29/11/2024

Truyền thông với tâm thế hy vọng

Bài nói chuyện của Đức giám mục Phêrô Nguyễn văn Khảm trong Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 51 (28-05-2017) do các giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho và Phú Cường cử hành tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn ngày 27-05-2017.

Truyền thông với tâm thế hy vọng

Suy nghĩ về Sứ điệp Truyền thông 2017: “Đừng sợ, Ta ở với ngươi”

NB. Bài nói chuyện của Đức giám mục Phêrô Nguyễn văn Khảm trong Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 51 (28-05-2017) do các giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho và Phú Cường cử hành tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn ngày 27-05-2017

Đã nhiều lần tôi có cơ hội đến đây trình bày Sứ điệp truyền thông hằng năm của các Đức Giáo hoàng. Năm nay cũng thế. Nếu có điều gì khác hơn, chắc là vì tôi mới đi dự Đại hội của Quốc vụ viện Truyền thông, từ ngày 3-5 tháng 5 năm 2017, tại Rôma. Vì thế xin chia sẻ một vài cảm nghĩ từ Đại hội cũng như từ Sứ điệp truyền thông năm 2017 của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

1. Trước hết là cảm nhận về Hội Thánh toàn cầu. Các thành viên của Quốc vụ viện tham dự Đại hội được mời ở ngay trong Nhà Santa Marta, cũng là nơi ở của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Vì ở chung nhà nên hằng ngày nhìn thấy Đức Giáo hoàng, người cha chung của Hội Thánh toàn cầu, với áo dòng trắng đơn sơ, xuống nhà cơm và dùng cơm chung với mọi người. Rất gần gũi.

Thêm vào đó, nơi họp Đại hội không phải là trụ sở của Quốc vụ viện Truyền thông (trên đường Hòa giải) nhưng là một phòng họp lớn trong Dinh giáo hoàng, nơi Đức Giáo hoàng tiếp kiến các nguyên thủ quốc gia và những phái đoàn lớn trên thế giới, cũng như tiếp các giám mục trong dịp ad limina. Hội họp trong dinh thự đó giúp người tham dự ý thức rằng mình đang làm việc của Hội Thánh toàn cầu chứ không phải của riêng quốc gia nào. Tính toàn cầu đó còn thể hiện qua sự đa dạng của các tham dự viên: 20 thành viên chính thức của Quốc vụ viện thuộc 18 quốc tịch khác nhau, ở nhiều châu lục khác nhau: châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi.

Ngoài ra, sau những giờ làm việc, khi ra quảng trường Thánh Phêrô, tôi nhìn thấy và gặp các đoàn hành hương từ khắp nơi trên thế giới và nói đủ thứ ngôn ngữ, tuôn về Rôma, thủ phủ của Hội Thánh Công giáo. Tất cả đều tạo cho tôi cảm nhận rõ ràng về Hội Thánh toàn cầu.

2. Hội Thánh toàn cầu quan tâm đến truyền thông. Mục đích của việc thiết lập Quốc vụ viện Truyền thông đã được chính Đức Giáo hoàng Phanxicô xác định trong Tự sắc thành lập cũng như trong diễn văn ngỏ lời với Đại hội, là “nghiên cứu những tiêu chuẩn và phương thức mới để thông truyền Tin Mừng lòng thương xót đến mọi dân tộc, trong các nền văn hóa khác nhau, qua những phương tiện truyền thông mà bối cảnh văn hóa kỹ thuật số cung cấp cho con người ngày nay” (ĐGH Phanxicô, Diễn văn tại Đại hội của Quốc vụ viện Truyền thông, ngày 4-5-2017).

Để đạt mục đích đó, vấn đề không chỉ là sáp nhập những cơ quan trước đây lại với nhau (Báo Osservatore romano, Nhà in Vatican, Nhà xuất bản Vatican, Radio Vatican, TV Vatican, Hội đồng giáo hoàng về Truyền thông, Phòng báo chí Tòa Thánh, Dịch vụ internet, Dịch vụ hình ảnh), nhưng là kiến tạo một cơ chế hoàn toàn mới, đáp ứng nhu cầu truyền thông trong thế giới thay đổi rất nhanh về khoa học kỹ thuật, hình thành nền văn hóa kỹ thuật số. Hội Thánh cần phải hiện diện trong thế giới kỹ thuật số để thi hành sứ mệnh Chúa Giêsu đã trao phó là “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

3. Trong thế giới kỹ thuật số, mọi Kitô hữu đều được mời gọi tham gia sứ mệnh loan báo Tin Mừng, trở thành một tác viên truyền thông. Một trong những nét độc đáo của văn hóa kỹ thuật số là mỗi người đều trở thành chủ thể truyền thông thay vì chỉ là đối tượng. Trong thời đại báo in, chỉ có một số rất ít các nhà báo, phóng viên…viết bài, còn trong thế giới kỹ thuật số, ai cũng viết được. Có những bloggers thu hút người xem hơn cả một tờ báo in. Nếu không viết cả bài báo thì những comments cũng là cách phản hồi, vừa nhanh gọn vừa có thể gây hiệu ứng cao.

Vì mỗi người đều là chủ thể truyền thông nên câu hỏi đặt ra là: chúng ta nói gì, viết gì trên mạng toàn cầu? Nói gì và viết gì lại tùy thuộc cách chúng ta nhìn thực tại. Thật vậy, vấn đề không chỉ là những sự kiện và thực tại đang diễn ra nhưng còn là cách chúng ta nhìn thực tại, là cặp kính chúng ta dùng để nhìn thực tại, như Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong Sứ điệp Truyền thông 2017. Cũng một sự vật nhưng người ta có thể nhìn thấy khác nhau về màu sắc cũng như hình dáng, tùy vào cặp kính mang trên mắt. Tương tự như thế, cũng một sự kiện, một biến cố, mỗi người có thể nhìn cách khác là tùy vào cặp kính nội tâm của mình. Và từ cách nhìn khác nhau sẽ dẫn đến phản ứng và thái độ khác nhau.

Cặp kính tốt nhất là Tin Mừng, không chỉ là Tin Mừng về Chúa Giêsu nhưng là chính Chúa Giêsu. Do đó, mang cặp kính Tin Mừng là mang tâm thế của Chúa Giêsu: “Hãy mang trong anh em những tâm tư của Chúa Giêsu” (Phil 2,5).

4. Tâm thế của Chúa Giêsu là tâm thế hy vọng mà Sứ điệp diễn tả là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử cứu độ và nắm men làm dậy cả khối bột. Để cụ thể hóa điều này, tôi nhớ đến dụ ngôn Người gieo giống (Mt 13,3-9). Chính cộng đoàn của Matthêu đã giải thích ý nghĩa của dụ ngôn (Mt 13,18-23): nghe Lời Chúa mà không hiểu là gieo bên vệ đường; nghe mà không đâm rễ sâu là gieo nơi sỏi đá; nghe mà không sinh hoa kết quả là gieo vào bụi gai; còn nghe mà hiểu và sinh hoa kết quả là gieo vào đất tốt. Cách giải thích này được gọi là giải thích theo tỷ ngôn, còn theo một số nhà chú giải Kinh Thánh thì điểm nhấn của dụ ngôn là ở chỗ khác, đó là niềm hy vọng mãnh liệt của người gieo. Người gieo giống ra đi gieo hạt giống Nước Trời. Nhìn từ bên ngoài, xem ra công việc thất bại vì quá nhiều hạt giống rơi trên sỏi đá, trong bụi gai, bên vệ đường. Dù vậy chăng nữa, vẫn có những hạt rơi vào đất tốt và sinh hoa kết quả phong phú. Cho nên hãy cứ kiên nhẫn mà gieo hạt giống Nước Trời. Rõ ràng là tâm thế tràn đầy hy vọng.

Hãy nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu. Cả một đời bôn ba rao giảng khắp nơi, làm bao nhiêu phép lạ, được quần chúng tôn vinh…Thế rồi, vào thời điểm cuối cùng, từ đỉnh cao thập giá nhìn xuống, Người thấy gì? Những cánh tay giơ cao đòi đóng đinh, những cái miệng hô to lên án; ngay cả những môn đệ thân thiết cũng bỏ chạy, dưới chân thập giá chỉ còn lại bà mẹ già và người học trò yêu. Nhưng chính trong giây phút tưởng như tuyệt vọng đó, Chúa Giêsu kêu lên “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” và “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha”. Đó là tiếng kêu của hy vọng, cậy trông, phó thác. Chỉ có niềm hy vọng mãnh liệt vào sự chiến thắng tối hậu của tình yêu mới làm cho người ta dám tha thứ cho những kẻ giết chết mình. Chỉ có niềm hy vọng mãnh liệt vào Thiên Chúa mới ban tặng sức mạnh để dám phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong những giây phút kinh hoàng nhất. Chính vì thế, thập giá Đức Kitô trở thành nguồn hy vọng. Và thay cho đám đông hò la lên án hôm ấy trên đồi Canvê, muôn ngàn thế hệ đã, đang và sẽ hát lên: “Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Ngài, ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”.

5. Tâm thế hy vọng giúp khám phá những điều tích cực hơn là chỉ nhìn vào điều tiêu cực, giúp mở cánh cửa đi về phía tương lai hơn là nhốt kín tha nhân trong ngục tù quá khứ. Hãy đọc lại câu chuyện Người nữ ngoại tình (Ga 8,1-11). Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, và nhân danh lề luật, người ta đòi ném đá người phụ nữ đó. Bằng việc tuyên án đó, người ta khóa chặt cuộc đời của chị trong quá khứ, và cả cuộc đời chị bị đóng dấu bằng tội ngoại tình! Còn Chúa Giêsu thì sao? Người nói với chị phụ nữ: “Con về đi và đừng phạm tội nữa”. Không chỉ là giúp chị thoát chết nhưng là mở cho chị cả một cánh cửa đi tới tương lai. Và Chúa Giêsu mở cánh cửa đó cho chị vì Người nhìn thấy điều tích cực nơi chị chứ không chỉ là điều tiêu cực”: tuy chị có tội nhưng đó không phải là tất cả, chị có khả năng sống cuộc sống tốt lành như bao người và có thể hơn nữa.

Ngày nay, ngồi trước bàn phím, cũng có nhiều ông bà thuộc hàng kinh sư và Pharisêu như thế! Cứ lên mạng là biết, cứ vào facebook là thấy. Có “hot news” nào là đủ thứ comments. Không cần tìm hiểu sự thật ra sao, cứ “chửi” đã! Càng cay chua càng đã! Họ thích lên án hơn là tha thứ, thích nhốt người khác trong quá khứ hơn là mở cho người khác cánh cửa đi tới tương lai.

Có điều rất lạ, khi kể chuyện về người nữ ngoại tình, thánh Gioan ghi nhận rằng khi nghe Chúa Giêsu nói “Ai trong các ông sạch tội thì lấy đá mà ném trước đi”, họ bỏ đi hết, “bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8,8). Cái lạ là Đấng chí thánh, Đấng không hề phạm tội, thì không lên án nhưng chỉ tha thứ, còn kẻ tội lỗi lại thích lên án. Ngày nay cũng thế thôi. Hình như có thứ tâm lý bù trừ ở đây. Bản thân tội lỗi đầm đìa nhưng thích xoi mói và lên án người khác để tỏ ra rằng mình tốt lành. Còn người đạo đức thật sự lại rộng lòng cảm thông và tha thứ. Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ rằng mỗi khi đến thăm các tù nhân, ngài hay tự hỏi: nếu tôi ở trong hoàn cảnh của họ, tôi có tốt hơn họ không hay còn tệ hơn thế? Lại chẳng đáng cho chúng ta cân nhắc khi ngồi trước bàn phím sao?

Kết luận: Tâm thế hy vọng giúp ta khám phá những điều tích cực hơn là tiêu cực, quảng đại với tha nhân hơn là chật hẹp, nhờ đó trở thành người loan báo Tin Mừng hơn là tin dữ, tin vui hơn là tin buồn, qua bài viết, comments, hình ảnh đưa lên trên internet. Hãy bước vào thế giới kỹ thuật số với tâm thế hy vọng và trở thành người loan báo Tin Mừng.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: 

http://hdgmvietnam.org/truyen-thong-voi-tam-the-hy-vong/8855.63.8.aspx