà được thuê bán cà phê. Ngoài những mái hiên che kín vỉa hè ở phố Tràng Tiền thì số nhà 46 phố Lê Thái Tổ cũng có mái hiên che kín hè và vẫn tồn tại cho đến hôm nay.
TIN LIÊN QUAN
Giao thông công cộng xưa ở Hà Nội
Trước năm 1885, dân chúng Hà Nội đi lại trong thành phố chủ yếu là cáng, xe đẩy và thuyền vì sông Tô Lịch, Kim Ngưu và các hồ còn thông với nhau. Sau năm 1886 có thêm xe kéo tay.
Nguyễn Ngọc Tiến