Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên vì điều này gây áp lực nặng nề mà vẫn không có hiệu quả và thành tích thực sự.
Bỏ sáng kiến, đề cao sáng tạo
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên vì điều này gây áp lực nặng nề mà vẫn không có hiệu quả và thành tích thực sự.
Hiện nay, để được đánh giá là viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, mỗi giáo viên (GV) phải có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp do các cấp thẩm quyền công nhận.
Cực kỳ hình thức, máy móc
Lãnh đạo một trường THCS tại Hà Nội chia sẻ: “SKKN là rất cần thiết trong bất cứ ngành nghề nào, giáo dục tất nhiên cũng rất cần, nhất là chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên yêu cầu về SKKN hiện nay rất máy móc và cực kỳ hình thức”.
Một GV tiểu học tâm sự: “Tôi chỉ còn 5 năm nữa là nghỉ hưu, năm nào cũng phải làm SKKN mà thực sự lúc đầu còn hào hứng, còn nhiều ý tưởng, nhưng sau đó thấy rằng ý tưởng mà mình đề xuất cũng… bỏ xó, không nhận bất cứ phản hồi nào nên sự nhiệt thành cũng giảm dần. Sau đó thì tôi chỉ làm chiếu lệ hoặc “tham khảo” của đồng nghiệp trường khác để nộp cho xong”.
*Thanh Niên đăng bài giải gợi ý ngay sau mỗi môn thiVào ngày 2 và 3.6, tại TP.HCM sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018.
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, đa số GV sợ SKKN chủ yếu vì quá hình thức và không phản ánh được ý nghĩa của việc làm này trong thực tiễn. Có GV cho biết, cả năm học “lăn lộn” với những giờ học sáng tạo, tìm mọi cách để học sinh (HS) hào hứng học tập, không ngại đưa HS đi thực tế để các em trải nghiệm… thế nhưng cuối năm “quên” không viết SKKN để nộp cấp trên là không được lao động xuất sắc, thậm chí bị trừ thi đua vì ảnh hưởng đến nhà trường. Trong khi đó, có những GV không phải là cá nhân tiêu biểu trong trường, vi phạm quy chế chuyên môn, vi phạm quy định về việc dạy thêm… nhưng vì SKKN của họ được hội đồng khoa học các cấp xếp loại cao, nên họ vẫn đạt danh hiệu “chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch hội đồng Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho hay dù biết là hình thức nhưng quy định như vậy nên vẫn phải yêu cầu cán bộ, GV thực hiện. Chính vì vậy, ông Vĩnh đề nghị Bộ GD-ĐT nên bỏ tất cả những hình thức thi đua thiếu thực chất, kể cả kỳ thi GV dạy giỏi vì chủ yếu là để trình diễn lấy danh hiệu.
Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xoá bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động…
Sao chép tràn lan
Thạc sĩ Trần Ái Việt, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), khẳng định: “Khi SKKN là một trong những tiêu chí để xét thi đua thì đã mất đi ý nghĩa vốn có. GV thì đối phó nên không hiệu quả”. Ông Việt nói thêm: “Trong cuộc đời làm nghề giáo của tôi cũng chỉ khoảng 5 SKKN có cảm hứng, còn lại là viết để đối phó, để xét chọn danh hiệu chiến sĩ thi đua”.
Vì vậy, hiện nay phổ biến tình trạng sao chép SKKN lẫn nhau. Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết nhiều đề tài lặp nhau, các nguồn tư liệu cũng là văn bản chỉ đạo, tài liệu tham khảo được chỉ đạo từ ngành… nên phát sinh tiêu cực, dẫn đến sao chép.
Ông Việt cũng thừa nhận: “Tôi từng đọc nhiều SKKN thấy cách đặt vấn đề, giải pháp cứ na ná nhau nhưng cũng duyệt cho qua để hoàn tất thủ tục xét thi đua”. Còn ông Lê Minh Tân, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Có người cả đời hoặc vài năm mới có một sáng kiến chứ làm gì có sáng kiến theo kiểu “gà đẻ trứng” nên có khi vì danh hiệu, vì lợi ích mà dẫn đến việc sao chép của người khác”.
Thành viên hội đồng thẩm định SKKN của một trường THPT tại Q.1 kể: “Khi đọc một sáng kiến về phương pháp giảng dạy giúp HS viết bài nghị luận xã hội, tôi từng lấy một đoạn tra cứu thì thấy giống y chang một bài viết của người khác trên mạng”.
Nhiều ý kiến tranh luận trước thông tin sắp tới Bộ GD-ĐT giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xoá bỏ biên chế trong các đơn vị công lập.
Để có môi trường sư phạm lành mạnh
PGS Nguyễn Hữu Hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng điều quan trọng nhất là tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh để GV nỗ lực về chuyên môn, có chính sách khen thưởng cho những GV có năng lực sư phạm cao, giúp HS tiến bộ. Cần lấy kết quả, chất lượng, sự tiến bộ của HS làm thước đo chính để “đo” năng lực sư phạm của GV.
Từ đó, ông Hợp đề nghị không kiểm tra các loại hồ sơ, sổ sách, kể cả giáo án; GV được giải phóng năng lượng và tâm lý, tạo ra một môi trường sư phạm lành mạnh. Những chỉ tiêu thi đua dễ làm cho con người gian dối, đối phó. Ngược lại, hãy để GV tự xây dựng chỉ tiêu phấn đấu sao cho phù hợp với tình hình cụ thể của lớp, khả năng GV và những điều kiện thực hiện khác.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhấn mạnh: “Nếu không còn quy định viết SKKN thì GV sẽ có nhiều thời gian dành cho công việc chuyên môn hơn. Chỉ nên khuyến khích để sáng tạo trong công việc chứ không nên xem là điều kiện ràng buộc”.
Ông Lê Minh Tân thẳng thắn đề nghị: “Nên bỏ tiêu chí viết SKKN trong xét danh hiệu thi đua. Việc bình xét danh hiệu cần đánh giá thực chất thông qua các công việc thực tế, chẳng hạn bài giảng có sinh động không, có thu hút học trò không, nhân cách, đạo đức trong giao tiếp với đồng nghiệp, phụ huynh, HS… Tổ trưởng chuyên môn và hiệu trưởng thừa sức biết GV đạt tiêu chuẩn hay không chứ không cần phải thông qua tiêu chí hình thức này”.
Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ GV, muốn thu hút và giữ chân được GV giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn…
Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, cho biết ở Nhật SKKN tồn tại khắp mọi nơi, nhưng điều cốt lõi khác nhau giữa Nhật và VN là ở Nhật sáng kiến nhằm làm ra sản phẩm, dịch vụ ngày một tốt hơn và mình được hưởng lợi từ nó; còn SKKN của ta là làm theo kiểu phong trào. Vì vậy, theo ông Vương, GV không tìm thấy mục đích hay động lực nào ở đó.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri ngành GD-ĐT tại Bình Định, trả lời băn khoăn về việc hằng năm GV phải đăng ký SKKN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Bộ đã chủ trương từ năm học tới sẽ không lấy việc đăng ký SKKN làm tiêu chí thi đua. Thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các thầy cô sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện. Rồi cấp phòng, sở, bộ trân trọng biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo. Cái cần là phải có thành tích, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt GV đăng ký thi đua, làm SKKN, gây áp lực nặng nề”.
Chủ yếu để đăng ký thi đua
Có 136 SKKN của ngành giáo dục TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) được công nhận năm học 2016 – 2017. Trong đó, ngay từ đầu đã xác định 17 sáng kiến sao chép mà không chịu “chế biến lại” nhưng lọt qua hội đồng khoa học cấp trường. Viết sáng kiến ở các trường chủ yếu do đăng ký thi đua của cá nhân và chỉ tiêu của trường, hoặc phải tham gia hội thi nào đó trong năm học, nên hầu hết không mang lại giá trị hữu ích cho giáo dục.
Trong hàng chục năm qua, một số tỉnh đã tìm cách để tinh giản biên chế, sắp xếp, thanh lọc nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thế nhưng đây là việc làm mà chính những người trong cuộc nhìn lại đều đánh giá là rất gian nan.