28/11/2024

Xóm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai

Đều đặn mỗi 5h30 sáng các ngày thứ ba, năm và bảy trong tuần, Tú – một chàng trai 22 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội – đi gần 30km vào Bệnh viện Bạch Mai. Tú bị suy thận mãn và phải chạy thận 3 năm nay.

 

Xóm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai

 Đều đặn mỗi 5h30 sáng các ngày thứ ba, năm và bảy trong tuần, Tú – một chàng trai 22 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội – đi gần 30km vào Bệnh viện Bạch Mai. Tú bị suy thận mãn và phải chạy thận 3 năm nay.

 

 

 

Xóm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai
Anh Phạm Duy Tha (33 tuổi, Hà Nam), chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai, sống trong căn gác bé xíu ở “xóm chạy thận” mà vợ chồng anh gắn bó mấy năm nay – Ảnh: Q.LIÊN

Vẻ ngoài trông Tú như mọi thanh niên khác, chỉ có điều nước da tai tái. Tú từng là một thanh niên cường tráng.

Một ngày cách đây ba năm Tú thấy mỏi mệt, không ăn được và chỉ muốn ngủ. Đi khám, các bác sĩ kết luận Tú đã suy thận độ 4. Từ đó, số mệnh gắn Tú với Bệnh viện Bạch Mai với những dây truyền và bước vào cuộc đời chạy thận.

Đã ngặt lại nghèo

Tú cho biết dù mới 22 tuổi nhưng anh không thể kiếm được việc làm vì thời gian trong tuần phụ thuộc vào ca chạy thận, mỗi tuần mất ba buổi sáng cho việc đi, về 60km để chạy thận, không còn thời gian đi làm.

Bên hành lang khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, chị V. ngồi thẫn thờ. Trông chị già hơn tuổi 43 rất nhiều. Chồng chị 44 tuổi, anh đã chạy thận ở khoa này 14 năm – từ khi tuổi 30, sau khi cưới vợ được một năm. Và chị gần như phải túc trực nuôi chồng ở đây chừng đó năm.

Gia đình chị V. hiện đang ở trọ ở xóm chạy thận ngay đối diện cổng chính Bệnh viện Bạch Mai, trên phố Lê Thanh Nghị và thường được gọi là “xóm chạy thận”.

Những người phải chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai gần như ai cũng phải có người nhà kèm theo đỡ đần, để mỗi lúc biến chứng là đưa vô bệnh viện cấp cứu ngay.

Đó cũng là lý do “xóm chạy thận” hình thành ngay bệnh viện dù giá phòng trọ ở đây khá đắt đỏ với người chạy thận, từ 1 – 1,8 triệu đồng cho căn phòng 5-10m2.

Cùng xóm với vợ chồng chị V. có anh Phạm Duy Tha. Mỗi lần chạy thận về, anh Tha kiệt sức đến mức không thể leo lên phòng trọ tầng hai mà buông balô rồi ngồi phịch xuống nền đất.

Vì không có sức khoẻ, anh Tha cũng chỉ luẩn quẩn từ phòng trọ đến hàng nước đầu ngõ, “không khác gì cầm tù” – anh nói.

Anh Tha quê ở Hà Nam, năm nay 33 tuổi, người xanh rớt nhỏ thó, chỉ khoảng 37kg, có 5 năm chạy thận. Ngày chưa bệnh anh làm thợ mộc, dù không khá giả nhưng đủ nuôi vợ con. Nhưng từ khi mắc bệnh, gia đình rơi vào cảnh túng bấn.

Cách đây khoảng hai năm anh còn gắng đi bưng bê, rửa bát kiếm tiền nhưng ba năm trở lại không thể làm việc gì do suy kiệt. Tất cả giờ phụ thuộc hoàn toàn vào 3 triệu đồng tiền lương công nhân vệ sinh của vợ: tiền thuê trọ, điện nước, tiền học cho hai con đều nằm trong đó.

May mà hai con được nội, ngoại cưu mang ở quê. Nhưng cuộc đời có vẻ chưa buông tha gia đình anh: cậu con trai 9 tuổi lại bị viêm cầu thận mãn tính, rất có thể tương lai cũng chịu chung số phận như bố.

Anh Tha là một trong hơn 130 hoàn cảnh ở “xóm chạy thận”: bệnh tật, đau đớn, suy kiệt và túng thiếu.

Chòi đạp kiếm sống

Để tiết kiệm chi phí, những bệnh nhân tại đây thường thuê chung phòng trọ, như bà Cốm cùng hai bệnh nhân ở trong căn phòng chưa đầy 7m2, đủ kê được hai cái giường 1,2m.

Phần còn lại để đồ đạc. Riêng bà Cốm nằm trên chiếc giường nhỏ trong góc. Bà cho biết chưa đêm nào ngon giấc, lúc nào cũng phải nằm co vì trên đầu là quạt, dưới chân là hòm đựng đồ…

Hoàn cảnh bà Cốm còn đỡ hơn hai bệnh nhân cùng phòng khi không quá vất vả với việc mưu sinh để chữa bệnh, kiếm sống vì có đồng lương hưu công nhân khoảng 2 triệu đồng/tháng và phần hỗ trợ từ con cái.

Hai bà còn lại dù tuổi cao và bệnh tật vẫn phải đi bán nước thuê, hoặc có hôm cảm thấy sức khoẻ tốt đi mua đồng nát bán lại…

Học, 32 tuổi, một bệnh nhân chạy thận được 3 năm, cho biết khó khăn nhất đối với bệnh nhân chạy thận lúc nào cũng là tiền.

Hiện bệnh nhân chạy thận được bảo hiểm y tế chi trả từ 80 – 100% nhưng số tiền ngoài bảo hiểm cho những thuốc kích hồng cầu, đạm, thuốc bổ, quả lọc mới… để có sức khoẻ tốt hơn là rất đắt đỏ.

Học cho biết thực ra chi phí ăn uống, sinh hoạt đối với bệnh nhân chạy thận không nhiều vì hầu hết phải ăn kiêng, rất đạm bạc.

Tiền thuê nhà có thể tiết kiệm được. Nhưng những chi phí ngoài bảo hiểm thì không tiết kiệm được, vì tiết kiệm đồng nghĩa với việc sức khoẻ yếu, không đủ sức khoẻ điều trị tiếp, do đó buộc phải tự kiếm tiền để chi trả nếu như muốn điều trị tốt hơn.

Trong quá trình chạy thận, Học làm đủ nghề để kiếm sống. Nhưng nghề nào cũng chỉ được thời gian ngắn, vì sức khoẻ và vì phụ thuộc thời gian vào chu kỳ lọc máu.

Theo khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, tất cả bệnh nhân trong khoa đều có bảo hiểm y tế, nếu không sẽ không chịu nổi chi phí khoảng 100 triệu đồng/năm/bệnh nhân.

Tìm hạnh phúc trong nghiệt ngã

Nhóm của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo mà H.H.N. – một chàng trai Hà Nội là bệnh nhân suy thận mãn – là thành viên có khoảng 410 người.

Họ đều là người bệnh suy thận ở khắp các tỉnh thành. Cùng cảnh ngộ nên họ rất hiểu và thương nhau, sẵn sàng chia sẻ những lúc khó khăn.

Những ngày này khi nhiều bệnh nhân suy thận mãn ở Hòa Bình phải về Hà Nội chạy thận, một chị thành viên trong nhóm thông báo đã lo sẵn thông tin về chỗ ăn ở cho tất cả những người có nhu cầu.

Mà không chỉ bệnh nhân Hoà Bình, bất kỳ bệnh nhân suy thận nào có khó khăn về chỗ ở chị đều sẵn sàng. Họ luôn giúp nhau vì đồng cảnh ngộ.

Mỗi khi có thành viên ở các tỉnh về Hà Nội khám, các thành viên đều rất sẵn sàng đưa đón. “Thỉnh thoảng nhóm lại tổ chức đi chơi xa, gần đây nhất là chuyến đi Sầm Sơn, Thanh Hoá. Khác hẳn với những đội nhóm khác, khẩu hiệu của nhóm bệnh nhân chúng tôi là đoàn kết – vui chơi – chia sẻ nhưng sức khỏe phải đặt lên hàng đầu” – N. cười cho hay.

Theo N., nhờ có nhóm kết đôi, hiện đã có một cặp đang yêu. Đó là Hằng và Linh, hai người sống cách nhau cả trăm cây số, khác tỉnh.

Tình yêu giúp họ vượt qua bệnh tật và hoàn cảnh khắc nghiệt. Câu chuyện của họ được mọi người vun đắp, như biểu tượng khao khát cuộc sống không gì ngăn trở nổi.

Cả nước có 22.000 bệnh nhân

Theo ông Hà Huy Thắng – giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, cả nước có tới 22.000 bệnh nhân đang được lọc máu điều trị tại 108 cơ sở y tế.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mãn, mà một nguyên nhân rất thường gặp là viêm cầu thận mãn, ban đầu là nhiễm loại liên cầu biểu hiện bằng bệnh viêm mũi họng, nếu không được thăm khám điều trị đúng cách, một ngày nào đó liên cầu sẽ phát tác và người bệnh có thể viêm tim, viêm thận. Một lý do nữa là hệ quả của các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá đang ngày càng gia tăng.

“Chúng tôi không chỉ biết bệnh nhân mà còn biết người nhà bệnh nhân. Mỗi tuần 3 lần bệnh nhân đến chạy thận, mỗi lần chạy 3,5 – 4 giờ.

Tôi thường về nhà khi trời đã sẩm tối và đến bệnh viện từ sáng sớm, hầu như cả ngày đều gắn bó với bệnh nhân” – ông Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, nói.

Tán gia bại sản

Những người nông dân nghèo mắc bệnh lại càng nghèo hơn đã đành. Nhưng người khá giả, số phận đã quàng cái bệnh này vào người cũng coi như tán gia bại sản.

Bà Bùi Thị Cốm, 69 tuổi, đã chạy thận 8 năm nay. Trước khi bị bệnh, gia đình bà thuộc dạng khá giả.

Nhưng 8 năm nay của nả trong nhà đội nón ra đi vì bệnh dai dẳng, chữa trị tốn kém dù có bảo hiểm y tế.

Chưa hết, bệnh nhân chạy thận luôn đối mặt với những biến chứng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Khổ càng thêm khổ, tốn càng thêm tốn.

LAN ANH – QUỲNH LIÊN