29/11/2024

Tuổi 76, bác sĩ Trần Đông A vẫn khỏe như chàng trai

Dù đã 76 tuổi nhưng GS.TS. BS Trần Đông A vẫn tráng kiện, đi lại nhanh nhẹn, vẫn chạy bộ, đánh tennis và giảng dạy cho sinh viên trường y và làm cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM).

 

Tuổi 76, bác sĩ Trần Đông A vẫn khỏe như chàng trai

 Dù đã 76 tuổi nhưng GS.TS. BS Trần Đông A vẫn tráng kiện, đi lại nhanh nhẹn, vẫn chạy bộ, đánh tennis và giảng dạy cho sinh viên trường y và làm cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM).

 

 

 

Tuổi 76, bác sĩ Trần Đông A vẫn khỏe như chàng trai
Giáo sư Trần Đông A 76 tuổi nhưng thể lực phi thường nhờ vận động trí óc và thể lực mỗi ngày – Ảnh: H.KHOA

PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi cùng GS Trần Đông A về bí quyết giữ gìn sức khỏe.

“Bí quyết giữ gìn sức khoẻ của tôi không khác với những thông tin mà khoa học ngày nay đã xác định được. Tôi chỉ làm theo một cách kỷ luật, rất đúng và luôn làm đúng”

GS Trần Đông A

* Thưa giáo sư, một ngày làm việc hiện nay của ông như thế nào?

– Tôi đi ngủ sớm và cũng dậy sớm.

Khoảng 3h sáng tôi đã dậy đọc sách, viết sách, đọc thông tin trên mạng vì ngày nay thời đại của y học qua mạng, ngày nào cũng phải cập nhật thông tin mới về y học.

5h tôi bắt đầu tập thể dục (có thể đánh tennis khoảng một giờ hoặc chạy bộ khoảng 30 phút, sau đó tập hết tất cả các cơ bắp, tập hít đất…), 6h ăn sáng tại nhà.

Hằng ngày tôi vẫn luôn có mặt tại bệnh viện trước 7h để họp giao ban bệnh viện, hội chẩn với các bác sĩ, dạy các sinh viên y khoa tại bệnh viện và rời bệnh viện lúc 16h chiều.

17h tắm rửa, sau đó đọc báo, nghe nhạc, 18h ăn cơm và 20h đi ngủ.

* GS đã hình thành thói quen tập thể dục từ khi nào?

– Lúc nhỏ tôi tập chỉ vì yêu thích. Lớp 9 tôi đã đạt huy chương vàng về môn chạy bộ. Sau này, nhờ đọc sách tôi mới biết tập thể dục rất tốt cho sức khoẻ. Các nhà khoa học trên thế giới mà tôi biết đều luyện tập chăm chỉ.

Khi đi học ở nước ngoài, tôi thấy có những giáo sư đứng mổ rất lâu, có những lúc phải mổ rất khuya và có những ngày phải đứng mổ suốt nhưng nhiều người sống khoẻ mạnh trên 90 tuổi, có người sống khoẻ đến gần 100 tuổi, đều nhờ luyện tập. Tôi đã học tập các nhà khoa học này vì muốn làm việc gì cũng phải có sức khỏe về thể lực và trí lực.

Khoa học cho thấy ngồi nhiều, nằm nhiều đều không tốt, đặc biệt ngồi nhiều, làm việc nhiều trên máy vi tính. Nên người ta khuyên ngồi một giờ phải đứng dậy, sau đó mới ngồi lại, nếu không sẽ dễ bị các bệnh văn phòng trong đó có bệnh đốt sống cổ, đốt sống lưng, mắt…

* Vì sao giáo sư phải… khổ luyện như vậy?

– Sức khỏe về thể chất và tinh thần của một bác sĩ phẫu thuật nhiều khi liên quan đến mạng sống của người khác. Do vậy, muốn thành công trong nghề phẫu thuật trước tiên phải biết luyện tập và giữ gìn sức khỏe.

Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, những phương tiện chẩn đoán hình ảnh, người ta đã cắt nghĩa được một số hiện tượng (y học chứng cứ) mà thời gian trước người ta chỉ cảm thấy.

Ví dụ, người ta đã biết rõ trong cơ thể mình mọi cơ quan, các tế bào đều có khuynh hướng chết đi và tái tạo, ngoại trừ tế bào não và sự tái tạo này thường xảy ra vào ban đêm.

Các tế bào tái tạo tốt nhất khi ngủ trước 12h đêm. Cho nên ngủ trước 12h đêm bằng 2 giờ ngủ sau 12h đêm.

Một tế bào rất quan trọng trong cơ thể là hồng cầu vì hồng cầu mang oxy, trong khi mọi tế bào làm việc đều cần oxy. Hồng cầu được tái tạo trước 12h đêm đời sống của nó dài hơn, có thể đến 120 ngày trong khi bình thường chỉ có 90 ngày.

Điều đó đã lý giải về những người ngủ đủ giờ mà thức khuya (ví dụ 2h sáng đi ngủ đến 10h sáng mới dậy) thường trông xanh xao do những hồng cầu bị chết sớm. Do vậy, trong mọi trường hợp cố gắng đi ngủ trước 11h, còn càng ngủ sớm càng tốt.

Bản thân tôi đi ngủ lúc 8h tối. Tại sao tôi lại có thói quen ngủ sớm? Vì khi còn là một bác sĩ phẫu thuật tôi thường bị gọi đi phẫu thuật cho các ca bệnh khó vào ban đêm. Khi đó tôi rất buồn ngủ, đã phải lấy vòi nước xả xuống đầu cho tỉnh ngủ, nên tôi tập đi ngủ sớm để nếu đến 1-2h đêm có bị gọi đi mổ, tôi cũng đã ngủ được một giấc nên sẽ tỉnh táo.

* Giáo sư còn “bí quyết” nào để giữ gìn sức khoẻ được như ngày hôm nay?

– Bí quyết giữ gìn sức khoẻ của tôi không khác với những thông tin mà khoa học ngày nay đã xác định được. Tôi chỉ làm theo một cách kỷ luật, rất đúng và luôn làm đúng.

Ví dụ như những ngày trước tôi phải đi công tác nước ngoài nhiều, là đại biểu quốc hội hai nhiệm kỳ nhưng dù ở đâu, thời tiết nóng hay lạnh thì đúng 5h tôi vẫn tập thể dục. Một tháng trước, tôi vẫn thức đêm cùng các bác sĩ trong bệnh viện để theo dõi người bệnh sau ghép gan nhưng sáng hôm sau tôi vẫn dậy tập thể dục như bao ngày bình thường khác.

Muốn được như vậy, tôi phải tự tập thói quen bất cứ khi nào muốn ngủ phải ngủ được ngay. Mà muốn dễ ngủ phải luôn nghĩ tích cực, không nghĩ tiêu cực, không nên để những vấn đề “gay cấn” xảy ra vào buổi tối. Mình phải làm chủ mình trước những vấn đề đó.

Ngoài ra, cần phải biết sắp xếp công việc, không để công việc rối lên. Tôi thường có thói quen ghi chép vào sổ tay những công việc nào làm trước, công việc nào làm sau và luôn để một khoảng trống cho những công việc bất thường có thể xảy ra.

Thăng bằng thể lực và tâm lý

GS Trần Đông A cho rằng cuộc sống hiện đại càng bận rộn thì càng phải có một cuộc sống tinh thần tốt mới cân bằng được. Bên cạnh công việc, con người cần có những giải trí, chứ làm việc mệt mỏi quá sẽ dẫn đến sợ công việc. Việc giữ thăng bằng về thể lực, tâm lý là luôn quan trọng.

Tuy nhiên cần phân biệt giải trí với hưởng thụ. Giải trí mang tính tích cực, được làm những thứ mình thích như đi du lịch, nghe nhạc… khác với hưởng thụ (nhậu nhẹt thái quá…).

Khi giải trí xong mình sẽ thấy phấn khởi, thích thú, điều này sẽ kích thích tất cả các cơ quan làm việc, giúp tái tạo cơ thể.

Tuổi 76, bác sĩ Trần Đông A vẫn khỏe như chàng trai
Bác sĩ Trần Đông A trao đổi nghiệp vụ cùng các sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – Ảnh: D.PHAN

Vận động trí não giúp cơ thể khỏe

Theo GS Trần Đông A, vận động rất quan trọng với tất cả mọi người dù người đó bao nhiêu tuổi. Vận động thể lực, vận động trí lực không bao giờ là trễ.

Ngoài ra, cần phải ăn đúng, ăn cân bằng ngoài việc tập đi ngủ sớm. Hiện đang có khuynh hướng ăn sai dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc dư dinh dưỡng (béo phì), gây ra nhiều bệnh tật.

Ăn cân bằng là ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, rau, củ, chất béo gồm mỡ động vật và dầu thực vật.

Mỗi người có một bản đồ gen khác nhau cho nên tuỳ mỗi người, mỗi công việc sẽ có một chế độ ăn cân bằng riêng. Ăn vào mà cảm thấy khoẻ hơn, có cân nặng chuẩn thì nên duy trì chế độ ăn đó. Nên ăn đều đặn, đúng giờ.

Hiện chúng ta chỉ được nghỉ trưa một giờ đồng hồ. Do vậy, bữa ăn sáng và tối là hai bữa ăn chính, còn bữa trưa nếu ăn nhiều làm việc sẽ không hiệu quả, nhất là làm việc bằng trí não.

Trong một hội nghị thế giới về rượu và sức khoẻ, người ta đã đưa ra những khuyến cáo là ăn đúng, vận động và uống một lon bia mỗi ngày là cách không cần phải đến bác sĩ.


THÙY DƯƠNG thực hiện ([email protected])