28/11/2024

Cầu thang ‘xuyên động’ Sơn Đoòng

Đơn vị khai thác động Sơn Đoòng (Quảng Bình) xin lắp đặt cầu thang “xuyên động” nhằm phục vụ du khách tốt hơn cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế và đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận.

Cầu thang ‘xuyên động’ Sơn Đoòng

Đơn vị khai thác động Sơn Đoòng (Quảng Bình) xin lắp đặt cầu thang “xuyên động” nhằm phục vụ du khách tốt hơn cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế và đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận. Tuy nhiên, phương án này đang tạo dư luận đa chiều và Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu tạm dừng thi công để kiểm tra.

 

 

 

Việc lắp cầu thang ở cuối động Sơn Đoòng sẽ mang lại nhiều tiện lợi? /// Ảnh: Trương Quang Nam

Việc lắp cầu thang ở cuối động Sơn Đoòng sẽ mang lại nhiều tiện lợi?ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Thử nghiệm lộ trình mới
Ngày 17.3, UBND tỉnh Quảng Bình làm việc với các ngành, đơn vị liên quan để bàn phương án khai thác hang Sơn Đoòng theo lộ trình mới mà Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), đơn vị đang khai thác động, đưa ra. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh, kết luận đồng ý với phương án vượt “Bức tường VN” (đoạn hang cao 90 m cấu tạo bởi những nhũ đá có tuổi đời ước hàng triệu năm) để thực hiện khai thác thử nghiệm theo lộ trình mới 4 ngày 3 đêm do Oxalis trình bày.
Trước đó, hồi giữa năm 2016, Oxalis gửi tờ trình đến UBND tỉnh Quảng Bình xin điều chỉnh đề án tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới” từ 6 ngày 5 đêm xuống còn 4 ngày 3 đêm theo lộ trình mới là đi xuyên hang Sơn Đoòng. Mỗi tour, ngoài khách còn có 1 chuyên gia thám hiểm hang động thuộc Hội Hang động Hoàng gia Anh, 1 chuyên gia của Oxalis, 2 kiểm lâm giám sát và 22 porter phục vụ đoàn. Phương án này được Oxalis, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PN-KB), UBND tỉnh Quảng Bình và nhiều cơ quan, đơn vị liên quan khác nghiên cứu, xem xét rồi mới cho thực hiện.
Tháng 12.2016, đến lượt VQG PN-KB có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Bình xin điều chỉnh đề án như trên với lý do: Lộ trình tour đang thực hiện bộc lộ nhược điểm là du khách sau khi khám phá hố sụt 2 và “Bức tường VN” phải quay ngược trở lại, vừa mất thời gian, ảnh hưởng sức khoẻ, vừa gây nhàm chán cho du khách. Mặt khác, do thời gian cho mỗi tour dài nên số lượng tour khai thác trong năm đạt thấp (54 tour), số khách có điều kiện về thời gian để tham gia tour không nhiều nên hiệu quả khai thác chưa cao…
Đáng chú ý, đối với đoạn 25 m thẳng đứng, VQG PN-KB đề nghị cho phép thiết kế lắp thang, đoạn 65 m cho phép lắp dây để đi bộ nhưng cần hạn chế tối đa việc đi trên thạch nhũ. Việc lắp thang và dây phải được nghiên cứu thêm trên cơ sở các ý kiến góp ý, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, sử dụng vật liệu phù hợp với cảnh quan, hạn chế tối đa tác động đến môi trường trong hang động và phải có bản cam kết môi trường trước khi thực hiện. Ngày 26.4, UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Oxalis triển khai phương án vận chuyển, lắp đặt hệ thống cầu thang vượt “Bức tường VN”.
Theo thiết kế, thang bằng mô đun lắp ghép từng đoạn inox bởi bu lông thép không gỉ, cường độ cao; mỗi mô đun dài 2 m, rộng 0,6 m, bước thang 250 cm. Thanh ngang của cầu thang được bọc lưới mắt cáo bọc nhựa chống trượt. Cầu thang được làm theo phương thẳng đứng, cấu tạo giằng hình thang đảm bảo độ võng của thang cũng như tải trọng bản thân; trọng lượng tối đa giữa thang chịu độ an toàn 220 kg.
 
 
Nhà thám hiểm phát hiện hang ủng hộ việc làm thang
Nhà thám hiểm người Anh Howard Limbert – người đã phát hiện hang Sơn Đoòng – tỏ ý “rất buồn, rất giận” khi gần đây có thông tin nói Sơn Đoòng bị ảnh hưởng, tác động. “Trong thời gian khảo sát, khám phá ở vùng này tôi chưa bao giờ làm ảnh hưởng đến bất kỳ một hang động nào. Tuần vừa rồi tôi có trao đổi với đại diện UNESCO thế giới và họ cũng ủng hộ. Việc làm thang sẽ giảm thiểu tác động đến hang Sơn Đoòng nói chung, nếu có vị khách nào có tai nạn thì sẽ đi ra ngoài bằng thang nên thuận lợi và nhanh chóng hơn. Các lỗ khoan đó với mục đích bảo đảm an toàn cho du khách chứ không có mục đích nào khác, nó chỉ sâu 10 cm, khi không dùng nữa thì tháo ra”, ông Howard Limbert nói, đồng thời khẳng định đã tham gia vào các hoạt động bảo tồn hang động trên thế giới trong nhiều năm và muốn mang những giải pháp đó đến VN.
Khi PV Thanh Niên đặt câu hỏi đối với đoạn đu dây đi trên thạch nhũ thì sẽ ảnh hưởng như thế nào, ông Howard giải đáp: “Giày dép đi qua đó đã rửa hết và nước chảy liên tục nên không để lại dấu vết nào. Mùa mưa có giai đoạn đóng tour nên những ảnh hưởng nhỏ nhất do con người tạo ra đó được phục hồi. Và có những thời điểm nước ngập lên rất cao cũng sẽ góp phần phục hồi”.

 

“Ảnh hưởng rất nhỏ”

Khi đang triển khai thực hiện thì thông tin lắp thang “xuyên động” đã vấp phải sự phản đối của một số người cho rằng phương án này tác động đến di sản. Ngày 17.5, Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL đã gửi Văn bản số 2108/BVHTTDL-DSVH đề nghị dừng việc “thám hiểm xuyên động Sơn Đoòng”. Bộ VH-TT-DL yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực tế, nếu đúng như dư luận lo ngại thì yêu cầu tạm dừng thi công và khẩn trương báo cáo Bộ.
Ngày 28.5, PV Thanh Niên đã tham gia cùng đoàn công tác do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức để vào cửa sau động Sơn Đoòng kiểm tra. Sau khi kiểm tra hiện trường, đoàn liên ngành đã có cuộc làm việc và đánh giá ban đầu, trong đó hầu hết ủng hộ phương án “xuyên động”.
Cụ thể, theo Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á, có 2 lý do để làm thang: Thứ nhất, khách di chuyển dễ dàng hơn, không bị chạm vào bức tường khi khách di chuyển lên bức tường. Thứ hai, có những lúc nước trong Sơn Đoòng lên rất nhanh và cao 10 m thì không vào ra được, dễ bị mắc kẹt trong động. “Nên cầu thang là phương án thoát lũ tốt nhất. Ngoài ra, trong trường hợp có sự cố thì dễ dàng xử lý bởi từ hố sụt 2 phải mất hơn 1 ngày để đến điểm đỗ trực thăng nhưng chỉ mất khoảng hơn 3 tiếng là có thể ra ngoài qua đường cầu thang cửa sau”, ông Á nói. Theo ông Á, cầu thang do chính nhà thám hiểm Howard Limbert thiết kế. Trong các điểm bắt bu lông sẽ sử dụng 15 lỗ khoan cũ của đoàn thám hiểm khoan sử dụng thám hiểm trước đây.
Dưới góc độ quản lý di sản, Phó giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Mậu Nam đánh giá việc làm cầu thang “có tác động”, nhưng phát triển du lịch thì không tránh khỏi tác động đến môi trường, vấn đề là phải giảm ở mức thấp nhất. “Để đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản thì làm cầu thang là phương án tối ưu”, ông Nam nêu ý kiến.
Trong khi đó, lãnh đạo VQG PN-KB cho hay đã nghiên cứu đề án, có văn bản cho phép thử nghiệm và yêu cầu có cam kết bảo vệ môi trường. “Quan trọng là hoạt động du lịch có tác động đến môi trường, cảnh quan hay không, có chấp nhận được hay không. Thời gian vừa qua, công ty đã phối hợp chặt chẽ với VQG PN-KB để nghiên cứu nhằm bảo vệ tốt hang động và môi trường. Tôi nghĩ bất kể hoạt động nào trong hang động cũng có những tác động nhất định, vấn đề là tác động ở mức nào, nằm trong giới hạn cho phép hay không. Về không khí, với những hang lớn và thông nhau như thế thì sự ảnh hưởng của con người là không đáng kể. Tour Sơn Đoòng có cán bộ kiểm lâm đi theo giám sát và giám sát rất kỹ”, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG PN-KB, nói.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc khoan bắt bu lông vào động có đảm bảo an toàn và việc đi lại ảnh hưởng đến thạch nhũ như thế nào. Ông Nguyễn Đức Lý, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình, cho rằng yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, còn khả năng xâm hại “vô cùng bé” theo góc độ khoa học và chấp nhận được. Cụ thể, đá vôi vùng này hình thành từ 230 – 410 triệu năm nên rất cứng. Mỗi lỗ khoan sâu 10 cm, xuyên lớp thạch nhũ bên ngoài chỉ 2 cm, còn lại là đá vôi; vì vậy, mỗi khoá như vậy chịu tải đến 2,5 tấn.
Mặc dù đã được nhiều chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng ở Quảng Bình lên tiếng ủng hộ phương án “xuyên động”, tuy nhiên đến hôm qua 29.5 mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. UBND tỉnh Quảng Bình còn phải gửi báo cáo và chờ ý kiến phản hồi từ Bộ VH-TT-DL.

 

Trương Quang Nam