06/01/2025

Tránh ‘bẫy nghèo’ do tăng viện phí

Từ ngày 1.6, giá các dịch vụ y tế đối với người chưa tham gia bảo hiểm y tế sẽ tăng, nên làm tăng gánh nặng tài chính với người tự chi trả khi khám chữa bệnh.

 

Tránh ‘bẫy nghèo’ do tăng viện phí

Từ ngày 1.6, giá các dịch vụ y tế đối với người chưa tham gia bảo hiểm y tế sẽ tăng, nên làm tăng gánh nặng tài chính với người tự chi trả khi khám chữa bệnh.



Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên (ảnh), Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết:
Lộ trình giá dịch vụ công trong đó có giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP, cụ thể: đến năm 2016, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Giá dịch vụ KCB áp dụng cho đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như người có thẻ BHYT đều thực hiện theo lộ trình trên.
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02). So với lộ trình quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP thì giá dịch vụ áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT đang bị chậm.
Thông tư 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017 nhưng không phải là đến ngày 1.6.2017 tất cả các bệnh viện (BV) trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này, mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.
Thời điểm thực hiện tại mỗi đơn vị, địa phương sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào sự quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Thông tư 02 có quy định đến hết 2017 phải thực hiện mức giá này trên cả nước. Trước mắt, từ 1.6 tới, khoảng 50 BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành sẽ điều chỉnh tăng.
Tránh 'bẫy nghèo' do tăng viện phí

Nhiều dịch vụ y tế tăng giá từ 1.6 với người chưa tham gia bảo hiểm y tếẢNH: NGỌC THẮNG

Mức tăng giá dịch vụ được tính như thế nào? Ước tăng khoảng bao nhiêu phần trăm so với giá hiện đang áp dụng?
Theo ước tính của chúng tôi, so với giá dịch vụ KCB hiện đang áp dụng cho người không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT khi tăng từ 1.6 có tính thêm chi phí tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/QĐ-TTg). Mức tăng so với hiện tại khoảng 50%. Nhưng đây chỉ là mức tăng về giá dịch vụ y tế không phải tăng tổng chi phí cho KCB (bởi vì trong tổng chi phí KCB thì tiền thuốc, máu dịch truyền chiếm khoảng 60 – 70%). Do đó, sau khi tăng giá dịch vụ y tế thì tổng chi phí khi KCB với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.

Thưa ông, có khoảng bao nhiêu người sẽ chịu tác động của tăng giá dịch vụ y tế từ 1.6 tới?

Hiện nay đã có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, chỉ còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của thông tư này.
Bộ Y tế có nói đến vấn đề: tiền túi của người dân chi cho viện phí làm tăng nguy cơ “Bẫy nghèo do chi phí y tế”, “chi trả chi phí y tế ở mức thảm hoạ”. Ông nhận xét về vấn đề này, tỷ lệ tiền túi chi cho y tế hiện là bao nhiêu, đã được cải thiện như thế nào trong các năm qua?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN đánh giá thì chi phí cho y tế từ tiền túi người dân hiện chiếm 39,5% chi phí của mỗi gia đình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân không tham gia BHYT. Chúng ta không có quy định về tỷ lệ tiền túi như thế nào thì ở mức an toàn không bị “bẫy nghèo” nhưng theo khuyến cáo của WHO, nếu tỷ lệ này ở mức dưới 30% thì sẽ đạt mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Tránh 'bẫy nghèo' do tăng viện phí - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

Xuất hiện ‘nghề’ đi khám bảo hiểm y tế

Chiều 23.5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN cho biết, 4 tháng đầu năm nay phát hiện gần 2.800 người đi khám từ 50 lần trở lên với hơn 160.000 lượt khám, trong đó có người khám nhiều nhất là 123 lần, kể cả ngày nghỉ, lễ tết.

Các giải pháp được thực hiện như thế nào để giảm thiểu số người có thể nghèo hoá hoặc rơi vào tình huống chi trả “chi phí y tế ở mức thảm hoạ”?

Giải pháp chính để giảm thiểu số người có thể nghèo hoá hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa là tham gia BHYT. Thời gian vừa qua, việc thực hiện đối với người chưa có thẻ BHYT chậm hơn, nhằm để họ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc thấy được tính nhân văn, lợi ích của BHYT để tham gia BHYT. Vì vậy, việc ban hành Thông tư 02 cũng nhằm mục tiêu để mọi người dân thấy được cần phải tham gia BHYT để đề phòng không may ốm đau sẽ được Quỹ BHYT chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi khi KCB.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng đã thực hiện một số giải pháp như: nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo (hiện nay Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tối thiểu 70%, nếu các địa phương có khả năng ngân sách thì có thể hỗ trợ tới 100%); nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 – 70% (hiện nay Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tối thiểu 30%, nếu các địa phương có khả năng ngân sách thì có thể hỗ trợ thêm để khuyến khích người dân tham gia BHYT); khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ/ngành báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách y tế của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT…


Bác sĩ chưa “mặn” với thuốc bình ổn giá
Ngày 27.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có báo cáo tổng kết chương trình bình ổn giá thuốc năm 2016 -2017 và kế hoạch triển khai bình ổn giá thuốc năm 2017 – 2018. Theo đó, năm 2016 – 2017, tại TP có 14 doanh nghiệp (DN) dược tham gia chương trình bình ổn giá thuốc, cung cấp 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 176 hoạt chất, 563 mặt hàng (tăng 12 mặt hàng so với năm 2015 – 2016). Thuốc trong chương trình đảm bảo điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều. Tổng số nhà thuốc tham gia bán thuốc bình ổn giá lên 4.016 điểm bán, trong đó có 3.252 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 643 nhà thuốc – đại lý thuốc thuộc DN. Số điểm bán thuốc đã chiếm khoảng 80% số điểm bán thuốc lẻ trên địa bàn TP. Giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5 -10%. Doanh thu của các công ty cũng đạt hơn 78 tỉ đồng, đứng nhóm đầu là Công ty TNHH liên doanh Stada – VN, Công ty cổ phần Pymepharco.
Mặc dù đã có kết quả tích cực từ chương trình, nhưng theo đánh giá của Sở Y tế TP thì còn một số bác sĩ điều trị chưa thật sự quan tâm đến việc kê đơn thuốc bình ổn giá trong điều trị. Một số nhà thuốc còn chưa chủ động trong việc lấy đầy đủ thuốc bình ổn và giới thiệu thuốc bình ổn cho người dân sử dụng. Doanh số bán được còn thấp so với nhu cầu thuốc nội vì danh mục thuốc bình ổn chưa có nhiều các thuốc chuyên khoa đặc trị. Một số DN dược tham gia chương trình bình ổn ngay từ những ngày đầu chương trình (năm 2011), thì nay đã được sở hữu và điều hành bởi các DN nước ngoài, mà một số DN nước ngoài không “mặn mà” với chương trình.
Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở Y tế TP đặt ra kế hoạch năm 2017 – 2018: Ngoài tăng thêm DN sản xuất thuốc tham gia chương trình thì Sở sẽ tăng cường chỉ đạo, nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc sản xuất trong nước, thuốc bình ổn cho bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú; duy trì việc đưa nội dung kê đơn sử dụng thuốc nội vào công tác thi đua, khen thưởng của các BV. Thứ đến là nâng cao năng lực của các DN tham gia chương trình, động viên DN tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ bào chế, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại thuốc, phong phú về mẫu mã, phát triển mạnh hệ thống phân phối, giao hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu dùng thuốc của người dân trên địa bàn TP.
 

Duy Tính


 

Liên Châu 
(thực hiện)