28/11/2024

Báo động xâm hại trẻ em qua mạng

Tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng bằng hình thức khiêu dâm, dụ dỗ chat sex, cung cấp hình ảnh khiêu dâm… đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

 

Báo động xâm hại trẻ em qua mạng

Tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng bằng hình thức khiêu dâm, dụ dỗ chat sex, cung cấp hình ảnh khiêu dâm… đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. 



Trẻ em cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ khi
tham gia môi trường mạng  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Trẻ em cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia môi trường mạngẢNH: NGỌC THẮNG

 Các chuyên gia cảnh báo, phụ huynh cần để mắt đến con cái, nhất là trong dịp hè.
“Giăng bẫy” trẻ em trên mạng xã hội


Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan lạm dụng trẻ em trên thế giới được đưa lên internet. Còn theo số liệu của Bộ Công an, trong 5 năm, từ 2012 – 2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Riêng trong năm 2016 xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục và có 1.211 trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại doạ dẫm hoặc vì lý do nào đó mà không được thống kê

Một ngày cuối tháng 5, tổng đài tư vấn của Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Codes) nhận được điện thoại của một nữ sinh lớp 9 ở Hà Nội. Qua điện thoại, em học sinh cầu cứu cán bộ trung tâm giúp đỡ khẩn cấp.
“Học sinh ấy cho biết có quen một chị qua mạng xã hội. Người chị này giới thiệu làm việc ở công ty giày thể thao nổi tiếng. Chị ta đang thu thập mẫu sinh trắc học của trẻ để cho công ty làm giày. Chị ta hứa sẽ gửi tặng em này một đôi giày mới sau khi cung cấp thông tin. Và học sinh đã livestream khoả thân cho chị ta xem. Sau khi đã có video trong tay, chị ta đã ép nữ sinh phải làm những động tác khiêu dâm khác theo yêu cầu, nếu không sẽ bị tung hình ảnh lên mạng”, luật gia Lê Thế Nhân, Giám đốc Codes, chia sẻ.
Theo ông Nhân, đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong thời gian qua, Codes cũng nhận được nhiều phản ánh của trẻ về việc bị một số người mạo danh là nhân viên của các công ty lớn muốn lấy thông tin và sẽ tặng quà nếu đồng ý cung cấp thông tin.
Còn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (Csaga), cho biết kẻ xấu có nhiều mánh khoé khác nhau để dụ dỗ trẻ như: cho tiền ăn kem, chơi game, rủ đi chơi… Tuy nhiên, dụ dỗ trẻ cung cấp hình ảnh, truyền trực tiếp hình ảnh khỏa thân qua Facebook và các phần mềm giao tiếp xã hội là hình thức mới và đang gia tăng. Các bậc phụ huynh và cơ quan chức năng cần lưu tâm vấn đề này.
Tại cuộc toạ đàm chính sách về bảo vệ trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức gần đây, ông Hoàng Xuân Phóng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), đã cảnh báo các loại tội phạm truyền thống đang có xu hướng chuyển sang hoạt động công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Báo động xâm hại trẻ em qua mạng - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Dạy trẻ không xâm hại bạn bè

Sau phần dạy kiến thức về văn hóa miễn phí cho những trẻ mồ côi, bán vé số, lang thang, cơ nhỡ do hai vợ chồng thầy giáo về hưu Nguyễn Tất Hữu và Võ Thị Bích Vân tình nguyện đứng, bao giờ cũng có nội dung dạy các em trở thành những người tốt.
Giúp trẻ “miễn dịch”


Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trên cả nước bắt đầu từ 1 – 30.6 với chủ đề “Triển khai luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Thông qua Tháng hành động vì trẻ em, các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục xã hội, nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm những vụ xâm hại trẻ, đặc biệt là xâm hại tình dục. Đồng thời đây cũng là dịp để các gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội giáo dục, phổ biến cho trẻ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình.

Luật gia Lê Thế Nhân cho biết: “Các em khi bị xâm hại đa phần sợ hãi, mặc cảm, tự ti và không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Trẻ bị lạm dụng, bóc lột qua internet để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khoẻ… Chúng tôi đã gửi thư đến Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB-XH và Uỷ ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để cảnh báo về vấn đề này. Chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sớm vào cuộc để xử lý nhằm bảo vệ các nạn nhân và dự phòng cho các em khác”.
Bà Nguyễn Vân Anh cho rằng việc giáo dục hướng dẫn các em kỹ năng tự phòng vệ trên môi trường mạng chưa được chú ý đến. Cách các bậc phụ huynh lâu nay vẫn thường làm để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng là cấm đoán. Tuy nhiên, cấm không phải là biện pháp hay, nhất là vào mùa hè, trẻ không phải đi học và có nhiều thời gian ở nhà vào mạng.
“Cha mẹ không có nhiều thời gian và cũng không thể quản lý con về mặt thời gian. Vì vậy, thay vì cấm đoán, chúng ta nên trò chuyện, giúp trẻ nhận biết các mánh khoé của kẻ xấu, có kỹ năng đề phòng khi tham gia vào mạng xã hội”, bà Vân Anh nói.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, nhìn nhận khi trẻ tham gia vào mạng xã hội, bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trên mạng, thì mặt trái của nó là nguy cơ chịu nhiều rủi ro, bị lạm dụng, xâm hại. Vì vậy, bảo vệ trẻ trên môi trường mạng đang là vấn đề cấp bách. Tới đây, Cục Trẻ em sẽ xây dựng báo cáo chuyên đề riêng về vấn đề này. Theo ông Nam, giải pháp khả thi trước mắt để bảo vệ trẻ trong mùa hè là phải tăng cường quan tâm, chia sẻ với con cái.
“Cha mẹ không thể giám sát con từng ngày, từng giờ, cách tốt nhất để trẻ không bị dụ dỗ trên mạng là xây dựng hàng rào bảo vệ con bằng cách trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được ai có thể làm quen, không được nói chuyện, tiếp xúc với người lạ trên mạng… Đây cũng giống một liều “vắc xin” giúp trẻ miễn dịch khi tham gia vào môi trường mạng”, ông Nam chia sẻ.

 

Thu Hằng