02/01/2025

Hạ hạnh kiểm để làm gì?

Hạnh kiểm – đạo đức cũng là một môn học, được giáo viên cho điểm và được đánh giá mức độ hơn thua giữa học sinh này với học sinh khác trong cùng một tập thể lớp. Nhưng có nên hạ hạnh kiểm?

 

Hạ hạnh kiểm để làm gì?

Hạnh kiểm – đạo đức cũng là một môn học, được giáo viên cho điểm và được đánh giá mức độ hơn thua giữa học sinh này với học sinh khác trong cùng một tập thể lớp. Nhưng có nên hạ hạnh kiểm?

 

 

 

Hạ hạnh kiểm để làm gì?

Với môn học hạnh kiểm, người thầy giữ vai trò “cho điểm – hạ điểm” thì ngoài kiến thức, sự công tâm, phẩm chất hàng đầu mà tôi thiết nghĩ cần có ở giáo viên chính là biết lắng nghe học sinh của mình, với trái tim yêu thương.

Tôi có đọc được một phát biểu của thầy Văn Như Cương đại ý như sau: Nghề giáo là nghề tiếp xúc với con người. Phải có yêu thương thì mới dạy tốt học trò. Phải có yêu thương thì mới chăm cho đời được những chồi non. Do vậy, để làm được một thầy giáo, trước tiên người thầy cần có lòng yêu thương. Đó chính là chìa khoá vạn năng, là sức mạnh diệu kỳ mở tung mọi cánh cửa tâm hồn học sinh.

Tôi hiểu sự khó khăn và các lý do hợp lý của các giáo viên khi phải ra quyết định hạ hạnh kiểm của bất cứ học sinh nào. Nhưng tôi muốn chia sẻ trăn trở về vấn đề trên qua câu hỏi: “Hạ hạnh kiểm để làm gì? Các cháu bị hạ hạnh kiểm liệu có trở nên ngoan hơn, tốt hơn không? Quyết định hạ hạnh kiểm của các anh chị giáo viên chủ nhiệm có phải là quyết định cuối cùng mà các anh chị đã làm hết cách? Anh chị đã phê chuẩn học bạ của học sinh bằng tình yêu thương?”.

Tôi xin kể lại một câu chuyện có thật mà năm lớp 6 con trai tôi đã kể về thầy Cường, giáo viên môn thể dục lớp 6 của cháu.

“Mẹ, con thích được học với thầy Cường lắm mẹ. Ở hồ bơi, tụi con bị cấm nhảy xuống hồ, nhưng nhỡ có đứa nào vui quá nhảy xuống thì thầy đều kêu lên, hỏi: “Con bị trượt chân té xuống hồ hả con? Con có bị sao không con?”. Có lúc thầy nhéo lỗ tai, có lúc thầy phạt bơi hay chạy một vòng. Chỉ có vậy thôi nhưng đứa nào cũng nghe lời thầy, không nhảy xuống hồ nữa.

Còn cô A mà thấy tụi con nhảy là cô gọi tên, ghi tên trừ điểm hạnh kiểm. Học giờ của cô A lúc nào con cũng thấy căng thẳng, nên ghét luôn học thể dục”.

Một chuyện khác, con trai tôi bị phạt, trừ điểm hạnh kiểm cũng trong giờ thể dục năm lớp 9. Con về kể với tôi: “Mẹ, hôm nay con có giờ bóng bàn. Lúc con đang chơi với M.A. thì có một bạn lớp khác xin vô đánh chung với con.

Tụi con đang chơi thì cô B (giáo viên thể dục) bắt con và bạn lớp khác lên phòng giám thị và phạt cả hai đứa. Con hỏi con có tội gì thì cô nói là tội con chơi với bạn khi bạn không mặc đồng phục thể dục. Cô còn chỉ vào con rồi nói tại có những người như con mà xã hội không có trật tự”.

Một lần đứng chờ đón con, tôi nhìn thấy một nhóm các cháu học sinh đã gọi to: “Ba Cường”. Đó là một người đàn ông dù chạy xe máy với chiếc khẩu trang bịt mặt, vẫn bị bọn trẻ nhận ra “ba”. Liệu cô A, cô B có được học sinh trìu mến gọi to tên cô, hay reo hò mỗi khi gặp?

Với con trai tôi thì tôi có thể khẳng định 100% là cháu sẽ không gọi cô hay yêu cô như tình yêu mà cháu dành cho thầy Cường.

Ngoài thầy Cường, thỉnh thoảng con trai lại về nhà kể những câu chuyện rất đỗi nhân văn về thầy Sỹ dạy toán, cô Thanh Thuận dạy văn, những thầy cô mà khi trách phạt học sinh, thậm chí trừ điểm, hạ hạnh kiểm nhưng đã gieo vào trái tim các cháu những hạt mầm xanh về niềm tin: thầy cô muốn học sinh ngoan hơn, giỏi hơn và tin chúng sẽ không tái phạm.

Nên mở rộng trái tim với học sinh

Tất cả chúng ta đều đã trải qua thời học sinh, và tôi tin rằng điều đọng lại sâu sắc và lâu dài hơn trong tâm trí của chúng ta thời đi học có lẽ không phải là kiến thức mà chính là tấm lòng của thầy cô.

Đó có thể là cách thầy đã nắm tay trò, là cơn giận của thầy khi bắt trò chép phạt 10 trang, là “hình phạt hóm hỉnh” khi cho trò bơi 3 vòng hoặc chạy 4 lượt vòng quanh sân trường. Đó còn là những lời rút ruột mà cô giáo đã nói với người học trò ngỗ nghịch…

Đó là tình yêu thương mà thầy cô trao cho từng học sinh – dù là học sinh cá biệt, khi các cháu phạm những lỗi cần phải hạ hạnh kiểm.

Dù buộc phải hạ nhưng thầy cô làm cho học trò hiểu rằng họ tin tưởng chúng, họ hiểu vì sao chúng phạm lỗi, họ lắng nghe câu chuyện của chúng, họ làm cho bọn trẻ nhận ra được lỗi lầm của mình và sẽ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm ấy…

Thầy cô đúng nghĩa phải làm cho người học trò hiểu được đằng sau những dòng chữ vô tri trong sổ liên lạc “Hạnh kiểm tốt/khá/trung bình…” là cả một tấm lòng. Để học sinh có thể chảy những giọt nước mắt biết ơn, giọt nước mắt hối lỗi vì những lời phê đó…

Phạm lỗi và sửa lỗi, chúng ta sẽ trưởng thành hơn, chín chắn, biết chịu trách nhiệm hơn trong mọi thái độ sống, hành vi sống. Đấy là mặt tích cực của những điểm trừ về hạnh kiểm, để chúng ta học cách đứng thẳng, chịu trách nhiệm và nhìn ra lỗi của bản thân mình. Những điều này người làm thầy phải hiểu được bằng trái tim rộng mở với học sinh của mình.

“Hãy thắp lên những đốm sáng yêu thương trong trái tim non nớt của những đứa trẻ, dù rằng chúng có lỗi to bự như khủng long hay lỗi bé tí như con kiến. Lỗi là phải phạt, phải quở trách, phải hạ hạnh kiểm. Nhưng cách của người lớn chúng ta (giáo viên, phụ huynh) là làm thế nào để chúng nhớ lỗi, sửa lỗi, không phạm lỗi nữa mới chính là giáo dục”

 
TRẦN THỊ NHUNG