29/11/2024

Bi hài chuyện viết bài báo khoa học

Chuyện viết bài báo khoa học với nhiều tình huống bi hài cười ra nước mắt, qua góc nhìn của người đang công tác tại một trường đại học.

 

Bi hài chuyện viết bài báo khoa học

Chuyện viết bài báo khoa học với nhiều tình huống bi hài cười ra nước mắt, qua góc nhìn của người đang công tác tại một trường đại học.

 

 

Bi hài chuyện viết bài báo khoa học

“Nhiều giảng viên gửi đến những bản thảo không “sạch nước cản” cả về hình thức trình bày lẫn câu chữ văn phạm. Đơn giản vì họ cho rằng bản thân đã tạo ra linh hồn của bài báo, còn phần da thịt, trang phục bên ngoài đã có biên tập viên chăm lo”.

Cùng với giảng dạy, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ hàng đầu của giảng viên các trường cao đẳng, đại học hay các viện, học viện. Điều này được cụ thể hóa thông qua các văn bản từ cấp nhà nước đến cấp cơ sở của từng đơn vị.

Nếu như công tác giảng dạy hiện nay còn nhiều điều đáng bàn, thì việc nghiên cứu khoa học trong khuôn viên giảng đường cũng không ít những tình huống trớ trêu.

Có vẻ lạ tai nhưng đó là sự thật khi có một bộ phận giảng viên – thường là giảng viên trẻ, không phân biệt được sự khác nhau giữa bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học và bài báo phổ thông (chủ yếu chuyển tải thông tin thường thức) được đăng tải trên các nhật báo, nguyệt san hay các tạp chí mang tính giải trí, thương mại.

Thế nên bộ phận thư ký của các tòa soạn tạp chí khoa học nhiều khi chỉ biết ngước lên cao xanh ta thán vài câu cho nhẹ lòng, khi nhận được những bài báo khoa học gửi về mà nội dung chỉ vỏn vẹn chừng 4-5 trang giấy A4 đánh máy (khoảng 2.000 từ), không tiêu đề, không kết quả nghiên cứu, chỉ thuần lược trích lịch sử vấn đề, thậm chí không thể hiện được một quan điểm mới nào của cá nhân người viết.

Nếu đưa vào mục “Trao đổi” hoặc “Diễn đàn” thì vẫn là quá khiên cưỡng, chứ chưa nói đến việc xem đó là báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học.

Ở nhiều bài báo khoa học, phần tài liệu tham khảo là kính thưa các loại sách, bài báo khoa học, công trình nghiên cứu đông tây kim cổ. Nhưng để tìm ra dẫn chứng của những tài liệu này được sử dụng ở đâu, đoạn nào trong bài báo thì khó như mò kim đáy bể. Sự hiện diện của các tài liệu tham khảo không hơn không kém quá trình liệt kê! Ngoài ra, không có bất cứ dấu vết nào chứng tỏ nó được sử dụng trong quá trình tác giả nghiên cứu.

Cứ ngỡ đây là lỗi lầm mà sinh viên thường mắc phải trong khi thực hiện các tiểu luận, niên luận; hóa ra nó là căn bệnh phổ biến cả với một số giảng viên.

Đáng nói hơn là tâm lý ỷ lại, phó thác tất cả vào biên tập viên. Một bản thảo bài báo khoa học mà có đến gần… trăm lỗi chính tả thì biên tập viên chỉ biết chào thua!

Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan bên ngoài tác động, biên tập viên phải nai lưng ngồi sửa! Chẳng hạn như vì ưu tiên bài của các giảng viên trong đơn vị nhằm nghiệm thu đề tài, hoặc vì vị trí lãnh đạo của tác giả viết bài, hoặc bài được gửi gắm!…

Áp lực phải có bài báo khoa học cho thấy những quy định, quy chế đang trở thành nguồn cơn tạo ra tiêu cực ngay trong chính môi trường nghiên cứu khoa học.

Trách cứ giảng viên chưa có thái độ tích cực, chủ động với nghiên cứu khoa học, thì cũng phải than phiền nhà quản lý chưa đưa ra những quy định hợp lý (hoặc nếu có thì chưa áp dụng triệt để, dứt khoát) và chưa có những chế tài mạnh tay nhằm nói không với gian lận trong nghiên cứu khoa học.

Viết bài báo khoa học để được… cộng điểm

Suy cho cùng, những sai lầm được chỉ ra ở trên sẽ hoàn toàn không có cơ hội xảy ra nếu người viết bài báo khoa học thật sự có tâm thế chủ động với công việc mà mình thực hiện. Nhiều tác giả viết bài báo khoa học đơn thuần chỉ để đủ giờ chuẩn nghiên cứu khoa học theo chỉ tiêu hằng năm của cơ quan, đơn vị; hoặc để được cộng điểm khi tiến hành bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ.

Xuất phát từ mục đích mang nặng tính hình thức như thế nên việc viết bài báo khoa học trở thành hành động đối phó hết sức tiêu cực, một công việc chẳng đặng đừng phải thực hiện, không chút đầu tư tâm huyết nào.

Nhiều giảng viên vì quá bận rộn với công tác giảng dạy, khi thiếu giờ chuẩn nghiên cứu khoa học, thậm chí đã nghĩ ra cách thêm tên mình vào công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên mà mình đang hướng dẫn để gửi đến các tạp chí, tạo ra những tình huống dở khóc dở cười, ngậm ngùi chua xót.

TRẦN XUÂN TIẾN