Bớt hình sự hoá, ngành xuất bản đỡ ‘nghèo còn nguy hiểm’
Bà Lê Thị Nga – chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – cho biết đã bỏ một số điểm hình sự hoá nội dung xuất bản trong điều 344 của Bộ luật hình sự 2015.
Bớt hình sự hoá, ngành xuất bản đỡ ‘nghèo còn nguy hiểm’
Bà Lê Thị Nga – chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – cho biết đã bỏ một số điểm hình sự hoá nội dung xuất bản trong điều 344 của Bộ luật hình sự 2015.
Giới xuất bản hoan nghênh khi Quốc hội bỏ một số điểm hình sự hoá nội dung xuất bản – Ảnh: L.ĐIỀN |
Những ý kiến phát biểu ở Quốc hội và cộng đồng những người làm sách đã tác động đến những cơ quan soạn thảo Bộ luật hình sự. Nhưng tôi muốn nói thêm là tình trạng xuất bản lậu đã kéo dài từ rất lâu rồi, gây tổn hại rất nhiều đến lợi ích của các đơn vị làm sách và tác giả. Những hành vi này rất cần thiết phải có khung hình phạt nghiêm khắc |
Nhà sử học, đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều đại diện các đơn vị làm sách bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này.
Ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, trưởng văn phòng đại diện của hội tại phía Nam – chia sẻ ông thực sự vui “khi diễn biến của sự việc theo chiều hướng tích cực như vậy”.
Niềm vui không của riêng ngành xuất bản
Khi nói “diễn biến của sự việc theo chiều hướng”, tức là ông Lê Hoàng muốn nhắc lại khởi nguyên của câu chuyện “hình sự hoá xuất bản” trong nội dung của Bộ luật hình sự 2015 mà giới xuất bản lo ngại và cùng nhau phản biện, đấu tranh từ một năm trước đây.
Theo đó, điều 344 của Bộ luật hình sự 2015 có những nội dung gây bức xúc và “thật sự lo sợ” trong đội ngũ những người làm xuất bản.
Bởi chỉ với những lỗi mang tính nghiệp vụ, những sai sót ở mức độ xử lý hành chính đều bị xử lý hình sự. Nghĩa là ai làm nghề xuất bản đều có thể bị xử lý hình sự, nếu bộ luật mới này được áp dụng.
Vì vậy Hội Xuất bản VN đã vào cuộc, kêu gọi hội viên lên tiếng phản biện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thông qua hai cuộc hội thảo tại TP.HCM và Hà Nội có đông đảo hội viên tham dự đã đi sâu phân tích nhiều khoản bất cập trong điều 344 của Bộ luật hình sự 2015.
Văn phòng Hội Xuất bản VN tại TP.HCM tập hợp các ý kiến đóng góp và dự thảo bản kiến nghị đề nghị sửa đổi điều 344 gửi về thường vụ hội, trên cơ sở đó chủ tịch Hội Xuất bản VN Đỗ Quý Doãn đã có thư kiến nghị gửi các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…
Ông Trịnh Minh Tuấn – giám đốc Công ty sách Quảng Văn – cũng chia sẻ “việc bỏ một số điểm hình sự hoá hoạt động xuất bản giúp chúng tôi cởi bỏ gánh nặng tâm lý, cho chúng tôi niềm tin để tiếp tục dấn thân vào nghề “vừa nghèo vừa nguy hiểm” này”.
Tuy nhiên, một số nội dung kiến nghị khác của Hội Xuất bản VN vẫn chưa được Quốc hội chấp thuận, đặc biệt là điểm b, khoản 2 của điều 344: Bị phạt tù từ 2 đến 5 năm nếu:
“Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản”.
Hội đề nghị làm rõ “nội dung bị cấm” là gì để tránh bị lạm dụng vì quá chung chung.
Giới làm sách đang mong muốn nhiều hơn
Là một trong các đại biểu Quốc hội từng có kiến nghị, phân tích tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV về điều 344 của Bộ luật hình sự liên quan đến lĩnh vực xuất bản, đại biểu Lâm Đình Thắng – phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM – cho rằng:
“Điều này thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của ban soạn thảo và giúp cử tri, đại biểu có động lực đưa ra những ý kiến, phản biện thẳng thắn trong quá trình xây dựng luật”.
Ông Trịnh Minh Tuấn cho rằng với một ngành có vị trí và vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng tri thức quốc gia, thì giới làm sách đang mong muốn nhiều hơn.
Ông Tuấn đề xuất: “Thứ nhất, cần sửa đổi những bộ luật có liên quan đến ngành xuất bản như Luật xuất bản theo hướng giúp các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân tăng được nguồn lực.
Thứ hai, cần gỡ bỏ các rào cản, các điều kiện gia nhập ngành; đơn giản hoá các thủ tục hành chính và tiến tới quản lý xuất bản dựa trên nền tảng số hoá.
Thứ ba, việc sửa đổi luật phải tiến tới phù hợp với các thông lệ quốc tế về xuất bản, về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ”.
Trong khi đó, bà Trần Phương Thảo – phó tổng giám đốc ThaiHaBooks – trăn trở: “Luật xuất bản 2012 đã được chỉnh sửa tốt hơn trước, nhưng người thực thi là các đơn vị xuất bản và các đơn vị liên kết lại phối hợp với nhau chưa được đồng đều.
Chẳng hạn như chuyện cấp giấy phép sách không có bản quyền vẫn xảy ra, nhưng các cơ quan thanh tra chưa làm rốt ráo”.
Không xử lý hình sự sai phạm biên tập, duyệt bản thảo… Giải trình trước Quốc hội, bà Lê Thị Nga – chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – cho biết nhiều ý kiến cho rằng quy định tại điều 344 của Bộ luật hình sự năm 2015 xử lý hình sự đối với các hành vi: – Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo (điểm a khoản 1) – In xuất bản phẩm không có xác nhận đăng ký xuất bản (điểm b khoản 1) – Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm (điểm e khoản 1) là quá nặng. Các trường hợp trên chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính thay vì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, điều 344 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định xử lý hình sự đối với các hành vi: – Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo. – In xuất bản phẩm không có xác nhận đăng ký xuất bản – Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm. |