Ngày 31.5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy – chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn TP.HCM.
Nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ phải đáp ứng yêu cầu PCCC
Ngày 31.5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy – chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn TP.HCM.
Tại hội nghị, đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết tình hình cháy, nổ đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn gây thiệt hại lớn về người (khoảng 83%).
“Với nhà ở kết hợp với kinh doanh, nguyên nhân cháy do điện chiếm tỷ lệ cao, khoảng 72%. Phổ biến nhất là chủ hộ, chủ cơ sở vi phạm quy định trong việc lắp đặt, sử dụng thiết bị điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tuỳ tiện. Có những hệ thống dây dẫn điện được lắp đặt hàng chục năm trước, đến nay vẫn không thay mới khiến dễ phát sinh cháy”, đại tá Châu nói và liệt kê một số vụ cháy thời gian qua gây thiệt hại nghiêm trọng ở TP.HCM như: vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh bếp từ ở Q.Tân Phú làm 4 người chết (tháng 6.2016); vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh áo cưới ở Q.12 làm 3 người chết (10.2016); vụ cháy nhà dân ở Q.3 làm 6 người chết (12.2016)… Mới đây nhất là vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh áo quan ở Q.Bình Tân làm 4 người chết (3.2017).
Theo số liệu của Cảnh sát PCCC TP.HCM, năm 2016, thành phố có 361 vụ cháy làm 8 người chết, 27 người bị thương, thiệt hại hơn 259 tỉ đồng. Trong đó, hơn 70% vụ cháy nổ là do chập điện.
Đáng lo ngại, qua điều tra, ở TP.HCM có khoảng 2 triệu nhà ở hộ gia đình, trong đó có hơn 300.000 hộ gia đình kết hợp kinh doanh. Đa phần những căn nhà được xây dựng trước năm 1975, tập trung ở nội đô, quanh các chợ, kinh doanh nhiều mặt hàng dễ gây cháy như quần áo, giày dép, bông vải sợi, vàng mã, hoá chất… Phần lớn nhà ở xây dựng không đảm bảo về an toàn PCCC, diện tích nhỏ, phía trước nhà làm chỗ kinh doanh và phía sau làm nơi sinh hoạt, ăn ở. Chưa kể nhà ở kết hợp kinh doanh thường là nhà ống, không có lối thoát dự phòng. Để bảo đảm an ninh, chủ nhà thường lắp đặt nhiều lớp cửa kiên cố; lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà, khi có sự cố về cháy nổ không thể thoát nạn và gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, cứu nạn…
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Đỗ Phi Hùng đề nghị UBND quận, huyện cần rà soát, chấn chỉnh, di dời ngay các loại hình sản xuất, kinh doanh không phù hợp với môi trường, có nguy cơ cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý buộc tháo dỡ đối với biển quảng cáo lắp đặt sai quy định và dễ có nguy cơ cháy nổ.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, cho hay sắp tới Cục sẽ phối hợp với Cảnh sát PCCC các địa phương, rà soát các quy định về PCCC đối với khu dân cư, nhà ở để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an sửa đổi, quản lý an toàn PCCC theo hướng chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn. Nhà ở kết hợp kinh doanh bắt buộc phải đảm bảo an toàn về PCCC.