24/01/2025

Mở phố đi bộ sao lại ‘bó’ thời gian?

Ủng hộ việc chuyển đường Bùi Viện ở Q.1 (TP.HCM) thành phố đi bộ nhưng nhiều chuyên gia, du khách lại tỏ ra thất vọng trước việc chỉ cho phép khu phố này hoạt động trong khung giờ cố định vào 2 ngày cuối tuần.

Mở phố đi bộ sao lại ‘bó’ thời gian?

Ủng hộ việc chuyển đường Bùi Viện ở Q.1 (TP.HCM) thành phố đi bộ nhưng nhiều chuyên gia, du khách lại tỏ ra thất vọng trước việc chỉ cho phép khu phố này hoạt động trong khung giờ cố định vào 2 ngày cuối tuần.




 

Phối cảnh tổ chức phố đi bộ Bùi ViệnẢNH: TƯ LIỆU

 

Theo dự kiến, ngày 15.7, phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) sẽ khai trương và mở cửa từ 19 giờ – 2 giờ sáng vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Sielika – du khách đến từ Hà Lan nói rất thích không khí tại phố Tây Bùi Viện, náo nhiệt, sôi động nhưng cũng rất dân dã. Các bạn trẻ VN thường xuyên đến đây giao lưu nên có thể dễ dàng kiếm một hướng dẫn viên miễn phí. Nhưng xe cộ đi lại không quá nhiều nhưng do đường nhỏ nên nếu có ô tô chạy qua cũng khó khăn cho việc đi bộ. “Cũng giống như Hà Lan hay các nước khác, khu phố đi bộ luôn là điểm đến hấp dẫn. Với riêng VN, giao thông còn khá mới lạ và cũng là nỗi lo của nhiều khách đến từ các nước phát triển nên nếu không có xe cộ, Bùi Viện sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Nhưng chỉ mở 2 ngày cuối tuần thì chắc sẽ có nhiều người bỏ lỡ điểm du lịch tuyệt vời này”, Sielika nói với vẻ tiếc rẻ khi chúng tôi cho biết phố đi bộ chỉ mở vào 2 ngày cuối tuần.
Định chuẩn chuyên nghiệp hơn
Với cái nhìn thận trọng hơn, ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc Công ty du lịch Nexus, cho rằng việc TP cho phố đi bộ hoạt động trong 2 ngày cuối tuần là bước thí điểm, từ đó lấy căn cứ để quy hoạch bài bản. “Bùi Viện bình thường vẫn hoạt động nhưng không rõ ràng, không có cơ chế, không “danh chính ngôn thuận”. Đây cũng là khu vực phức tạp về mặt giao thông nên đây có thể gọi là bước thử của TP, đo lường lượng khách, cân đối đầu tư và cũng là thời gian để người dân quen dần với nhịp sống của một khu phố đi bộ mới”, ông nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho rằng nếu TP đã xác định chủ trương xây dựng khu phố này thành phố đi bộ thì nên cho mở cả tuần. Bởi thực tế hiện nay tại đường Bùi Viện, người đi bộ nhiều hơn đi xe. Không chỉ khách du lịch mà ngay cả người trong TP từ lâu cũng đã mặc định đây là một điểm đến để vui chơi lành mạnh. Nhiều người tìm đến đây để giải trí, kết hợp học tiếng Anh. Chính điều này đã tạo nên một nét văn hoá rất riêng cho con phố, nơi trộn lẫn cả vẻ đẹp văn hoá Á Đông cùng nét hiện đại phương Tây.
 
 
Mở phố đi bộ sao lại 'bó' thời gian? - ảnh 2
Khách du lịch đến TP.HCM ai cũng muốn tới phố Tây, nhưng thường thời gian lưu trú rất ngắn. Ít ai ở cả tuần để chờ đến ngày được trải nghiệm phố đi bộ, mà đâu phải khách chỉ đến vào cuối tuần
Mở phố đi bộ sao lại 'bó' thời gian? - ảnh 3

Ông Trần Văn Long (Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt)
 
“Khách du lịch đến TP.HCM ai cũng muốn tới phố Tây, nhưng thường thời gian lưu trú rất ngắn. Ít ai ở cả tuần để chờ đến ngày được trải nghiệm phố đi bộ, mà đâu phải khách chỉ đến vào cuối tuần”, ông Long đặt vấn đề và cho rằng TP đã muốn biến Bùi Viện thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, là điểm nhấn thu hút lượng khách ngày một tăng thì phải thiết kế đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu của khách, không nên bó hẹp, hạn chế nhu cầu của khách như vậy. Cũng theo ông Long, việc quy hoạch Bùi Viện thành phố đi bộ không khống chế thời gian còn khiến các hộ kinh doanh gia đình ở đây hoạt động chuyên nghiệp hơn. “Bởi nếu đã xác định hoạt động theo một cơ chế xuyên suốt, họ sẽ điều chỉnh, chuẩn hóa từ vật dụng đến nhân viên, thái độ buôn bán, tạo thành một nhóm ngành nghề. Như thế sẽ hợp lý hơn rất nhiều so với việc cứ cuối tuần lôi bàn ghế bày ra rồi đầu tuần lại thu vào. Chưa kể hoạt động không xuyên suốt rất dễ nảy sinh tình trạng đội giá, chặt chém khách hàng”, ông cảnh báo.
Ủng hộ quy hoạch Bùi Viện thành phố đi bộ, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Uỷ viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường – Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, nhận xét quy hoạch phố đi bộ Bùi Viện sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch TP.HCM. Tuy nhiên, việc bó hẹp thời gian hoạt động của phố đi bộ là TP đang tự làm khó mình trong vấn đề quản lý. “Nếu để như cũ thì không sao. Nhưng tự dưng có 2 ngày quy hoạch thành phố đi bộ thì 5 ngày còn lại lập tức lộn xộn ngay, phải có cơ chế quản lý khác. Chỉ một đoạn đường vài trăm mét mà
1 tuần phải sử dụng tới 2 cơ chế quản lý khác nhau, vừa hạn chế sự thoải mái của khách du lịch, hạn chế buôn bán của người dân mà hạn chế luôn cả vấn đề quản lý của các cơ quan chức năng”, ông nói.
Một vị chuyên gia du lịch cũng góp ý: “Phố đi bộ quan trọng nhất là giữ được con người địa phương, sản vật địa phương, ẩm thực và văn hoá địa phương. Các yếu tố này Bùi Viện đã có, TP chỉ cần quy hoạch lại bài bản, tổ chức sản phẩm hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh tuyệt đối kết hợp nghiên cứu trình diễn các loại hình nghệ thuật đường phố một cách phù hợp là sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch thành công”.
Nên gấp rút tổ chức bãi đậu xe
Một trong những vấn đề được quan tâm là lo ngại quy hoạch Bùi Viện thành phố đi bộ sẽ ảnh hưởng đến giao thông khu vực lân cận. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng việc cấm xe chạy vào khu vực Bùi Viện, Đề Thám hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì bởi đây là con đường có đặc thù dạng xương cá, thông nhiều ngả với các đường khác xung quanh như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… nên rất dễ phân luồng thay thế.
Mở phố đi bộ sao lại 'bó' thời gian? - ảnh 4

Q.1 đang tổ chức lát đá granit trên vỉa hè đường Bùi Viện.ẢNH: NGỌC DƯƠNG

“Con đường này còn có thuận lợi là gần công viên 23 Tháng 9, có thể sử dụng làm hầm gửi xe. Hai đầu đường Bùi Viện, đoạn Đề Thám cũng có thể tổ chức các bãi xe dưới 100 chỗ. Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá kinh doanh trong phố đi bộ, có thể dùng các xe cơ giới loại nhỏ. Trong khu vực phố đi bộ cần có các nhân viên an ninh. Nên học tập phố đi bộ ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải… có cảnh sát tuần tra di chuyển bằng xe đạp, mọi hoạt động vận chuyển hàng hoá đều làm vào ban đêm khi ít khách, sạch sẽ, không ồn ào. Như vậy vừa thuận lợi, lại dễ dàng quản lý”, ông Ninh hiến kế.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, muốn quy hoạch phố đi bộ một cách bài bản, hoạt động liên tục suốt tuần, TP cần kinh phí để xây dựng bãi xe 2 đầu tuyến đường. Bãi xe này không chỉ đủ cho khách du lịch mà còn phải đáp ứng cả nhu cầu của người dân sống trong khu vực đó. “Khai trương vào tháng 7 này mà hiện chưa có động thái của việc xây khu để xe thì có thể coi việc quy hoạch phố đi bộ Bùi Viện mới chỉ dừng ở bước thí điểm. Đợi đến khi có kinh phí để đầu tư bài bản, sẽ có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề giao thông tuyến đường này”, vị này nhận định.
Điểm nhấn du lịch
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nên tổ chức phố đi bộ cả tuần chứ không nên bó hẹp trong 2 ngày cuối tuần. Cấm không cho mọi phương tiện giao thông khác được phép lưu thông trong tuyến đường này. Cùng với đó, tập hợp, quản lý các hàng rong, các hộ buôn bán theo một cơ chế thống nhất, chặt chẽ. Làm được như vậy, Bùi Viện sẽ thành nơi để không chỉ khách du lịch mà cả người dân TP được thoải mái đi bộ, ăn uống, mua bán đồ lưu niệm. Nếu tổ chức tốt, không những trở thành phố đi bộ, Bùi Viện có thể trở thành điểm nhấn về du lịch và khu phố kinh tế của cả TP.HCM.





 

Hà Mai